Những 'bệ đỡ' cho thị trường chứng khoán bứt tốc

Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức trước những biến động khó lường của địa chính trị, tỷ giá, lạm phát... Dù vậy, với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp và các yếu tố nội tại tích cực, triển vọng nâng hạng thị trường vẫn được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn trong tương lai.

Nguồn: UBCKNN. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: UBCKNN. Đồ họa: Phương Anh

Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 được đánh giá là năm bản lề cho sự phát triển bứt phá của thị trường trong năm 2025? Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Trương Hiền Phương: 2024 là năm mang tính bản lề, thị trường chưa có sự đột phá rõ ràng để tạo ra những kết quả cụ thể nhưng đã có rất nhiều hành động từ phía cơ quan quản lý với các bước chuẩn bị, tạo nền tảng cho TTCK Việt Nam có thể phát triển vào năm 2025. Cụ thể, Thông tư 68/2024/TT-BTC, Luật Chứng khoán sửa đổi được Quốc hội thông qua và nhiều văn bản hướng dẫn khác đang được hoàn thiện nhằm giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, chưa phù hợp. Tôi cho rằng, năm 2025 sẽ là năm ghi nhận kết quả từ việc chuẩn bị này.

PV: Đâu là cơ sở để chúng ta có thể kỳ vọng được điều đó? Ông dự báo như thế nào về diễn biến của thị trường trong năm 2025.

Ông Trương Hiền Phương: Tôi cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục giảm lãi suất, điều này làm cho dòng vốn đầu tư trên thế giới sẽ đảo chiều. Chúng ta sẽ chứng kiến dòng vốn bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhỏ dần và ghi nhận mua ròng trở lại trong năm tới.

Ngoài ra, với những nỗ lực cải thiện những tiêu chí nâng hạng, dự kiến tháng 3/2025 chúng ta sẽ được đưa vào danh sách nâng hạng để tháng 9/2025 sẽ chính thức được công nhận. Đây sẽ là thông tin tích cực để quỹ đầu tư trên thế giới, quỹ đầu tư có quy mô lớn, chuyên đầu tư vào thị trường mới nổi bắt đầu tìm đến TTCK Việt Nam và giải ngân dần vào.

Động lực tiếp theo của TTCK trong năm 2025 chính là đầu tư công, với việc khởi động một loạt dự án mới với khối lượng quy mô đầu tư lớn. Bên cạnh đó, ổn định tỷ giá là ưu tiên, nhất là trước lo ngại về sự gia tăng sức mạnh đồng đô la Mỹ và căng thẳng thương mại. Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt để ổn định tỷ giá và giảm áp lực lên nợ công, nhập khẩu.

PV: Để lựa chọn cổ phiếu cho năm 2025 ông dự báo những nhóm ngành nào sẽ có nhiều cơ hội?

Ông Trương Hiền Phương: Tôi cho rằng, ngành bất động sản khu công nghiệp sẽ đón nhận nhiều làn sóng đầu tư từ các tập đoàn công ty lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, ngành chứng khoán sẽ có nhiều cơ hội khi thị trường được nâng hạng. Nhà đầu tư sẽ quay trở lại thị trường, sự bùng nổ của thị trường sẽ dâng cao công ty chứng khoán sẽ được hưởng lợi từ dịch vụ cho vay margin. Hay xu hướng mua bán sáp nhập doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu, trái phiếu công ty chứng khoán sẽ hưởng lợi từ thu dịch vụ. Bên cạnh đó bất động sản dân dụng cũng sẽ có nhiều cơ hội, thị trường bất động sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất.

Một ngành được đánh giá tiềm năng nữa liên quan đến công nghệ, thế giới sôi động mảng AI, chíp bán dẫn, blockchain…. Trong khi đó, Tập đoàn công nghệ lớn Nvidia đã quyết định đầu tư vào Việt Nam và coi Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của mình. Điều này sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mạnh sẽ cho các công ty nhỏ chuyên cung cấp nguyên liệu, phụ liệu sản phẩm phụ cho hãng này, từ đó cũng kéo theo làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp khác.

PV: Với những tiến trình đang thực hiện ông đánh giá như thế nào về khả năng được nâng hạng của TTCK trong năm 2025?

Ông Trương Hiền Phương: Việc nâng hạng đã rất gần, nếu sớm chúng ta được nâng hạng vào tháng 3 năm 2025. Tôi cho rằng, Việt Nam sẽ được vào danh sách nâng hạng từ tháng 3 và tháng 9 sẽ chính thức được công nhận vào thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn của FTSE. Đối với tiêu chuẩn của MSCI chúng ta cần phải cải thiện thêm một vài tiêu chí mới phù hợp với bộ tiêu chí của họ. Trong đó, vấn đề tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, tổng tỷ lệ sở hữu… những vấn đề này cũng đã được cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt và xử lý để phù hợp với Luật pháp Việt Nam, tạo sự công bằng minh bạch cũng như đảm bảo cho các doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững.

Tôi cho rằng, các cơ quan nhà nước cũng đang tập trung các giải pháp vừa thu hút nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc đáp ứng những tiêu chí của các tổ chức thẩm định để được nâng hạng vừa đảm bảo được các doanh nghiệp hoạt động trong nước được phát triển.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Quyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhung-be-do-cho-thi-truong-chung-khoan-but-toc-167905.html
Zalo