Những báo động về một kỷ nguyên bạo lực chính trị mới ở Mỹ

Nhiều vụ việc bạo lực chính trị dường như phản ánh sự thù địch giữa các cá nhân, và một số thủ phạm có dấu hiệu rối loạn tâm thần. Dù thế nào, bạo lực chính trị ở Mỹ đã tăng lên một cách báo động.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được đưa vội ra khỏi sân khấu tại một cuộc mít tinh ở Pennsylvania vào tối 13/7 sau một vụ xả súng.

Theo Cơ quan Mật vụ Mỹ, một tay súng đã bắn nhiều phát từ một vị trí cao về phía ông Trump. Trên trang Truth Social, ông Trump cho biết mình bị trúng đạn vào tai. Cựu Tổng thống đã giơ nắm đấm về phía đám đông khi ông được hộ tống đi.

Chiến dịch tranh cử của ông thông báo ông "vẫn ổn và đang được kiểm tra tại một cơ sở y tế địa phương". Buổi mít tinh kết thúc đột ngột và địa điểm đã được giải tán. Mật vụ cho biết nghi phạm và một khán giả đã thiệt mạng, hai người khác bị thương nặng.

Tổng thống Joe Biden đã được thông báo về vụ việc. "Tôi rất biết ơn khi nghe tin ông ấy an toàn và khỏe mạnh. Tôi cầu nguyện cho ông ấy và gia đình, cùng tất cả những người có mặt tại cuộc mít tinh. Không có chỗ cho loại bạo lực này ở Mỹ. Chúng ta phải đoàn kết như một quốc gia để lên án nó", ông Biden nói.

 Cựu Tổng thống Donald Trump thể hiện cử chỉ quyết tâm sau khi bị bắn tại một sự kiện vận động tranh cử ở Butler, Pennsylvania vào ngày 13 tháng 7 năm 2024. Ảnh: AP

Cựu Tổng thống Donald Trump thể hiện cử chỉ quyết tâm sau khi bị bắn tại một sự kiện vận động tranh cử ở Butler, Pennsylvania vào ngày 13 tháng 7 năm 2024. Ảnh: AP

Vụ việc được cho là sẽ làm leo thang cuộc đua bầu cử vốn đang cực kỳ căng thẳng. Ông Trump đang dẫn đầu các cuộc thăm dò với chiến dịch tập trung vào việc trả đũa những đối thủ chính trị của mình; ông đã hứa sẽ trở thành một nhà độc tài vào ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng. Trong khi đó, vị thế của ông Biden với tư cách là ứng cử viên của Đảng Dân chủ đang bị nghi ngờ.

Vụ nổ súng nhắm vào ứng cử viên Tổng thống rất hiếm nhưng không phải là chưa từng xảy ra. Cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã sống sót sau một vụ xả súng vào năm 1981. Cựu Tổng thống Theodore Roosevelt bị thương do trúng đạn trong nỗ lực trở lại Nhà Trắng vào năm 1912.

Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy đã bị sát hại trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 1968. Các Tổng thống Abraham Lincoln, James Garfield, William McKinley và John F. Kennedy đều bị bắn chết khi đang tại nhiệm.

Các cuộc vận động tranh cử của ông Trump thường xuyên chứng kiến bạo lực hoặc đe dọa bạo lực dù trước đây không nhắm vào ứng cử viên. Những người biểu tình phản đối ông Trump đã bị tấn công, và bản thân ông Trump cũng khuyến khích việc chống lại họ.

Vụ việc bạo lực chính trị nghiêm trọng nhất lịch sử nước Mỹ gần đây xảy ra vào ngày 6/1/2021, khi một đám đông đã tấn công và gây bạo loạn Điện Capitol của Mỹ.

Vào tháng 6/2017, một tên khủng bố trong nước đã nổ súng vào các thành viên của Quốc hội đang luyện tập cho một trận bóng chày thường niên, khiến ông Steve Scalise, một thành viên của ban lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện bị thương nặng.

Hai tháng sau, những người chủ trương thượng đẳng da trắng, những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng, Tân Liên Minh, Tân Quốc Xã và các tổ chức bán quân sự ở Mỹ đã tham gia cuộc biểu tình bạo loạn trên đường phố Charlottesville, Virginia khiến một phụ nữ thiệt mạng.

Năm 2018, một người đàn ông đã gửi bom ống cho một số người được cho là đối thủ của ông Trump. Năm 2020, một số người đã bị kết án trong một âm mưu bắt cóc Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer, một thành viên Đảng Dân chủ.

Năm 2022, một người đàn ông đã bị bắt vì âm mưu ám sát Thẩm phán Tòa án Tối cao Brett Kavanaugh. Một người khác đã bị giết sau khi tấn công văn phòng FBI ở Ohio và một người đàn ông tấn công chồng của bà Nancy Pelosi gần đây đã bị kết án.

Nhiều vụ việc trong số này có mối liên hệ rõ ràng với các sự kiện chính trị. Những vụ việc khác, bao gồm vụ giết một thẩm phán đã nghỉ hưu vào năm 2022 ở Wisconsin, dường như phản ánh sự thù địch giữa các cá nhân, và một số thủ phạm có dấu hiệu rối loạn tâm thần. Số lượng người Mỹ cho rằng bạo lực chính trị đôi khi chính đáng cũng đã tăng lên.

Biên tập viên điều hành Adrienne LaFrance của The Atlantic đã báo cáo về xu hướng này vào tháng 4/2023. Bà lưu ý: "Trong những năm gần đây, người Mỹ đã cân nhắc đến một kịch bản tồi tệ nhất, trong đó sự chia rẽ cực đoan và ngày càng lan rộng của đất nước có thể dẫn đến một cuộc Nội chiến thứ hai".

"Hình thức chủ nghĩa cực đoan mà chúng ta phải đối mặt là một giai đoạn khủng bố trong nước mới, đặc trưng bởi những cá nhân cực đoan có tư tưởng sẵn sàng giết chết kẻ thù chính trị của họ. Nếu không được kiểm soát, nó có thể dẫn đến kỷ nguyên hỗn loạn".

Những gì xảy ra sau vụ xả súng ngày 13/7 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những chi tiết quanh vụ việc và tình trạng của ông Trump, cũng như cách các lãnh đạo quốc gia phản ứng. Nhiều chính trị gia quốc tế đã ngay lập tức lên án bạo lực và cầu nguyện cho ông Trump. Trong thời điểm này, nước Mỹ rất cần sự lãnh đạo thận trọng và sáng suốt.

Ngọc Ánh (theo The Atlantic)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-bao-dong-ve-mot-ky-nguyen-bao-luc-chinh-tri-moi-o-my-post303427.html
Zalo