Những bài học về nghệ thuật ngoại giao
Đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Genève là cẩm nang quý về đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học còn nguyên giá trị về nguyên tắc, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao, mang đậm bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Thắng lợi chung của ba nước Đông Dương
Khái quát ý nghĩa quốc tế to lớn của Hiệp định Genève, GS.TS. Đại sứ Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết, Hội nghị ký kết ba hiệp định đình chiến về Việt Nam, Lào, Campuchia và thông qua Tuyên bố chung gồm 13 điểm. Nội dung cơ bản là Pháp cam kết chấm dứt chiến tranh, rút quân, tôn trọng các quyền cơ bản của ba nước Đông Dương; ở Việt Nam vĩ tuyến 17 là ranh giới phân vùng tập kết, lực lượng kháng chiến Lào ở Bắc Lào, lực lượng kháng chiến Campuchia giải giáp tại chỗ, không có khu tập kết; ở Việt Nam sẽ tổng tuyển cử thống nhất đất nước sau hai năm; thời gian chuyển quân 300 ngày. Ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế gồm Ấn Độ, Ba Lan và Canada, do Ấn Độ làm Chủ tịch…
Theo GS.TS. Hà Minh Hồng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, với Việt Nam, Hiệp định Genève đã “đập tan âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ và thực dân hiếu chiến Pháp…; kết thúc ách thống trị của thực dân Pháp ở miền Bắc, làm cho nhân dân miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tạo nên những điều kiện thuận lợi cho công cuộc kiến thiết hòa bình nước Việt Nam sau này. Đồng thời đặt ra cơ sở để tiến lên một bước thực hiện thống nhất, độc lập và dân chủ trong toàn quốc”.
70 năm nhìn lại,Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, thắng lợi tại Hội nghị Genève bắt nguồn từ đường lối cách mạng đúng đắn và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ khát vọng hòa bình cháy bỏng, chủ nghĩa yêu nước cùng bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Hiệp định Genève là kết tinh thành quả đấu tranh quật cường và bền bỉ của quân và dân ta, từ chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 đến Chiến dịch biên giới Thu Đông 1950 và tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cùng với Hiệp định Sơ bộ 1946 và Hiệp định Paris 1973, Hiệp định Genève 1954 là một mốc son lịch sử của ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Hội nghị Genève đã tôi luyện nên những nhà lãnh đạo đồng thời cũng là những nhà ngoại giao xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh như Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu, Hà Văn Lâu và nhiều cán bộ ngoại giao ưu tú khác.
“Hiệp định Genève không chỉ là thắng lợi của Việt Nam, mà còn là thắng lợi chung của ba nước Đông Dương, cũng là thắng lợi của các dân tộc bị áp bức trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh vì hòa bình và độc lập dân tộc, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Từ năm 1954 - 1964, có tới 17 trong 22 thuộc địa của Pháp đã giành độc lập; riêng năm 1960 có tới 17 nước ở châu Phi tuyên bố độc lập”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Giải quyết bất đồng, xung đột bằng biện pháp hòa bình
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, bài học bao trùm từ sự kiện này là sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung và mặt trận ngoại giao nói riêng. Đảng đã đề ra chủ trương, đường lối và sách lược cách mạng đúng đắn, mở ra mặt trận ngoại giao chủ động tiến công, phối hợp chặt chẽ và thống nhất với các mặt trận chính trị, quân sự để tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo đảm cao nhất lợi ích dân tộc.
Bên cạnh đó là bài học kiên định độc lập, tự chủ trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc. Quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Genève cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn giá trị của nguyên tắc độc lập, tự chủ trong các vấn đề quốc tế. Bởi các quốc gia đều vì lợi ích của mình, nên chỉ có kiên định độc lập, tự chủ mới giúp chúng ta giữ vững thế chủ động và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.
“Mặc dù chúng ta có chiến thắng Điện Biên Phủ, song gặp rất nhiều thách thức vì đây là cuộc trao đổi giữa các nước lớn. Việt Nam có đồng minh là Liên Xô, Trung Quốc, nhưng trong một số trường hợp, có những mục đích không song trùng với ta. Hơn nữa, phe ta là thiểu số so với phương Tây. Trong hoàn cảnh đó, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, trước hết là chấm dứt chiến tranh, chế độ thuộc địa của Pháp và Việt Nam độc lập, thống nhất”, Đại sứ Vũ Dương Huân phân tích.
Việt Nam nhất quán đấu tranh buộc Pháp và các nước công nhận các quyền dân tộc cơ bản của ba nước Đông Dương, đình chiến cùng một lúc trên toàn bộ Đông Dương, không đưa quân đội, vũ khí nước ngoài vào Đông Dương, không có căn cứ quân sự nước ngoài, giới tuyến phân vùng ở Việt Nam không phải là biên giới quốc gia… Đại sứ Vũ Dương Huân cho rằng, “đó là những vấn đề cốt lõi và đặc biệt, chúng ta giành được hòa bình ở một nửa đất nước”.
Theo PGS.TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Hiệp định Genève phản ánh xu thế chung của các nước lớn trong bối cảnh quốc tế bấy giờ. Mặc dù chưa phản ánh đầy đủ những thắng lợi của nhân dân Việt Nam trên chiến trường, và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã không tạo được cục diện "đánh - đàm" - điều mà nhẽ ra phải có, tuy nhiên Việt Nam đến Hội nghị Genève trên tư thế của người chiến thắng với lập trường cơ bản là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Nước Pháp phải công nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam, Lào và Campuchia.
Hiệp định Genève cũng để lại các bài học về sử dụng đối thoại và đàm phán hòa bình nhằm giải quyết bất đồng, xung đột trong quan hệ quốc tế. Cùng với quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954, Đảng ta đã chủ trương dùng biện pháp đàm phán hòa bình để chấm dứt chiến tranh, từ đó mở hướng đi tới một cuộc đàm phán để kết thúc chiến tranh ở Đông Dương. Dù có thể có góc nhìn khác nhau, song không thể phủ nhận Hiệp định Genève đã để lại bài học mang tính thời đại về giải quyết bất đồng và xung đột quốc tế bằng biện pháp hòa bình, nhất là trong bối cảnh thế giới diễn ra nhiều xung đột phức tạp hiện nay.