Những anh hùng trong lòng 'Địa đạo'
'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối' là một hiện tượng hiếm thấy đối với dòng phim lịch sử Việt Nam khi doanh thu vượt hơn 100 tỷ đồng, nhận được 'cơn mưa' lời khen từ giới chuyên môn lẫn phần lớn khán giả.
Trên các diễn đàn điện ảnh và mạng xã hội, không khó để bắt gặp những dòng cảm xúc bồi hồi, xúc động về bộ phim. Và trong khi làn sóng bàn luận đã bắt đầu lắng xuống, tôi xin được góp đôi dòng cảm nhận như một lời tri ân với bộ phim, và hơn thế, với những người anh hùng trong lòng “Địa đạo”.

"Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" là bộ phim chiến tranh có doanh thu cao nhất từ trước đến nay. Ảnh/Nguồn: vtcnews.vn
Đây là một bộ phim không hô hào khẩu hiệu, không cường điệu lòng yêu nước bằng những lời sáo rỗng. Nó kể một câu chuyện thật, từ những con người thật: những người lính du kích năm xưa đã chiến đấu và hy sinh trong lòng địa đạo Củ Chi.
Tác phẩm mở ra một không gian hẹp-hẹp đến nghẹt thở-của hệ thống địa đạo dài hàng trăm mét, nơi từng tiếng thở cũng có thể đánh đổi bằng mạng sống. Nhưng giữa cái hẹp đó, người xem lại thấy một khoảng trời rất rộng-là tình người, là ý chí, là niềm tin không gì lay chuyển của con người Việt Nam thời chiến. Một củ khoai sượng, một giấc ngủ chập chờn trong tiếng bom rung mái hầm, một ánh mắt động viên nhau giữa ranh giới sống chết… Tất cả được đạo diễn ghi lại chân thật đến ám ảnh.
Địa đạo Củ Chi vốn không xa lạ với người Việt, đặc biệt là người dân miền Nam. Thế nhưng, “Địa đạo” không chỉ tái hiện lịch sử bằng hình ảnh tư liệu hay lời thuyết minh mà kể chuyện bằng cảm xúc, bằng những lát cắt đời thường dưới lòng đất-nơi con người sống, yêu, đau, và chết. Không gian ấy ngột ngạt nhưng nhân vật lại giàu nội tâm và rất đỗi con người.

Diễn viên Thái Hòa trong vai Bảy Theo là một điểm nhấn cảm xúc mạnh mẽ. Ảnh/Nguồn: NLDO
Thái Hòa trong vai Bảy Theo là một điểm nhấn cảm xúc mạnh mẽ. Không mang hình ảnh người hùng bất bại, Bảy Theo hiện lên với tất cả những lo toan, yếu mềm và dằn vặt. Nhưng chính sự đời thường ấy lại khiến anh trở nên chân thực và gần gũi như bao người cha, người chú, người anh từng bước ra chiến trường với trái tim yêu nước bình dị.
“Địa đạo” là phim chiến tranh, song không dừng ở những tiếng súng. Phim là bản hòa ca về tình đồng đội, về lý tưởng sống và sự hy sinh lặng thầm. Út Khờ-cô gái nhỏ với tiếng hát trong trẻo-chính là biểu tượng cho cái đẹp giữa bùn đất. Cô hát cho đồng đội nghe, không phải để vui mà để họ còn nhớ rằng: mình là người, còn cảm xúc, còn một mái nhà để hy vọng quay về.

Diễm Hằng Lamoon nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả khi vào vai Út Khờ - chiến sĩ trong phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối". Ảnh/Nguồn: vov.vn
Trong thời đại mà người trẻ đôi khi còn bối rối giữa thật-giả, ảo-thực, “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” giống như một lời nhắc sâu lắng về cội nguồn, về những người đã ngã xuống để có được hòa bình cho đất nước.