Những ai sẽ bị gọi tên khi 'làm điểm' hạn chế trên báo chí, sân khấu…?

Bộ VHTTDL sẽ thực hiện 'làm điểm' việc 'hạn chế sự xuất hiện hình ảnh trên báo chí, không gian mạng, sân khấu nghệ thuật biểu diễn' đối với nghệ sĩ vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ trên mạng xã hội, trong đó liên quan tới quy định vi phạm trong quảng cáo.

Toàn cảnh buổi họp báo

Toàn cảnh buổi họp báo

Tại buổi họp báo thường kỳ quý I.2025 của Bộ VHTTDL vừa mới diễn ra, những vấn đề “nóng” liên quan đến hành vi vi phạm của nghệ sĩ trong hoạt động quảng cáo, đặc biệt là sau các vụ việc lùm xùm gần đây được sự quan tâm của nhiều phóng viên đại diện các cơ quan báo chí ở Trung ương và Hà Nội.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ VHTTDL) đã làm rõ nhiều vấn đề cũng như quan điểm chỉ đạo của Bộ xung quanh vấn đề.

Nhiều nghệ sĩ thiếu hiểu biết pháp luật khi nhận quảng cáo

Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là sự thiếu hiểu biết pháp luật của nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo. Theo ông Lê Quang Tự Do, những vụ việc vi phạm thời gian vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng thiếu hiểu biết pháp luật của không ít nghệ sĩ, người nổi tiếng.

“Họ nhận quảng cáo một cách vô tội vạ, không cần biết sản phẩm tốt không, thật không, nên vô tình vi phạm pháp luật. Chúng tôi rất đau lòng như trường hợp Quang Linh Vlog. Anh này làm nhiều điều có ích cho cộng đồng, nhưng hiểu biết pháp luật lại không cao”, ông Lê Quang Tự Do nhìn nhận.

Vấn đề không chỉ dừng ở việc thiếu kiến thức, với “bản tính nghệ sĩ”, nhiều người khi tham gia quảng cáo còn tự cho mình quyền “biến tấu” nội dung kịch bản quảng cáo theo cảm hứng sáng tạo cá nhân, dẫn đến phát ngôn phóng đại, không đúng sự thật.

Ông Lê Quang Tự Do dẫn chứng: “Nội dung người ta đưa ra chỉ là “hỗ trợ tăng chiều cao”, nhưng nghệ sĩ lại tự ý sửa thành “tăng vượt trội 5 - 10cm”. Không biết thông tin này từ đâu ra. Vậy là trở thành quảng cáo “lố”, quảng cáo “nổ”, điều này rất phổ biến”.

Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, thậm chí có trường hợp nghệ sĩ còn chủ động xin “nói thêm tí nữa” để tăng tính thuyết phục, rồi từ đó thêm thắt, suy diễn, khiến thông tin lệch hoàn toàn so với công bố sản phẩm.

Lời xin lỗi là cần thiết, thể hiện tinh thần nhận lỗi, nhưng xin lỗi suông là không đủ. Người vi phạm cần tự giác sửa sai, bồi thường, cải chính và chấp hành nghiêm các hình thức xử phạt của pháp luật, không để tái phạm.

“Tràng giang đại hải những thứ không có trong kịch bản gốc, sai về bản chất của sản phẩm”, ông Lê Quang Tự Do nhận xét. Một điểm đáng chú ý khác được Cục trưởng Lê Quang Tự Do chỉ ra là thói quen đánh đồng trải nghiệm cá nhân thành hiệu quả đại trà.

Ông nhận định: “Rất nhiều nghệ sĩ lấy trải nghiệm của bản thân để áp đặt cho người khác, cho rằng nếu mình thấy hiệu quả thì ai dùng cũng như vậy. Điều đó dễ dẫn đến phát ngôn sai sự thật”.

Điều này không chỉ vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo mà còn dễ khiến công chúng hiểu lầm, đặc biệt khi người truyền tải là người nổi tiếng có sức ảnh hưởng rộng.

“Chúng tôi mới xử lý trường hợp một bạn livestream dầu gội đầu, nói khi gội tóc bị xơ. Và bạn ấy cho rằng dầu gội đầu này ai gội cũng sẽ bị xơ. Trong khi rất nhiều người đang trải nghiệm sản phẩm tự nhiên ám ảnh vào tất cả. Như vậy cũng là nói sai sự thật”, ông Tự Do làm rõ thêm.

Bên cạnh đó, một trong các hiện tượng quảng cáo sai phạm mà ông Lê Quang Tự Do cảnh báo, là có nhiều trường hợp nghệ sĩ sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để tăng tính tin cậy cho sản phẩm.

Trong khi đó, đây là hành vi đã bị nghiêm cấm trong các văn bản quy phạm pháp luật. Gần đây, Bộ Y tế đã phải ban hành công điện khẩn, yêu cầu cả bác sĩ đã nghỉ hưu cũng không được mặc áo blouse hoặc sử dụng danh xưng để quảng cáo.

Ngoài ra, việc quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng mô tả như thuốc chữa bệnh, hoặc so sánh công dụng một cách sai lệch cũng đang lan rộng.

Ông Lê Quang Tự Do nhắc đến vụ việc kẹo Kera, quảng cáo “mỗi viên kẹo bằng một ký rau”, thậm chí “bằng 5 ký rau” là minh chứng điển hình cho sự phóng đại vô căn cứ, gây hiểu nhầm nghiêm trọng đối với người tiêu dùng.

Ông Lê Quang Tự Do chia sẻ thêm: “Nghệ sĩ cũng cần lưu ý, khi quảng cáo, hợp tác với các công ty mỹ phẩm, thực phẩm chức năng với vai trò là gương mặt đại diện, được trả cổ phần, như vậy cũng là đồng sản xuất. Và khi bị cơ quan chức năng kết luận là hàng giả thì người nghệ sĩ sẽ vi phạm pháp luật với mức độ là đồng phạm sản xuất hàng giả. Đây là điều cần phải hết sức thận trọng”.

Lãnh đạo Văn phòng Bộ VHTTDL chủ trì họp báo

Lãnh đạo Văn phòng Bộ VHTTDL chủ trì họp báo

Sẽ bị hạn chế hình ảnh nếu vi phạm

Chia sẻ quan điểm về câu chuyện chế tài xử phạt đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật vẫn chưa có tính răn đe, nhiều nghệ sĩ không nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề, chỉ “xin lỗi là xong”, ông Lê Quang Tự Do thẳng thắn: “Lời xin lỗi là cần thiết, thể hiện tinh thần nhận lỗi, nhưng xin lỗi suông là không đủ. Người vi phạm cần tự giác sửa sai, bồi thường, cải chính và chấp hành nghiêm các hình thức xử phạt của pháp luật, không để tái phạm”.

Để hạn chế tình trạng nghệ sĩ vi phạm tràn lan trong quảng cáo hiện nay, Bộ quản lý chuyên ngành phải có trách nhiệm thẩm định, xác định chất lượng, sai phạm đối với sản phẩm được quảng cáo chứ không phải Bộ VHTTDL , cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo.

Để hạn chế tình trạng nghệ sĩ vi phạm tràn lan trong quảng cáo hiện nay, Bộ quản lý chuyên ngành phải có trách nhiệm thẩm định, xác định chất lượng, sai phạm đối với sản phẩm được quảng cáo chứ không phải Bộ VHTTDL , cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo.

Sữa giả, hàng giả, thực phẩm chức năng giả thì Bộ Y tế, Bộ Công thương phải có trách nhiệm quản lý, kiểm định. Khi có kết luận của Bộ chức năng xác định sản phẩm là giả, kém chất lượng thì Bộ VHTTDL sẽ có trách nhiệm xử lý nghệ sĩ quảng cáo cho sản phẩm đó.

(Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử LÊ QUANG TỰ DO)

Cục trưởng Lê Quang Tự Do cũng cho biết, hiện nay pháp luật không phân biệt nghệ sĩ hay công dân bình thường khi xử lý hành vi quảng cáo sai phạm. Mọi cá nhân đều bị xử lý như nhau theo quy định hiện hành.

Hiện dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi đã đề xuất bổ sung quy định riêng đối với người nổi tiếng và sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5.2025.

“Chưa có quy định nào yêu cầu áp dụng biện pháp mạnh hơn đối với nghệ sĩ. Nghệ sĩ hay KOLs vẫn bị xử lý như mọi công dân khác”, ông Lê Quang Tự Do nói.

Để hạn chế các vi phạm về đạo đức, pháp luật của nghệ sĩ, người nổi tiếng, Bộ VHTTDL và Bộ TT&TT (trước đây) đã phối hợp ban hành Bộ Quy tắc ứng xử đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng trên không gian mạng.

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, đây không phải là quy định pháp luật, không có tính chất bắt buộc và kèm theo chế tài. Vì thế, theo ông Tự Do, sẽ không xử lý nghệ sĩ nào theo Bộ quy tắc này.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Tự Do vẫn cần Bộ Quy tắc ứng xử không kèm chế tài. Vì đây là bài học kinh nghiệm từ các nước, vừa có quy định cứng là các chế tài xử phạt, vừa quy định mềm là các quy tắc ứng xử, để người của công chúng, nghệ sĩ có cách ứng xử chuẩn mực, khi vi phạm thì sẽ vấp phải phản ứng từ xã hội, công chúng như bị tẩy chay.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Bộ TT&TT (trước đây) và Bộ VHTTDL đã kết hợp xây dựng thêm Quy chế về việc “hạn chế sự xuất hiện hình ảnh trên báo chí, không gian mạng, sân khấu nghệ thuật biểu diễn” đối với nghệ sĩ vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử.

Dự kiến tới đây sẽ “làm điểm” một vài trường hợp, rất có thể liên quan tới quy định quảng cáo vi phạm.

HỒNG GẤM; ảnh: TR.HUẤN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/nhung-ai-se-bi-goi-ten-khi-lam-diem-han-che-tren-bao-chi-san-khau-129127.html
Zalo