Nhức nhối chảy máu cổ vật
Vụ hai người Trung Quốc bị bắt giữ do đào bới khu lăng mộ vua Lê Túc Tông một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động. Nạn chảy máu cổ vật do trộm cắp, buôn bán trái phép nhức nhối suốt bao năm qua chưa thể giải quyết. Còn di sản đứng trước nguy cơ vụn vỡ không thể phục hồi.
Bài 1: Đào trộm mộ tìm cổ vật
Từ vụ hai người Trung Quốc đào trộm lăng vua Lê Túc Tông đến hàng loạt cổ vật bị mất cắp tại các đình chùa, tình trạng xâm hại di sản đang diễn biến ngày càng phức tạp. Trong khi chế tài xử phạt còn nhẹ, công tác bảo vệ lỏng lẻo, ai sẽ chịu trách nhiệm cho những mất mát không thể phục hồi của di sản?
Trộm mộ ngày càng trắng trợn
Chỉ vài ngày sau kỳ nghỉ lễ 30/4, hai người Trung Quốc bị bắt giữ khi đang trên đường trốn khỏi Việt Nam sau khi đào bới khu lăng mộ vua Lê Túc Tông ở Thanh Hóa. Dù chưa kịp lấy đi cổ vật nào, hành vi xâm phạm này vẫn gây chấn động dư luận bởi mức độ liều lĩnh: sử dụng thiết bị dò kim loại và các dụng cụ đào bới ngay tại khu lăng vua. Đây không phải là vụ việc hiếm hoi. Chỉ vài tháng trước đó, lăng chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Huế được phát hiện có dấu hiệu bị đào trộm. Mộ bị xới tung, ngụy trang bằng lá khô, hiện trường vẫn còn vương vãi đất đá. Trước đó nữa, những vụ đào mộ tương tự từng xảy ra tại lăng Từ Dũ, lăng Vĩnh Mậu, An Lăng, Bồi Lăng, lăng Kiên Thái Vương….
Ngay giữa Thủ đô, những khu mộ 4.000 năm tuổi ở di chỉ Vườn Chuối cũng nhiều lần bị trộm “ghé thăm”, khiến các nhà khảo cổ phải thừa nhận: “Chúng tôi thường là người đến sau bọn trộm”. Những bộ hài cốt từ thời tiền Đông Sơn, di vật khảo cổ quý giá bị xới tung chỉ vì niềm tin sai lệch rằng trong đó có vàng, ngọc. Cố PGS.TS Nguyễn Lân Cường từng nhiều lần nhấn mạnh: “Nhiều mộ cổ hoàn toàn không có vàng bạc, châu báu như dân gian tưởng. Cái được chôn theo thường là đồ gốm, dao đồng, rìu đá, tượng nhỏ, mang giá trị nghiên cứu, không phải để làm giàu”.
“Ngay cả vua chúa khi mất cũng dặn con cháu không chôn nhiều vàng bạc. Một phần vì giáo lý nhà Phật, phần khác là để tránh lòng tham của hậu thế”, nhà khảo cổ Đỗ Văn Khang chia sẻ. Những lớp quách xây bằng hợp chất cứng, những táng vật đơn sơ cũng là cách mà người xưa bảo vệ mình khỏi sự quấy nhiễu của thời sau.
“Sẽ là dễ dãi nếu cho rằng chỉ những lời đồn mộ công chúa ngậm ngọc, hay vịt vàng ngoi lên đất là nguyên nhân khiến kẻ gian đào mộ. Những huyễn tưởng ấy, dù có tác động, vẫn chỉ là cái cớ cho một hành vi đã trở thành phong trào ở nhiều địa phương: săn lùng cổ vật theo đơn đặt hàng”, nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Khôi phân tích.
Cả nước có hàng nghìn di tích, chỉ riêng Hà Nội là gần 6.000. Từ năm 2009 đến nay, xảy ra tình trạng mất hàng trăm cổ vật quý tại nhiều di tích. Đặc biệt, một vụ trộm tại đền Quốc Tế (Phú Thọ) năm 2021 đã khiến nơi này mất 40 sắc phong và sách cổ vô giá, chỉ vài ngày sau khi được phục chế. Tỉnh Bắc Giang cũng ghi nhận gần 70 vụ đạo chích tại di tích, thiệt hại hàng trăm cổ vật như chuông, tượng, sắc phong, lư hương… Mặc dù sau đó công an tỉnh Bắc Giang đã lập hẳn một chuyên án về chống trộm cổ vật, nhưng tình hình điều tra không mấy khả quan.
Cha chung không ai khóc
Để những vụ mất trộm cổ vật liên tiếp xảy ra suốt nhiều năm qua, lý do quanh đi quẩn lại vẫn là thiếu người trông, thiếu tiền tu bổ, thiếu thiết bị bảo vệ, thiếu cơ chế giám sát… Nhưng sâu xa hơn, như nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Khôi chỉ ra, là sự buông lỏng trách nhiệm và sự im lặng khi mọi chuyện đã rồi.

Vết tích các hố đào trộm bên cạnh các bộ hài cốt còn sót lại ở di chỉ Vườn Chuối
“Ở nhiều nơi như lăng chúa Nguyễn, lăng mộ cổ ở vùng nông thôn, hoặc các di chỉ khảo cổ chưa được công nhận, hệ thống bảo vệ gần như không tồn tại. Việc phát hiện thường do người dân tình cờ thấy dấu vết. Ngay cả di chỉ quan trọng như Vườn Chuối, nằm trong vùng quy hoạch tuyến đường Vành đai 3.5, cũng phải chờ công văn xin bảo tồn, trong khi các hố mộ liên tục bị xâm hại”.
Tại nhiều di tích, trách nhiệm trông coi vẫn được “phó thác” cho các cụ già từ 70 đến 90 tuổi, gọi là những “ông từ giữ đền”. Ở đền Quốc Tế (Phú Thọ), thủ từ nhận trợ cấp “bằng bát phở”, không đủ trả tiền xe lên tỉnh “nhận lương”. Có nơi, cụ từ 85 tuổi vẫn là người duy nhất trực đêm, canh hàng chục pho tượng cổ có giá trị trăm năm.
Trong khi các nhà khoa học đau đáu với từng bộ di cốt, từng mảnh gốm, thì kẻ trộm mộ lại coi đó là món hàng. Chính sự chậm trễ trong nhận diện giá trị, thiếu quyết liệt trong chế tài, cộng với nhu cầu thị trường đồ cổ chưa được kiểm soát, đã tạo thành vòng xoáy chảy máu cổ vật.
Trong một hội thảo về bảo vệ di sản, TS. Hà Văn Cẩn (Viện Khảo cổ) thừa nhận: “Mỗi bộ hài cốt bị đào lên, mỗi mảnh gốm bị đánh cắp, đều là một dữ liệu lịch sử không thể phục dựng. Những mộ phần bị phá hủy là mất mát không chỉ về vật chất, mà là về ký ức. Và ký ức ấy, nếu mất đi, sẽ không bao giờ tìm lại được”.

Hố đào bới trên khu lăng mộ vua Lê Túc Tông
Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Trần Hậu Yên Thế chia sẻ nỗi trăn trở, trong số các cụm di tích, đình và đền là những nơi dễ bị xâm phạm nhất vì ai cũng có thể ra vào. Theo tôi, cần tổ chức lại cách sử dụng không gian này một cách hợp lý.
“Ngày xưa, đình từng là nơi họp hành của dân phòng, là nơi làm việc của chính quyền địa phương thời phong kiến. Ngày nay, hoàn toàn có thể bố trí đình làng thành nơi tiếp nhận khai báo tạm trú, tạm vắng, để luôn có người túc trực. Hiện tại, đình làng chỉ là chỗ lui tới của vài cụ cao tuổi, mắt mờ chân yếu, rất dễ bị kẻ gian lợi dụng. Nếu có một bộ phận thường trực tại đó, không chỉ tăng cường an ninh mà còn giữ gìn di tích hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, chính quyền địa phương cần xây dựng chính sách ổn định xã hội, tăng cường giáo dục cộng đồng và nâng cao ý thức để giải quyết tận gốc vấn đề”, anh nói.

Lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát bị đào trộm

Chiếc két sắt đền Quốc Tế bị trộm phá và lấy đi nhiều sắc phong, tài liệu cổ
Xử phạt quá nhẹ
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hành vi trộm cắp, mua bán, tàng trữ cổ vật do trộm cắp có thể bị xử lý nghiêm khắc. Luật sư Ngô Văn Thanh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi trộm cắp tài sản, bao gồm cả cổ vật, có thể bị xử lý hình sự với các khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm tù, tùy thuộc vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt và các tình tiết tăng nặng.
Ngoài ra, người mua cổ vật mà biết rõ đó là tài sản do trộm cắp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, theo quy định tại Điều 323 Bộ luật Hình sự.
Luật Di sản văn hóa năm 2024 cũng quy định rõ ràng về việc bảo vệ di sản văn hóa và xử lý các hành vi vi phạm. Theo đó, mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam đều được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm hành vi mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài.