Nhức nhối bạo lực học đường: Bài 1- Những hồi chuông cảnh báo
'Em sợ đến trường, em sợ bị đánh tiếp nếu nói ra...', đây là lời chia sẻ đầy ám ảnh của một học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường.

Nam sinh lớp 8, Trường THCS Bắc Kạn (TP. Bắc Kạn) bị bạn học hành hung.
Khi tiếng trống trường trở thành nỗi ám ảnh
Dư luận đang xôn xao, bức xúc trước vụ việc N.H.H - một học sinh lớp 8, Trường THCS Bắc Kạn (TP. Bắc Kạn) bị bạn học hành hung đến nỗi gãy 3 xương sườn. Đau lòng hơn khi đây không phải là lần đầu tiên em H bị bạn cùng trường bạo hành.
Sự việc xảy ra vào ngày 05/5/2025 ngay trong khuôn viên trường học. H đã bị 4 học sinh cùng trường bạo hành nghiêm trọng, gồm: T.A.Đ, sinh năm 2010; B.T.N.D, sinh năm 2010; G.P.V, sinh năm 2010; T.B.K, sinh năm 2011. Trong đó, G.P.V sử dụng điện thoại của T.A.Đ để quay video quá trình 3 người còn lại đánh N.H.H.
Trước đó, vào cuối tháng 4/2025, H cũng đã từng bị T.B.K bạo hành (khu vực ngoài trường học).
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra bạo lực học đường tại ngôi trường này. Theo thông tin của phóng viên, cũng trong năm 2025, có 01 nam sinh của Trường THCS Bắc Kạn đã bị bạn học đánh, làm ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần. Vụ việc này đã được đưa ra cơ quan Công an giải quyết.
Năm 2022, tại huyện Chợ Đồn cũng xảy ra 02 vụ học sinh bị đánh "hội đồng" dẫn đến nhập viện. Theo đó, ngày 16/5/2022, một nhóm học sinh Trường THCS thị trấn Bằng Lũng đã đánh "hội đồng" em Q.T.H, khiến nữ sinh này bị chấn thương sọ não.
Tiếp đó, ngày 20/5/2022, tại chân dốc Bản Tàn, thôn Bản Tàn, thị trấn Bằng Lũng, nữ sinh G.T.T.D thường trú ở thôn Thôm Phả, xã Đồng Lạc (Chợ Đồn) cũng bị một nhóm nữ sinh hành hung.
Tháng 10/2024, một nam sinh Trường THPT Chợ Mới (huyện Chợ Mới) đã bị nhóm bạn học cùng trường đánh "hội đồng" dẫn đến gãy tay. Sự việc diễn ra ngay tại hành lang lớp học và bị quay video chia sẻ trên mạng xã hội.
Liên tiếp các sự việc này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng về vấn nạn bạo lực học đường tại Bắc Kạn.
Đã đến lúc không thể xem nhẹ
"Tận mắt xem video em tôi bị đánh, chứng kiến những vết bầm dập, những cơn đau và sự hoảng loạn của em H, gia đình tôi đau đớn và phẫn nộ. Em tôi vì sợ bị bạn trả thù tiếp nên không dám nói với bố mẹ, mà tự chịu đựng những cơn đau do bị thương nặng. Cho đến khi một phụ huynh biết và kể lại với gia đình tôi thì mọi người mới biết em H bị bạn đánh", chị Nguyễn Ngọc Ánh (chị gái của nạn nhân N.H.H trong vụ bạo lực học đường vừa xảy ra tại Trường THCS Bắc Kạn) đau đớn kể.

Nam sinh bị ảnh hưởng về thể chất khi là nạn nhân của bạo lực học đường.
"Các vụ bạo lực học đường cần phải được xử lý theo pháp luật để răn đe, tránh tái diễn tại các trường học", chị Phương Thùy, một phụ huynh học sinh bức xúc.
Những vụ việc được phát hiện thực chất chỉ là phần nổi của "tảng băng chìm" trong vấn nạn bạo lực học đường. Đâu đó còn có vụ việc chưa được phát hiện, không tố cáo, có những cãi vã, xô xát "nhỏ", hoặc bạo hành về tinh thần, bạo lực tâm lý, quấy rối tình dục, bị cô lập...
Bạo lực học đường diễn ra với nhiều hình thức như: Bạo lực về thể xác, bạo lực tinh thần... Mỗi một đứa trẻ đều có thể trở thành nạn nhân bạo lực học đường hoặc người bạo lực.
Có rất nhiều nguyên do như: Tâm lý tuổi dậy thì; tác động từ gia đình, giáo dục con bằng đòn roi, thiếu quan tâm, gây tổn thương tâm lý; môi trường học tập và các yếu tố từ xã hội... Đặc biệt là mạng xã hội, phim ảnh, nhiều bộ phim học đường có mô típ về bạo lực tập thể; việc quay video đưa lên mạng đang rất phổ biến... cũng là nguyên nhân sâu xa khiến tình trạng bạo lực học đường trở nên phức tạp và đáng lo ngại.
Từ các vụ việc dễ nhận thấy, bạo hành học đường đa số xảy ra ở nơi công cộng, thậm chí ngay trong khuôn viên trường học dưới sự chứng kiến của nhiều học sinh. Nhưng vì sao các em không lên tiếng?
Khi được hỏi về vấn đề này, em Phạm B. N (một học sinh ở thành phố Bắc Kạn) cho hay: "Nếu có biết hoặc chứng kiến, đa số chúng cháu không dám mách giáo viên vì sợ bị trả thù".
Được biết, các trường học trong tỉnh đều có tổ tư vấn tâm lý học đường, trong đó có bố trí cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm, nhân viên y tế, đại diện phụ huynh học sinh... để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Nhưng có lẽ ít học sinh chủ động tìm đến để báo cáo về việc mình bị hành hung hoặc chứng kiến bạn mình bị hành hung. Bởi tâm lý các em sau khi bị đánh trở nên hoảng loạn, sợ bị trả thù, bị đánh tiếp nếu để "lộ". Trong suy nghĩ non nớt của trẻ, nếu tố cáo, các em vẫn phải tiếp tục học, sinh hoạt chung một môi trường với người gây bạo lực thì rất đáng sợ./. (Còn tiếp).