Nhức mỏi, căng cứng cơ có thể do bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng

Căng cứng cơ là một chấn thương phổ biến sau khi tập luyện quá sức hay giữ một tư thế quá lâu. Tuy nhiên nguyên nhân căng cứng cơ có thể do bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng hơn và cần được thăm khám bác sĩ sớm, tránh tổn thương trở thành mãn tính.

Căng cứng cơ được mô tả là tình trạng các cơ bắp của bạn bị kéo giãn quá mức dẫn tới tổn thương theo nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau, chẳng hạn như rách cơ. Việc cử động các vùng cơ bị căng gây ra cảm giác đau buốt, khó chịu kèm theo bầm tím, sưng đỏ nhức nhối, khó khăn di chuyển hoặc cảm thấy co cứng cơ như bị thít chặt lại. Các cơ thường xảy ra hiện tượng căng cứng cơ là bệnh gì nhất là cơ chân, cơ tay, cơ thắt lưng, cơ cổ vai.

Tùy vào nguyên nhân gây căng cứng cơ là gì mà các cách giảm căng cứng cơ sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung, cần nhớ rằng căng cứng cơ có thể gặp ở bất cứ ai và việc không được can thiệp chăm sóc kịp thời có thể gây ra các tổn thương mãn tính lâu dài, ảnh hưởng tới sinh hoạt và công việc.

1. Căng cứng cơ là bệnh gì?

Theo Healthline, có một số nguyên nhân gây căng cứng cơ mà bạn cần chú ý bao gồm:

- Tập thể dục quá mức: Căng cơ có thể gặp sau khi tập các bài tập cường độ cao và thời lượng quá mức khiến các khối cơ phải làm việc nhiều hơn dẫn tới tổn thương vi mô cho những sợi cơ. Các triệu chứng thường bắt đầu từ 12 đến 24 giờ sau khi tập thể dục và đạt đỉnh điểm vào khoảng 24 đến 72 giờ.

Căng cơ có thể gặp sau khi tập các bài tập cường độ cao và thời lượng quá mức khiến các khối cơ phải làm việc nhiều hơn (Ảnh: ST)

Căng cơ có thể gặp sau khi tập các bài tập cường độ cao và thời lượng quá mức khiến các khối cơ phải làm việc nhiều hơn (Ảnh: ST)

Đôi khi tình trạng này còn được gọi là đau cơ khởi phát chậm (DOMS - delayed onset muscle soreness) thường gặp ở các hoạt động thể chất như chạy bộ, đi bộ xuống dốc, bật nhảy,... Ngoài căng cứng cơ, DOMS có thể gây ra sưng tấy, đau đớn khi chạm vào và giảm phạm vi chuyển động.

Chú ý hội chứng tiêu cơ vân do vận động quá sức trong khi tập luyện khiến cơ vân bị tổn thương, dẫn tới sắc tố myoglobin được giải phóng từ cơ vào máu. Thay vì được thận lọc ra khỏi máu thì khi lượng myoglobin quá nhiều dẫn tới quá tải và tích tụ lại theo thời gian, gây ra suy thận thậm chí là đe dọa tới tính mạng. Thận trọng khi có các dấu hiệu tiêu cơ vân bao gồm: Bí tiểu, tiểu ít, nước tiểu có màu như màu trà do mất nước; cơ đau nhức và sưng phù, sờ vào cơ thấy mềm; buồn nôn; mất ý thức.

- Chấn thương do chuyển động lặp đi lặp lại: Đôi khi căng cứng cơ xảy ra do cơ bắp bị sử dụng quá mức dẫn tới chấn thương, còn gọi là chấn thương do lặp lại quá mức. Vận động viên chạy bộ, vận động viên thể dục dụng cụ,... là người thường gặp tình trạng này hơn cả. Căng cứng cơ khiến độ linh hoạt của cơ giảm, đau nhức dai dẳng và tạo áp lực lớn lên các khớp cũng như dây thần kinh gây ra các bệnh như viêm gân và viêm bao hoạt dịch.

- Chấn thương cấp tính: Xảy ra do ngã, va chạm đột ngột vào cơ thể gây bong gân, tổn thương dây chằng cũng gây ra các cơn đau dữ dội, biến dạng khớp, khó khăn trong việc di chuyển. Các chấn thương nhỏ thường tự khỏi trong vòng vài ngày. Nhưng những triệu chứng này cũng có thể chỉ ra chấn thương nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như rách cơ hoặc dây chằng hoặc gãy xương. Chấn thương nghiêm trọng được chẩn đoán bằng hình ảnh như chụp X-quang và chụp cộng hưởng từ (MRI) tại cơ sở y tế.

- Nguyên nhân bệnh lý: Ngoài chấn thương do tập thể dục quá mức hay chấn thương vật lý thì căng cứng cơ cũng có thể là kết quả của các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn hay tác dụng phụ của một số loại thuốc mà bạn đang sử dụng:

+ Bệnh lupus: Đây là bệnh tự miễn có thể ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể và mỗi khi đợt lupus bùng phát có thể gây căng cứng cơ, đau khớp, đau ngực, phát ban, sốt và nhạy cảm hơn với ánh sáng, rụng tóc, mệt mỏi kéo dài, các nốt loét miệng, vấn đề về thận hay trí nhớ.

Bệnh lupus là bệnh tự miễn có thể ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể (Ảnh: ST)

Bệnh lupus là bệnh tự miễn có thể ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể (Ảnh: ST)

+ Bệnh Lyme: Bệnh Lyme là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Borrelia burgdorferi gây ra. B. burgdorferi được truyền sang người qua vết cắn của ve chân đen hoặc ve hươu bị nhiễm bệnh. Bệnh lyme gây đau cơ, cứng cổ kèm theo đau đầu, mệt mỏi, sốt và/hoặc ớn lạnh, sưng hạch bạch huyết, đau nhức các khớp, nhịp tim không đều cùng khó thở, chóng mặt, tê ran ở tay và chân. Phát ban đỏ erythema migrans: Xảy ra ở khoảng 70 đến 80% người nhiễm bệnh. Các nốt phát ban thường lan rộng dần dần trong vài ngày, có thể cảm thấy ấm khi chạm vào nhưng hiếm khi ngứa hoặc đau. Có thể xuất hiện trên bất kỳ khu vực nào của cơ thể.

+ Bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn (Mononucleosis): Xảy ra do nhiễm virus EBV, do virus Cytomegalovirus, Toxoplasma gondii (một loại động vật nguyên sinh ký sinh),... gây ra các cơn đau mỏi toàn thân tựa như căng mỏi cơ, nhức nhối khó chịu; đau đầu; sốt kéo dài nhiều tuần và mệt mỏi kéo dài; viêm họng hạt; viêm amidan có màng giả mạc màu xanh xám hoặc màng màu trắng, thậm chí là những vùng loét hoại tử trong họng kèm theo sưng hạch ngoại vi.

+ Đau cơ xơ hóa: Gây ra các cơn đau cứng cơ khắp cơ thể kèm theo mệt mỏi, khó ngủ, đau đầu hoặc đau nửa đầu, bồn chồn, khó khăn về nhận thức, tê ran chân tay, đau ở hàm hoặc ở mặt và các vấn đề về tiêu hóa.

Đau cơ xơ hóa gây ra các cơn đau cứng cơ khắp cơ thể kèm theo mệt mỏi (Ảnh: ST)

Đau cơ xơ hóa gây ra các cơn đau cứng cơ khắp cơ thể kèm theo mệt mỏi (Ảnh: ST)

+ Đau đa cơ dạng thấp (Polymyalgia rheumatica):Có đặc điểm gần như viêm khớp dạng thấp như đau cứng cơ vào buổi sáng và chủ yếu là đau cứng cơ khớp vai, cơ đùi, cứng cơ thắt lưng - hông và căng cứng cơ cổ.

- Tác dụng phụ của thuốc điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý có thể gây căng cứng cơ ở một số người, thậm chí là đau dữ dội, chẳng hạn như thuốc dexmethylphenidate.

2. Khi nào bị căng cứng cơ cần khám bác sĩ?

Tùy từng nguyên nhân gây căng cứng cơ là bệnh gì mà điều trị sẽ có sự khác biệt. Trong một số trường hợp thì nghỉ ngơi tại nhà, uống đủ nước và chườm đá/chườm nóng có thể giúp giảm căng cơ tại nhà hoặc sử dụng thêm thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen, gel giảm đau hỗ trợ.

Nếu cơn đau căng cứng cơ không có dấu hiệu thuyên giảm sau một tuần hoặc trở nên nặng hơn, đau đớn hơn, kèm theo sốt, mệt mỏi, đau họng, đau đầu, chóng mặt, khó thở; đau đớn tăng lên khi di chuyển hoặc tập luyện,... thì cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Như đã nhắc đến thì căng cứng cơ có thể do chấn thương vật lý nên nếu đau cứng cơ kèm theo biến dạng xương khớp, bầm tím và sưng đau thì cần tới bệnh viện sớm.

Khi nào bị căng cứng cơ cần khám bác sĩ? Ảnh: ST

Khi nào bị căng cứng cơ cần khám bác sĩ? Ảnh: ST

Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ thăm hỏi về cường độ cũng như tần suất cơn đau căng cơ của bạn cũng như các bài tập mà bạn đang tập luyện xem chúng có góp phần gây ra cơn đau hay không. Các chẩn đoán hình ảnh như chụp MRI hoặc chụp X-quang có thể có lợi trong việc chẩn đoán nguyên nhân gây cứng căng cơ là bệnh gì.

Điều quan trọng cần nhớ là cách phòng ngừa căng cứng cơ khi tập thể dục bằng cách tập với cường độ thích hợp, khởi động đúng kỹ thuật, không ép bản thân tập quá mức. Kết hợp với các bài tập kéo giãn sẽ giúp cơ bắp của bạn được linh hoạt hơn cũng như ngăn ngừa, giảm cứng và căng cơ cũng như cải thiện quá trình lưu thông máu.

Nguồn: Healthline, VeryWell Health

Châu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhuc-moi-cang-cung-co-co-the-do-benh-ly-tiem-an-nghiem-trong-20241219132436145.htm
Zalo