Nhựa sinh học làm từ sinh khối sẽ thay thế nhựa thông thường
Trang Interesting Engineering cho biết một nhóm nghiên cứu do giáo sư kỹ thuật hóa học - sinh học phân tử Lee Sang-yup (Viện Khoa học - Công nghệ Hàn Quốc) dẫn đầu đã thành công sản xuất một loại nhựa sinh học mang tên poly(ester amide).
Poly (ester amide) kết hợp độ bền của nylon với tính linh hoạt của PET nên là giải pháp thay thế nhựa thông thường đầy hứa hẹn. Nhóm chế tạo loại nhựa sinh học mới bằng kỹ thuật chuyển hóa hệ thống. Họ hợp tác cùng Viện Nghiên cứu công nghệ hóa học Hàn Quốc tiến hành phân tích đặc tính nhựa.

Viện Khoa học - Công nghệ Hàn Quốc (KAIST) dùng vi sinh vật tạo nên nhựa sinh học - Ảnh: KAIST
Tạo nên các con đường chuyển hóa không tồn tại trong vi sinh vật, nhóm phát triển một chủng vi khuẩn nền tảng có khả năng sản xuất 9 loại poly(ester amide) riêng biệt. Và từ glucose từ nguồn sinh khối dồi dào như gỗ thải hay cỏ dại thì poly(ester amide) được sản xuất thành công. Tiềm năng sản xuất quy mô công nghiệp cũng được chứng minh khi nhóm đạt năng suất đến 54,57 gam/lít thông qua quá trình lên men từng mẻ một.
Loại nhựa sinh học mới sở hữu đặc điểm tương tự polyethylene mật độ cao (HDPE). Như vậy chúng không chỉ thân thiện với môi trường mà còn đủ bền chắc để thay thế nhựa thông thường.
Giáo sư Lee nhấn mạnh đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh khả năng sản xuất poly(ester amide) thông qua quy trình dựa trên sinh học thay vì dựa vào ngành công nghiệp dầu mỏ. Ông cũng bày tỏ ý định nghiên cứu sâu hơn nữa để tăng năng suất lẫn hiệu quả.
Poly(ester amide) là bước tiến mới nhất trong hàng loạt cải tiến vật liệu của Viện Khoa học - Công nghệ Hàn Quốc. Năm ngoái họ phát triển một loại nhựa nguồn gốc vi sinh vật sở hữu khả năng phân hủy sinh học với tiềm năng thay thế chai PET. Công trình này có thể dẫn đến nhiều giải pháp thay thế bền vững trong sản xuất polyester, giảm phụ thuộc vào vật liệu hóa dầu và thúc đẩy sản xuất monome sinh học.