Nhu cầu yếu, những doanh nghiệp thép đầu tiên báo lãi ròng giảm sâu trong quý I
Tháng 3, thị trường thép Việt Nam nhận tín hiệu hồi phục tích cực, nhưng tính chung quý I/2023, sản xuất và tiêu thụ thép vẫn giảm khá mạnh. Ảnh hưởng từ nhu cầu yếu, một số doanh nghiệp thép mới có báo cáo tài chính đều ghi nhận lợi nhuận giảm sâu trong quý I.
Các doanh nghiệp thép đầu tiên báo lãi ròng giảm sâu
Mở đầu mùa báo cáo tài chính quý I của các doanh nghiệp thép, CTCP Thép VICASA - VNSTEEL (HOSE: VCA) công bố lãi ròng giảm hơn 40% so với cùng kỳ (svck).
Theo đó, VCA ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng quý I lần lượt đạt 507 tỷ đồng và 5,3 tỷ đồng, đều giảm khoảng 41% cùng kỳ năm ngoái. Điểm sáng là lãi gộp tăng nhẹ lên 27,7 tỷ đồng, giúp biên lãi gộp tăng lên 5,5%. Đây là mức biên lãi gộp cao nhất trong 3 năm của công ty. Sự phục hồi này diễn ra trong bối cảnh giá thép liên tục tăng những tháng đầu năm nay.
Do ảnh hưởng về nhu cầu chung trên thị trường quý I/2023, hoạt động buôn bán diễn ra chậm giúp chi phi bán hàng giảm 34% xuống 4,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 14,8 tỷ đồng, tăng mạnh gần gấp đôi svck do chi phí thuê đất phân bổ tăng, công ty tạm trích dự phòng trợ cấp thôi việc năm nay với số tiền 4,79 tỷ đồng. Chi phí tài chính đạt 2,3 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 15% so với quý I/2022 do công tác điều độ sản xuất, thu mua nguyên liệu và xuất hàng tiêu thụ phù hợp, giảm lượng hàng tồn kho, luân chuyển tiền nhanh, trong khi lãi vay svck tăng 2,5 - 3%. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính lãi chậm trả từ khách hàng ít hơn 280 triệu đồng.
Một doanh nghiệp thép khác cũng báo cáo tình hình kinh doanh kém tích cực trong bối cảnh thị trường khó khăn là CTCP Gang Thép Thái Nguyên (TISCO, UPCoM: TIS).
Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu thuần của TIS đạt 2.446 tỷ đồng, giảm 34,5% svck quý I/2022. Lãi gộp TIS đạt 56 tỷ đồng, giảm mạnh 60%. Biên lãi gộp cũng giảm xuống 2,3% từ mức 3,7% của cùng kỳ. Trừ chi phí, trong quý, TIS lỗ ròng 19 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 29 tỷ đồng; qua đó đánh dấu quý lỗ thứ 3 liên tiếp của công ty.
Bên cạnh sự khó khăn của hoạt động cốt lõi, công ty còn gánh thêm chi phí tài chính nặng hơn với mức 42 tỷ đồng, gấp 1,5 lần quý I/2022. Đáng chú ý, theo thuyết minh, chi phí tài chính của công ty tăng mạnh chủ yếu từ lãi tiền vay 41,861 tỷ đồng, trong khi trên báo cáo kết quả kinh doanh, chi phí lãi vay chỉ là 4,186 tỷ đồng.
Sản xuất và tiêu thụ thép quý I giảm mạnh
Theo báo cáo tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 3 và quý I/2023 do Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) vừa công bố ngày 18/4, các tín hiệu tích cực của thị trường đã xuất hiện trong tháng 3, tuy nhiên tính chung quý I, sản xuất và tiêu thụ thép vẫn giảm mạnh.
Cụ thể, sản xuất thép thành phẩm tháng 3 đạt 2,4 triệu tấn, tăng 2,25% so với tháng 2 nhưng giảm 27,9% svck 2022. Tiêu thụ thép các loại đạt 2,2 triệu tấn, tăng 6,29% so với tháng trước nhưng giảm 29% svck.
Tính chung quý I, sản xuất thép thành phẩm đạt 6,7 triệu tấn, giảm 20,9%; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 6,1 triệu tấn, giảm 25,4% cùng kỳ 2022.
Về tình hình xuất khẩu thép, trong tháng 2 đạt khoảng 796 nghìn tấn, tăng 18,49% so với tháng 1 và tăng 31,79% svck năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 602 triệu USD tăng 46,91% so với tháng trước và tăng 13,92% svck 2022.
Tính chung 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,4 triệu tấn thép, tăng 6,85% cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD giảm 26,73% so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm là khu vực ASEAN (37,31%), Khu vực EU (20%), Ấn Độ (9,34%), Thổ Nhĩ Kỳ (7,32%) và Hoa Kỳ (6,39%).
Ngược lại, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam trong tháng 2 đạt khoảng 840 nghìn tấn, với trị giá hơn 673 triệu USD, tăng lần lượt 41,7% về lượng và 28% về giá trị so với tháng 1 và giảm lần lượt 6,1% về lượng, 27,7% về giá trị svck 2022.
Tính chung 2 tháng đầu năm, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 1,4 triệu tấn với trị giá hơn 1,2 tỷ USD, giảm 25,15% về lượng và giảm 40,36% về giá trị.
Các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam bao gồm Trung Quốc (32,49%), Nhật Bản (15,6%), Ấn Độ (12,91%), Hàn Quốc (11,26%) và Đài Loan (Trung Quốc) (10,27%).