Nhu cầu vay vốn phục hồi, tăng trưởng tín dụng sớm bứt phá
Việc tăng trưởng tín dụng đạt 7,14% chỉ trong nửa đầu năm 2025 là một kết quả vượt xa kỳ vọng và đây là tín hiệu thể hiện nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân đang phục hồi nhanh chóng.

Tăng trưởng tín dụng có thể đạt mục tiêu đề ra. (Ảnh: Vietnam+)
Thị trường tín dụng Việt Nam trong nửa đầu năm 2025 đang ghi nhận một bước chuyển biến tích cực và ấn tượng khi dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt mức 16,73 triệu tỷ đồng tính đến ngày 18/6/2025. Con số này đánh dấu mức tăng trưởng 7,14% so với cuối năm 2024 và đặc biệt là tăng tới 18,71% so với cùng kỳ năm 2024.
Đây là tín hiệu rõ ràng thể hiện nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân đang phục hồi nhanh chóng, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và trong nước vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức và bất ổn.
Dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ
Việc tăng trưởng tín dụng đạt mức 7,14% chỉ trong nửa đầu năm 2025 là một kết quả vượt xa kỳ vọng, đặc biệt khi so sánh với cùng kỳ các năm trước. Nếu như trong nửa đầu năm 2024, tín dụng chỉ tăng trưởng 3,87% so với cuối năm 2023, thì con số 18,71% của năm nay là bước nhảy vọt, phản ánh sự phục hồi rõ nét về nhu cầu vay vốn cũng như sự cải thiện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng cá nhân.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định: “Tăng trưởng tín dụng năm nay không chỉ phản ánh sự nới lỏng chính sách tiền tệ hợp lý của Ngân hàng Nhà nước mà còn cho thấy niềm tin vào triển vọng kinh tế đang được củng cố, từ đó kích thích nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và người dân.”
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức hợp lý, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản vay mới và cũ. Cụ thể, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay bằng VND được các ngân hàng niêm yết dao động trong khoảng 6,6% - 8,9%/năm. Đặc biệt, đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân giữ ở mức khoảng 3,9%/năm, thấp hơn mức tối đa 4%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Lãi suất cho vay USD bình quân cũng được duy trì trong khoảng 4,1% - 5,0%/năm đối với các khoản vay mới và dư nợ cũ. Điều này cho thấy chính sách lãi suất ổn định và hợp lý đang tạo ra dư địa tài chính thuận lợi, giúp mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục duy trì xu hướng giảm, phù hợp với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Phi Lân - Vụ trưởng Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: “Hiện có khoảng 100 tổ chức tín dụng phát sinh tỷ lệ dư nợ đối với khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, có đến khoảng 209.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có dư nợ phát sinh tại các tổ chức tín dụng, chủ yếu là các ngân hàng thương mại. Điều này khẳng định dòng vốn tín dụng đã lan tỏa rộng khắp các phân khúc doanh nghiệp và các lĩnh vực kinh tế.”
Một minh chứng rõ nét cho sự phục hồi và bứt phá của tín dụng là số liệu thống kê tại Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, dư nợ tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 5/2025 đã đạt mốc 4,1 triệu tỷ đồng, tăng 3,89% so với cuối năm 2024. Trong khi đó, con số tăng trưởng chỉ là 1,9% trong hai năm trước, kết quả này phản ánh sức hấp thụ vốn cải thiện rõ rệt, minh chứng cho xu hướng phục hồi vững chắc của nền kinh tế thành phố sau giai đoạn khó khăn do dịch bệnh và suy giảm cầu tiêu dùng.

Mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức hợp lý, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản vay mới và cũ. (Ảnh: Vietnam+)
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực II nhấn mạnh: “Đòn bẩy chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng chính là chính sách tiền tệ điều hành linh hoạt và nhất quán trong việc giảm lãi suất và nới room tín dụng có kiểm soát. Chính sự ổn định và hợp lý của mặt bằng lãi suất đã tạo ra dư địa tài chính lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp họ tiếp cận được nguồn vốn chi phí thấp để mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc, nhập nguyên liệu và phục hồi chuỗi cung ứng.”
Một điểm đáng chú ý là việc nhiều ngân hàng thương mại, tiêu biểu như PGBank, ABBank đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) được Ngân hàng Nhà nước phân bổ từ đầu năm và đang xin cấp thêm. Điều này không chỉ phản ánh nhu cầu vay vốn tăng cao mà còn cho thấy các ngân hàng có kế hoạch kinh doanh tích cực, khả năng giải ngân nhanh chóng và hiệu quả, không để nguồn vốn “nằm im” trong hệ thống.
Bên cạnh đó, con số xuất nhập khẩu cũng phản ánh sức khỏe kinh tế ổn định và tín hiệu tích cực đối với hoạt động thương mại quốc tế. Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2025 đạt 355,79 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó xuất khẩu đạt 180,23 tỷ USD (tăng 14%) và nhập khẩu đạt 175,56 tỷ USD (tăng 17,5%). Cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu với 4,67 tỷ USD.
Tăng trưởng tín dụng có thể đạt mục tiêu đề ra
Trước những diễn biến tích cực, các chuyên gia kinh tế đều dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 sẽ đạt từ 16% trở lên.
Công ty chứng khoán MBS Research dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ nằm trong khoảng 17%-18%, được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của ngành sản xuất, tiêu dùng nội địa và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đơn vị này cũng dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng lớn sẽ dao động quanh mức 5,5%-6% trong năm 2025.
Cùng quan điểm, VCBS Research dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2025 có thể đạt khoảng 16%. Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng tiếp tục điều hành lãi suất ổn định nhằm đảm bảo phù hợp với mặt bằng chung của nền kinh tế và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác.

Các chuyên gia khuyến cáo các cơ quan quản lý và ngân hàng cần tiếp tục thận trọng, kiểm soát rủi ro chặt chẽ đồng thời cân đối giữa mở rộng tín dụng và ổn định kinh tế vĩ mô. (Ảnh: Vietnam+)
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: “Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16% không phải là mục tiêu cuối cùng mà chỉ là một công cụ để điều hành nhằm đảm bảo các mục tiêu kinh tế vĩ mô như kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá.”
Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ sẵn sàng mở room tín dụng bổ sung trong các tháng cuối năm 2025 nếu cần thiết nhằm đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa và hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.
Tuy nhiên, để đảm bảo tăng trưởng tín dụng lành mạnh, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo các cơ quan quản lý và ngân hàng cần tiếp tục thận trọng, kiểm soát rủi ro chặt chẽ đồng thời cân đối giữa mở rộng tín dụng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, việc duy trì đà tăng trưởng tín dụng một cách an toàn sẽ là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững trong năm 2025 và những năm tiếp theo./.