Nhu cầu sử dụng điện của Hàn Quốc tăng kỷ lục do nắng nóng kéo dài

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, nắng nóng và nhiệt độ cao đỉnh điểm đã khiến nhu cầu sử dụng điện của Hàn Quốc lên cao chưa từng có.

Người dân tránh nóng bên dưới hệ thống phun sương tại một công viên ở Seoul, Hàn Quốc ngày 19/6/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Người dân tránh nóng bên dưới hệ thống phun sương tại một công viên ở Seoul, Hàn Quốc ngày 19/6/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Theo số liệu của Sở giao dịch điện lực Hàn Quốc ngày 11/8, nhu cầu điện trên toàn quốc đã ghi nhận 93,8GW (gigawatt) vào ngày 5/8. Đây là con số tiêu thụ điện năng mùa Hè cao nhất từ trước đến nay.

Nhu cầu điện tối đa trong mùa Hè của Hàn Quốc đã tăng dần theo các năm từ mức từ 91,1GW ngày 27/7/2021 đến 93GW ngày 7/7/2022 và lên đến 93,6GW ngày 7/8/2023. Như vậy, chỉ trong 3 năm, nhu cầu điện năng gia tăng của Hàn Quốc đã chênh lệch tới 1,4 GW gần tương đương với mức tổng công suất của 2 nhà máy điện hạt nhân mới.

Tỷ lệ dự trữ năng lượng, đóng vai trò như đèn cảnh báo về một cuộc khủng hoảng điện của Hàn Quốc đã giảm xuống 9% vào ngày 5/8 và đây là mức dự trữ điện năng thấp nhất trong vòng 2 năm qua.

Cục Khí tượng thủy văn Hàn Quốc dự báo nhiệt độ ban ngày ở khu vực đô thị, bao gồm cả Seoul, sẽ vượt quá 30 độ C trong các tuần thứ ba của tháng 8 cho dù thời điểm này nắng nóng đã dịu bớt. Thêm vào đó, Hàn Quốc đã kết thúc kỳ nghỉ Hè và các doanh nghiệp quay trở lại làm việc hết công suất nên dự báo nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục đạt mức cao mới.

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc dự đoán nhu cầu điện cao điểm trong mùa Hè này nằm trong mức từ 92,3 đến 97,2 GW.

Cơ quan chức năng giải thích rằng tiêu thụ điện năng tăng mạnh do đợt nắng nóng mùa Hè năm nay vẫn tiếp diễn nên nhu cầu sử dụng điều hòa của người dân tăng mạnh. Một nguyên nhân khác là giá điện ở Hàn Quốc đang ở mức thấp khiến việc sử dụng điện dân dụng vẫn chưa tiết kiệm.

Giá điện dân dụng ở Hàn Quốc thấp nhất trong số các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Tiêu thụ điện của Hàn Quốc đứng thử 7 trên thế giới và đứng thứ 4 trong số các nước thành viên OECD. Để giảm thiểu khó khăn cho người dân và duy trì chính sách bảo vệ sinh kế cho các tầng lớp yếu thế, Chính phủ Hàn Quốc vẫn duy trì chính sách không tăng giá điện, tiếp tục trợ giá cho các nhóm dễ bị tổn thương.

Mới nhất, Chủ tịch Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền Han Dong-hoon đề xuất hỗ trợ thêm 15.000 won mỗi tháng tiền điện cho các nhóm dễ bị tổn thương và đã nhận được phản ứng tích cực từ Đảng đối lập chính.

Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Ahn Deok-geun cũng cho biết Chính phủ Hàn Quốc đang thảo luận với các đảng về cách thức tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và biện pháp để đảm bảo nguồn tài chính.

Với chính sách kiềm chế không tăng giá điện, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc vừa công bố kết quả kinh doanh cho biết đơn vị này đã ghi nhận khoản lỗ hoạt động 92,8 tỷ won tính riêng trong quý 2 năm 2024. Tính lũy kế từ năm 2021 đến nay, tập đoàn này đã lỗ tới 41,08 nghìn tỷ won.

Có nhiều ý kiến cho rằng Hàn Quốc khó có thể tránh khỏi việc tăng giá điện trong quý 4 năm nay do tỷ lệ lạm phát bình quân đã giảm xuống mức 2% và giá xăng dầu nguyên liệu đã tăng 8,4% trong tháng 7 so với một năm trước. Một quan chức của Bộ Tài chính Hàn Quốc cho rằng Hàn Quốc khó có lựa chọn nào khác là phải tính đến thời điểm tăng giá các dịch vụ điện, tiện ích công cộng căn cứ trên mặt bằng giá cả thị trường.

Khánh Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhu-cau-su-dung-dien-cua-han-quoc-tang-ky-luc-do-nang-nong-keo-dai-20240812063923356.htm
Zalo