Nhu cầu nhà ở liền thổ tại Hà Nội đang tăng cao

Nhu cầu về nhà ở liền kề tại Hà Nội đang tăng cao, tuy nhiên nguồn cung của tại Hà Nội lại khá khan hiếm. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, trong nửa đầu năm 2024, chỉ có 47 căn nhà thấp tầng được chào bán ra thị trường khiến giá tăng cao.

Nguồn cung biệt thự liền kề tại Hà Nội lại khá khan hiếm.

Nguồn cung biệt thự liền kề tại Hà Nội lại khá khan hiếm.

Số căn mở bán hạn chế

Theo Avison Young Việt Nam, trong thời gian gần đây, nhu cầu về nhà ở liền thổ tại Hà Nội đang tăng cao, tuy nhiên nguồn cung tại Hà Nội lại khá khan hiếm, chủ yếu tập trung ở các khu vực phía Tây và Đông của thành phố.

Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao CBRE chi nhánh Hà Nội cho hay, thị trường bất động sản gắn liền với đất tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục không có nhiều biến động về nguồn cung, với số căn mở bán mới hạn chế.

Nguồn cung mới tại Hà Nội trong quý II/2024 có sự cải thiện so với quý trước với gần 270 căn từ ba dự án hiện hữu mở bán tiếp quỹ căn mới, nâng tổng số căn mở bán mới trong nửa đầu năm 2024 lên gần 300 căn.

"So với cùng kỳ năm ngoái, nguồn cung mới nửa đầu năm nay tại Hà Nội đã giảm gần 80%", bà Nguyễn Hoài An chia sẻ.

Về thanh khoản, thị trường Hà Nội chưa ghi nhận sự phục hồi rõ rệt với chỉ gần 370 căn bán được, tăng 26% theo quý nhưng giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung mới hạn chế, trong khi đó một số dự án hiện hữu phải tạm dừng mở bán do chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý khiến số căn bán được quý này tiếp tục ở mức thấp.

Về mặt bằng giá, giá bán sơ cấp và thứ cấp bất động sản gắn liền với đất ở Hà Nội duy trì đà tăng theo quý. Đến cuối quý II/2024, giá bán sơ cấp trung bình đạt 202 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT), tăng hơn 5% theo quý và 4% theo năm.

Quý II/2024 ghi nhận một số dự án hiện hữu điều chỉnh tăng giá hoặc mở bán quỹ căn mới có giá bán cao hơn, khiến mặt bằng giá sơ cấp tăng lên. Bên cạnh đó, giá bán thứ cấp tiếp tục tăng lên 162 triệu đồng/m2, tương đương mức tăng 2% theo quý và 4% theo năm.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, trong nửa đầu năm 2024, chỉ có 47 căn nhà thấp tầng được chào bán ra thị trường đến từ hai dự án mở bán mới trong quý II là dự án Zeit River Thủ thiêm (10 căn nhà phố) và L’Arcade Phú Mỹ Hưng (37 căn nhà phố thương mại). Dù đây là con số mở bán mới khá thấp so với cùng kỳ các năm 2022 trở về trước, có thể thấy nguồn cung mới nửa đầu năm nay tại TP Hồ Chí Minh đã vượt tổng nguồn cung mới của cả năm 2023.

Bà An cho biết, các dự án mở bán mới trong quý II/2024 có mức giá bán cao gấp 2,5-3,5 lần so với mức bình quân thị trường, điều này khiến mức giá bán sơ cấp trung bình của thị trường đạt trên 310 triệu đồng/m2 đất (chưa bao gồm thuế), tăng 19% theo quý và 21% theo năm. Mặc dù có mức giá bán cao như vậy, nhưng 2 dự án mở bán mới ghi nhận tỷ lệ bán tốt, đạt bình quân hơn 70%.

Thị trường kỳ vọng sẽ sáng sủa hơn trong nửa sau năm 2024

Theo bà Nguyễn Hoài An, thị trường bất động sản gắn liền với đất tại Hà Nội trong nửa sau năm 2024 được kỳ vọng sẽ sôi động hơn với sự ra mắt của các dự án khu đô thị quy mô lớn ở phía Tây và phía Bắc của Hà Nội, khiến nguồn cung mở bán mới và mặt bằng giá bán dự kiến ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với nửa đầu năm.

Đối với thị trường nhà thấp tầng xây sẵn tại TP. Hồ Chí Minh, với nguồn cung tương lai hạn chế, các chủ đầu tư có sản phẩm chào bán trong thời gian tới có xu hướng đẩy giá bán sơ cấp lên cao, dự kiến giá sẽ tăng 20% theo năm trên thị trường sơ cấp và tăng 4% theo năm trên thị trường thứ cấp trong năm 2024.

Chia sẻ về diễn biến thị trường trong năm 2024, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nhận xét, nguồn cung phục hồi, giá bán tiếp tục đà tăng và thanh khoản tích cực là các tín hiệu đáng mừng của thị trường nhà ở trong nửa đầu năm 2024.

"Trong nửa cuối năm 2024, những dấu hiệu phục hồi của kinh tế Việt Nam và nỗ lực đưa các luật sửa đổi mới như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật đất đai sớm đi vào hiệu lực từ tháng 8/2024 sẽ góp phần củng cố tâm lý của nhà đầu tư và khơi thông các vướng mắc về mặt pháp lý. Tuy nhiên các chính sách vẫn luôn có độ trễ nhất định, Do đó, năm 2025 sẽ chứng kiến sự phục hồi rõ nét hơn của thị trường nhà ở, về cả nguồn cung, chất lượng sản phẩm và mức giá bán", bà Dung chia sẻ.

Ông David Jackson - Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang chờ đợi tác động của pháp luật mới. Cụ thể, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản sớm đi vào hiệu lực từ tháng 8/2024 sẽ giúp tăng nguồn cung nhà ở.

Mục tiêu chính đằng sau việc sửa đổi và ban hành ba luật bất động sản lớn này là để ngăn chặn sự không nhất quán trong các quy định đã xuất hiện trong thời kỳ điều chỉnh của các luật vào năm 2013-2014. Bằng cách thông qua những luật bất động sản này, dự kiến sẽ có tác động tâm lý tích cực đối với thị trường trong năm 2024, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi thị trường.

Các cơ quan quản lý hiện nay đã có một nền tảng vững chắc để xử lý tích cực các tệp dự án pháp lý dựa trên các điều chỉnh được giới thiệu bởi hệ thống pháp luật mới. Hơn nữa, bằng chứng lịch sử cho thấy việc ban hành luật mới trong thời kỳ 2013-2014 đã tăng cường đáng kể nguồn cung cấp dự án và các hoạt động giao dịch trong những năm tiếp theo.

Hải Yến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nhu-cau-nha-o-lien-tho-tai-ha-noi-dang-tang-cao-153469.html
Zalo