NHTW Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm thứ Hai (21/4) đã công bố giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản (LPR). Theo các nhà phân tích, quyết định này cho phép PBoC tập trung vào việc ổn định đồng nhân dân tệ trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc
Giữ nguyên lãi suất
Theo đó, PBoC quyết định giữ nguyên LPR kỳ hạn 1 năm ở mức 3,1% và LPR 5 năm ở mức 3,6%.
Quyết định này được đưa ra sau khi Trung Quốc báo cáo dữ liệu kinh tế tốt hơn dự kiến trong tháng này. Cụ thể GDP quý đầu tiên của Trung Quốc tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp trong tháng 3 cũng vượt kỳ vọng của các nhà kinh tế.
Hiện LPR 1 năm ảnh hưởng đến các khoản vay của doanh nghiệp và hầu hết các hộ gia đình ở Trung Quốc, trong khi LPR 5 năm đóng vai trò là chuẩn mực cho lãi suất thế chấp. PBoC đã giữ nguyên LPR kể từ tháng 10 năm ngoái.
Quyết định giữ nguyên lãi suất của PBoC phù hợp với số đông (87%) các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát mới đây của Reuters.
Ngân hàng ING của Hà Lan cũng đã dự báo trong một lưu ý vào tuần trước rằng PBoC có khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất, với các nhà phân tích Lynn Song và Min Joo Kang chỉ ra rằng LPR khó có thể thay đổi nếu không cắt giảm lãi suất repo 7 ngày trước. Lãi suất repo 7 ngày hiện ở mức 1,5% và lần gần nhất đã được hạ 20 điểm cơ bản vào tháng 9.
Sau thông báo giữ nguyên lãi suất, đồng nhân dân tệ nội địa của Trung Quốc đã tăng 0,20% lên 7,2848 CNY/USD; trong khi đồng nhân dân tệ ngoài khơi tăng 0,22% lên 7,2846 so với đồng bạc xanh. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đại lục cũng tăng 0,36%.
Vẫn có thể nới lỏng
Theo Zhiwei Zhang - Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý quỹ đầu cơ Trung Quốc Pinpoint Asset Management, PBoC đã không cắt giảm LPR vì dữ liệu kinh tế vĩ mô của Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu. “Họ sẽ cắt giảm lãi suất khi dữ liệu cứng mềm hơn”, ông nói.
Theo các nhà phân tích, mặc dù số liệu tăng trưởng GDP rất khả quan, song nó chưa phản ánh hết những tác động thuế quan của Mỹ và nó có thể phản ánh vào các dữ liệu kinh tế từ tháng 4. Bên cạnh đó giá tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn ở mức giảm phát, với chỉ số CPI vào tháng 3 cho thấy giá cả đã giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá sản xuất giảm 2,5% trong tháng 3, đánh dấu tháng thứ 29 liên tiếp trong vùng giảm phát và chứng kiến mức giảm lớn nhất kể từ tháng 11 năm 2024.
Trong dự báo vào tuần trước, ING cũng cho biết “lạm phát thấp và những trở ngại bên ngoài mạnh mẽ trong bối cảnh các mối đe dọa về thuế quan leo thang là lý do chính đáng để nới lỏng. Nhưng những cân nhắc về ổn định tiền tệ có thể thúc đẩy PBoC chờ cho đến khi Fed cắt giảm chi phí đi vay”.
Ryota Abe - nhà kinh tế tại Sumitomo Mitsui Banking Corporation cũng nói với CNBC, rằng PBoC khó có thể “sử dụng tiền tệ để chống lại những khó khăn kinh tế vì điều này có khả năng dẫn đến dòng vốn chảy ra ồ ạt”.