NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Theo nhà đàm phán hàng đầu của Nhật Bản, chính sách tiền tệ của nước này có thể là một nội dung thảo luận tại cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Nhật sắp tới. Liệu đây có là một áp lực đối với NHTW Nhật Bản (BOJ) phải sớm tăng lãi suất?

Thống đốc BOJ Kazou Ueda

Thống đốc BOJ Kazou Ueda

Chính sách tiền tệ có thể là một nội dung

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã cử Bộ trưởng Phục hồi kinh tế Ryosei Akazawa làm Trưởng đoàn đàm phán của Nhật về vấn đề thương mại với Mỹ. Đài truyền hình NHK đưa tin cuối tuần trước rằng, ông Akazawa sẽ gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent vào ngày 17/4.

Ba nguồn tin quen thuộc với các cuộc đàm phán cho biết, tốc độ tăng lãi suất chậm chạp của BOJ cũng có thể bị chỉ trích trong các cuộc đàm phán thương mại song phương. “Rõ ràng là phía Mỹ muốn thảo luận về đồng yên và chính sách tiền tệ”, Reuters dẫn lời một nguồn tin giấu tên cho biết. Trong khi một nguồn tin khác nói với Reuters là Mỹ muốn đảo ngược tình trạng đồng yên yếu, nhưng chưa đưa ra cho Tokyo sự rõ ràng về các bước đi mà họ mong muốn.

Phát biểu tại một buổi họp báo, ông Ryosei Akazawa cũng cho biết: Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent “dường như đề cập đến các rào cản phi thuế quan và chính sách tiền tệ là một trong những chủ đề mà ông ấy muốn thảo luận. Nếu vậy, chúng tôi rõ ràng sẽ trả lời trong các cuộc thảo luận”. Ông cũng nói thêm rằng Nhật Bản sẽ không loại bất kỳ chủ đề nào ra khỏi cuộc thảo luận.

Theo các nhà phân tích, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tập trung giải quyết thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ và trong những phát biểu trước đây, ông đã chỉ trích Nhật Bản vì cố tình duy trì đồng yên yếu.

Trên thực tế ông Trump cũng đã bày tỏ sự quan tâm lớn đến chính sách tiền tệ của Nhật Bản trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Ishiba vào ngày 7/4, hãng thông tấn Kyodo đưa tin vào thứ Sáu, trích dẫn một nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản.

Cũng chính bởi vậy, rất có thể Nhật Bản sẽ chịu áp lực phải tăng giá đồng yên so với đồng đôla, trong khi BOJ cũng chịu áp lực phải sớm tăng lãi suất.

Tuy nhiên đồng yên Nhật đang có xu hướng tăng giá mạnh do các nhà đầu tư xem đây là một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn kinh tế tăng cao. Trong phiên giao dịch châu Á sáng nay, đồng yên Nhật được giao dịch ở mức 142,80 JPY/USD sau khi tăng lên cao nhất 6 tháng là 142,05 JPY/USD vào tuần trước.

Phát biểu trên Đài truyền hình NHK hồm Chủ Nhật (13/4), ông Itsunori Onodera - Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách của Đảng Dân chủ tự do cầm quyền cũng cho rằng, Nhật Bản phải củng cố sức mạnh của đồng yên vì sự suy yếu của đồng nội tệ đã đẩy chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình lên cao, ám chỉ rằng các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản coi xu hướng giảm giá của đồng yên, thay vì sự phục hồi gần đây của đồng tiền này, là vấn đề lớn hơn đối với nền kinh tế. “Đồng yên yếu là một trong những yếu tố đẩy giá lên cao”, Onodera cho biết. “Để đồng yên mạnh lên, điều quan trọng là phải củng cố các công ty Nhật Bản”.

Thống đốc NHTW Nhật nói gì?

Hiện thị trường đang rất quan tâm tới phản ứng của BOJ trước các ý kiến vừa qua. Liệu BOJ có sớm tăng lãi suất, nhất là khi lạm phát tại Nhật vẫn có xu hướng tăng bền vững.

Lạm phát giá bán buôn của Nhật Bản tăng với tốc độ hàng năm là 4,2% vào tháng 3, cao hơn mức tăng 4,1% vào tháng 2 và cũng cao hơn dự báo của các nhà kinh tế là chỉ tăng 3,9%. Trong khi đó kết quả cuộc khảo sát mới đây của BOJ cũng cho thấy, kỳ vọng lạm phát của các hộ gia đình Nhật tăng cao trong ba tháng tính đến tháng 3.

Phát biểu hôm 9/4, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết, mặc dù vẫn thấp hơn mục tiêu 2% của BOJ, những lạm phát cơ bản của Nhật Bản đang dần tăng tốc khi tiền lương tiếp tục tăng. Ông cũng nói thêm rằng điều kiện kinh tế và giá cả đang diễn biến gần như phù hợp với dự báo của BOJ.

“Nhưng chúng ta cần chú ý đúng mức đến các rủi ro, đặc biệt là sự gia tăng bất ổn gần đây về diễn biến trong chính sách thương mại của mỗi quốc gia”, Ueda cho biết và nhấn mạnh đến những thiệt hại tiềm ẩn từ chính sách thuế quan của Mỹ.

Mặc dù nhắc lại rằng BOJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu nền kinh tế tiếp tục cải thiện và phù hợp với các dự báo hiện tại của mình, tuy nhiên ông Ueda cũng cho biết: “Chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng mà không có định kiến tại mỗi cuộc họp chính sách xem liệu dự báo của chúng ta có thực sự thành hiện thực hay không”. Ông cũng nói thêm, BOJ có thể duy trì chính sách tiền tệ như hiện tại đến khi có sự rõ ràng hơn về tác động của thuế quan Mỹ.

Quan điểm này một lần nữa được ông nhắc lại trong phát biểu trước Quốc hội Nhật hôm thứ Hai (14/4). Ông cho biết, thuế quan của Hoa Kỳ có thể sẽ gây áp lực giảm đối với nền kinh tế toàn cầu và Nhật Bản thông qua nhiều kênh khác nhau.

Trong bối cảnh đó, “BOJ sẽ định hướng chính sách tiền tệ một cách phù hợp theo quan điểm đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững, đồng thời xem xét kỹ lưỡng các diễn biến kinh tế, giá cả và tài chính mà không có bất kỳ sự chuẩn bị trước nào”, Ueda cho biết.

Nhưng theo các chuyên gia, sự biến động của thị trường và nỗi lo suy thoái toàn cầu do chính sách thuế quan của Mỹ có thể khiến BOJ không tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách diễn ra trong hai ngày 30/4 và 1/5 sắp tới.

“Các điều kiện kinh tế và giá cả trong nước đang diễn ra phù hợp với quan điểm của BOJ”, Naomi Muguruma - Chiến lược gia trái phiếu trưởng tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities cho biết. “Nhưng cú sốc thuế quan của Trump đã làm gia tăng sự không chắc chắn về triển vọng”, bà cho biết khi lùi thời điểm dự kiến tăng lãi suất tiếp theo của BOJ thêm 6 tháng đến tháng 1/2026.

Nhưng một số nhà phân tích cho biết BOJ có thể cảm thấy cần phải báo hiệu rằng sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất để tránh gây ra sự sụt giảm thêm nữa cho đồng yên.

Hà Vy

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nhtw-nhat-ban-co-chiu-them-ap-luc-som-tang-lai-suat-162721.html
Zalo