Nhóm sinh viên Sư phạm 'gieo mầm' ý thức bảo vệ môi trường
Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang là thách thức cấp bách toàn cầu. Trước thực trạng này, nhóm sinh viên Khoa Quản lý Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đã triển khai đề tài 'Phát triển kỹ năng xanh cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội' với mục tiêu gieo mầm ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ.

Đề tài “Phát triển kỹ năng xanh cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội” đạt giải Nhất đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường
Mong muốn lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến các thế hệ sau
Đây không chỉ là một nghiên cứu khoa học mà còn là hành trình truyền cảm hứng, thay đổi thói quen sống và xây dựng tư duy bền vững cho sinh viên cùng học trò tương lai.
Đề tài không chỉ đơn thuần là một công trình nghiên cứu khoa học mà còn là tiếng nói trách nhiệm, khát vọng cống hiến của các bạn trẻ trước vấn đề môi trường toàn cầu. Đỗ Bảo Ngọc cho biết: "Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, việc trang bị kỹ năng xanh cho sinh viên sư phạm được xem là vô cùng quan trọng để lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến các thế hệ sau. Nhận thức hiện nay còn hạn chế, phần lớn sinh viên chưa được tiếp cận đầy đủ các kỹ năng xanh, dẫn đến thiếu hụt trong nhận thức và hành động thực tiễn liên quan đến phát triển bền vững. Xuất phát từ thực trạng này, nhóm đã quyết tâm đi sâu phân tích và xây dựng các sáng kiến nhằm chuyển hóa ý thức thành hành động thiết thực"

Nhóm sinh viên Khoa Quản lý Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, mong muốn thay đổi thói quen sống và xây dựng tư duy bền vững cho sinh viên cùng học trò tương lai
Với sinh viên ngành sư phạm, kỹ năng xanh không chỉ là kiến thức bổ trợ mà còn là nền tảng hình thành nhân cách và tư duy nghề nghiệp. Đặng Huyền Trang nhấn mạnh, kỹ năng xanh giúp sinh viên xây dựng nhân cách sống có trách nhiệm, tư duy nghề nghiệp bền vững và biết cách ứng xử phù hợp với thiên nhiên cũng như cộng đồng.
"Đây là những phẩm chất thiết yếu đối với người giáo viên tương lai. Đồng thời, kỹ năng xanh khơi dậy tinh thần đổi mới, khuyến khích sinh viên đưa các yếu tố môi trường và phát triển bền vững vào hoạt động giảng dạy. Nhờ đó, họ có thể trở thành những nhà giáo dục truyền cảm hứng, góp phần hình thành ý thức bảo vệ hành tinh xanh trong thế hệ học sinh", Huyền Trang chia sẻ.
Điểm sáng của đề tài chính là những sáng kiến thiết thực, không quá xa vời mà bắt nguồn từ những hành động nhỏ nhưng có sức lan tỏa lớn. Một trong số đó là "Tối ưu hóa thùng rác – Thay đổi hành vi, lan tỏa lối sống". Sáng kiến này không chỉ tập trung vào thiết kế vật lý thùng rác mà quan trọng hơn là tác động vào nhận thức và thói quen của sinh viên về phân loại rác. Việc đặt thùng rác đúng vị trí, có hướng dẫn trực quan cùng truyền thông kèm theo đã giúp việc bỏ rác đúng chỗ trở thành hành vi có chủ đích và mang tính giáo dục sâu sắc.
Bên cạnh đó, nhóm học tập "Giáo dục xanh - Kiến thức và hành động" tạo ra không gian học tập kết hợp giữa kiến thức môi trường và thực hành, nơi sinh viên vừa nghiên cứu các vấn đề môi trường vừa tổ chức các hoạt động giáo dục xanh, góp phần nâng cao kỹ năng tổ chức và vận động cộng đồng.
Tạo dựng thế hệ công dân toàn cầu giải quyết các vấn đề môi trường
Không chỉ dừng lại ở bản thân sinh viên, đề tài còn có tác động sâu rộng đến học sinh phổ thông - đối tượng các bạn sẽ trực tiếp giảng dạy trong tương lai. Nguyễn Thanh Huyền cho rằng giáo viên có kỹ năng xanh sẽ truyền cảm hứng và giúp học sinh hình thành thói quen sống xanh ngay từ nhỏ, phát triển tư duy phản biện và ý thức trách nhiệm với môi trường. Học sinh được giáo dục dưới sự hướng dẫn của những "người thầy, người cô xanh" sẽ trở thành những công dân tích cực, lan tỏa thông điệp bảo vệ thiên nhiên đến gia đình, bạn bè và xã hội. Qua đó, góp phần tạo dựng thế hệ công dân toàn cầu có năng lực sáng tạo và giải quyết các vấn đề môi trường địa phương cũng như quốc tế.

Theo nhóm sinh viên ĐH Sư phạm, một thông điệp sống xanh được truyền đi đúng cách có thể theo học trò suốt cuộc đời
Với khát vọng lớn lao, nhóm sinh viên Khoa học Giáo dục không chỉ mong muốn đề tài là một dự án nghiên cứu mang tính cục bộ mà còn ấp ủ ý tưởng mở rộng và lan tỏa tinh thần xanh ra toàn mạng lưới các trường sư phạm trên toàn quốc. Nguyễn Thị Thùy Giang chia sẻ mong muốn kết quả nghiên cứu sẽ được phổ biến qua các hội thảo, diễn đàn sinh viên, tọa đàm liên trường để trao đổi kinh nghiệm và mô hình hiệu quả. Việc xây dựng tài liệu hướng dẫn, cẩm nang thực hành kỹ năng xanh dành riêng cho sinh viên sư phạm cũng là một trong những mục tiêu quan trọng. Các câu lạc bộ sinh viên và tổ chức Đoàn – Hội được kỳ vọng sẽ là lực lượng nòng cốt trong tổ chức các chiến dịch truyền thông và hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi sống xanh trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, nhóm còn mong muốn nội dung phát triển kỹ năng xanh sẽ được tích hợp vào chương trình đào tạo chính thức như các học phần kỹ năng mềm, giáo dục môi trường hay giáo dục công dân để đảm bảo hiệu quả bền vững và sâu rộng hơn trong đào tạo thế hệ giáo viên tương lai.
Điều làm nên sức mạnh và cảm xúc của nhóm nghiên cứu nằm ở thông điệp chân thành mà các bạn muốn gửi gắm đến cộng đồng sinh viên, đặc biệt là những người trẻ đang bắt đầu quan tâm đến giáo dục bền vững và môi trường. Đặng Huyền Trang khẳng định: "Để tương lai có một rừng cây, thì ngày hôm nay hãy ươm những hạt mầm".
Thông điệp ấy không chỉ là lời kêu gọi hành động mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm của thế hệ trẻ – những người sẽ gieo chữ, gieo tư duy và gieo thái độ sống xanh cho các thế hệ tiếp nối. Hành động bảo vệ môi trường không phải là điều xa vời mà bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như tiết kiệm năng lượng, phân loại rác, sống thân thiện với thiên nhiên. Một bài giảng có thể kết thúc sau 45 phút nhưng một thông điệp sống xanh được truyền đi đúng cách có thể theo học trò suốt cuộc đời. Những hạt mầm hôm nay chính là nền tảng cho một cánh rừng xanh bền vững của ngày mai.