Nhóm sinh viên phát triển sản phẩm gel nano ngừa nhiễm trùng vết thương
Nhóm sinh viên các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội vừa nghiên cứu, phát triển sản phẩm Bio Heal - Gel nano giúp kháng viêm, kháng khuẩn, tạo màng bảo vệ vết thương hở thay thế da trước khi vết thương lành.
Từ những định hướng, ý kiến đóng góp của TS. Hoàng Hà (Khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), nhóm sinh viên đã vượt qua nhiều thử thách trong quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Diệu Thảo, đại diện Dự án, cho biết: "Chúng tôi chọn đề tài khoa học này vì nhận thấy nhiễm trùng vết thương là một vấn đề phổ biến nhưng chưa được giải quyết triệt để. Những người chơi thể thao, công nhân lao động và người mắc bệnh mãn tính thường đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng cao.
Tuy nhiên, các sản phẩm hiện có thường thiếu tiện lợi hoặc hiệu quả chưa tối ưu. Chúng tôi muốn mang đến một giải pháp tiên tiến, an toàn và dễ sử dụng để chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đồng thời tận dụng công nghệ nano bạc - một bước đột phá trong lĩnh vực y tế".
Về mặt nghiên cứu, nhóm hướng đến sản phẩm kháng khuẩn, tạo màng ngăn chặn vết thương tiếp xúc với môi trường. Chính vì thế, nhóm đã tìm kiếm những hoạt chất có khả năng kháng khuẩn, sát khuẩn và tạo màng cho sản phẩm.
Hiện sản phẩm đang được thử nghiệm tại viện và thử nghiệm trên động vật với những vết thương nhỏ. Trong quá trình thử nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận thấy sản phẩm cần một khoảng thời gian để khô và tạo màng. Vì vậy, sản phẩm đang được thêm talin vào để quá trình tạo màng nhanh hơn.
"Sau khi hoàn thiện sản phẩm, chúng tôi dự kiến sẽ thuê sản xuất gia công tại các cơ sở đạt tiêu chuẩn chất lượng và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo quy trình sản xuất hiệu quả, tối ưu chi phí nhưng vẫn giữ vững chất lượng sản phẩm", Diệu Thảo cho biết.
Thời gian tới, nhóm sẽ tiến hành thử nghiệm trên các mô hình sinh học và trong tương lai, thử nghiệm lâm sàng để đánh giá đầy đủ tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm. Ngoài tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, nhóm muốn khám phá tiềm năng ứng dụng của gel nano trong điều trị các vết thương mãn tính, bỏng và bệnh da liễu phức tạp.
"Chúng tôi kỳ vọng sản phẩm này sẽ trở thành công cụ hữu ích, hỗ trợ người bệnh trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng thứ cấp. Gel nano không chỉ giúp người bệnh mà còn là giải pháp góp phần nâng cao chất lượng điều trị", Diệu Thảo cho hay.
Các thành viên nhóm nghiên cứu cho biết thêm, trong quá trình làm dự án, nhóm đã gặp nhiều khó khăn, bao gồm cả việc không đồng nhất quan điểm về tính năng của sản phẩm. "Chúng tôi đã tranh cãi về việc nên chọn sản phẩm có tính tạo màng nhanh hay bền trong quá trình sử dụng.
Cùng với nhiều áp lực khác, đã có lúc chúng tôi muốn bỏ cuộc và dừng dự án. Nhưng cuối cùng, các thành viên đã quyết định ngồi lại và cùng nhau giải quyết các vấn đề đang gặp phải, tìm ra giải pháp tạo màng mới tích hợp được 2 yếu tố nhanh và bền…", Nguyễn Hoàng Tùng, Giám đốc điều hành dự án, chia sẻ.
Hoàng Tùng cũng cho biết, nhóm mất hơn 1 năm từ khi lên ý tưởng đến khi phát triển sản phẩm. Đây là khoảng thời gian vừa áp lực vừa đáng nhớ, vì không chỉ là tạo ra một sản phẩm, nhóm còn học được cách làm việc nhóm, đối mặt với thất bại và trên hết là xây dựng niềm tin vào khả năng của chính mình.
Với tính sáng tạo, ứng dụng cao của sản phẩm, đề tài nghiên cứu của nhóm đã đạt giải Á quân cuộc thi Ý tưởng sáng tạo Công nghệ 2024 (VYTEC).