Nhóm nghiên cứu Nhật Bản tìm thấy di tích khảo cổ tại Peru nhờ AI

Đến nay, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 430 hình khắc vẽ trên mặt đất có niên đại khoảng 2.000 năm trước, trong đó 318 trường hợp do Đại học Yamagata phát hiện.

Nhờ công nghệ mới, số lượng hình vẽ trên mặt đất được phát hiện tăng gần gấp đôi. (Nguồn: Latin American Post)

Nhờ công nghệ mới, số lượng hình vẽ trên mặt đất được phát hiện tăng gần gấp đôi. (Nguồn: Latin American Post)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 24/9, các nhà nghiên cứu tại Đại học Yamagata (Nhật Bản) thông báo đã phát hiện ra 303 hình vẽ mới trên cao nguyên Nazca, một Di sản Thế giới ở Peru, bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu dường như đã giải mã được ý nghĩa của các hình vẽ, mô tả cảnh hiến tế và là nơi diễn ra các nghi lễ.

Những phát hiện này đánh dấu thành quả của cuộc khảo sát thực địa kéo dài 6 tháng của Đại học Yamagata, tổ chức nghiên cứu những bức tượng khổng lồ này trong sa mạc Peru.

Đến nay, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 430 hình khắc vẽ trên mặt đất có niên đại khoảng 2.000 năm trước, trong đó 318 trường hợp do Đại học Yamagata phát hiện. Đại học Yamagata đã bắt đầu nghiên cứu chủ đề này từ năm 2004.

Trước đó, trường đại học này xác định được các hình vẽ trên mặt đất từ hình ảnh vệ tinh và các nguồn khác.

Thông qua một dự án nghiên cứu chung mới với IBM Research sử dụng AI, họ đã phát hiện 303 hình vẽ mới trên mặt đất trong khoảng thời gian từ tháng 9/2022-2/2023.

Nhờ công nghệ mới, số lượng hình vẽ trên mặt đất được phát hiện tăng gần gấp đôi. Các hình vẽ trên mặt đất được chia thành 2 loại: loại “bề mặt” và loại “đường kẻ.”

Tất cả 303 hình vẽ mới phát hiện thuộc loại “bề mặt,” trong đó người ta đã đục đá ra để tạo hình. Các hình vẽ này nằm dọc theo các con đường mòn mô tả con người và gia súc.

Giáo sư nhân chủng học văn hóa tại Đại học Yamagata - Masato Sakai cho biết: “Những hình đầu người mô tả việc hiến tế con người cho các vị thần. Người dân thời đó đã học về vai trò của việc hiến tế người và gia súc bằng cách nhìn vào chúng trong khi đi bộ."

Trong khi đó, các hình vẽ “đường kẻ” khổng lồ bao gồm hình chim ruồi Nazca nổi tiếng được đặt tại các điểm bắt đầu và kết thúc của các tuyến đường hành hương.

Theo Giáo sư Sakai, rất có thể trước đây chúng đã được sử dụng như những không gian nghi lễ có hình dạng động vật.

Ông nói rằng: “Vào thời điểm đó, xã hội chưa có ngôn ngữ viết. Người dân học về vai trò của con người và động vật bằng cách nhìn vào các hình ảnh và sử dụng chúng như một nơi để thực hiện nghi lễ”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhom-nghien-cuu-nhat-ban-tim-thay-di-tich-khao-co-tai-peru-nho-ai-post979216.vnp
Zalo