Nhóm ngân hàng tăng tốc phát hành trái phiếu, bỏ xa bất động sản

Trong tháng 8/2024, tổng cộng có gần 49.000 tỷ đồng được huy động thành công thông qua trái phiếu doanh nghiệp. Lũy kế 8 tháng đầu năm, có hơn 238.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành, theo đó ngân hàng là nhóm dẫn đầu.

Ngành ngân hàng dẫn đầu cuộc đua trái phiếu

Lũy kế 8 tháng đầu năm

, có 227 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 215.583 tỷ đồng và 13 đợt phát hành ra công chúng trị giá 22.773 tỷ đồng.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến ngày công bố thông tin 30/8/2024, có 43 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 37.995 tỷ đồng và 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11.000 tỷ đồng trong tháng 8/2024.

Như vậy trong tháng 8, tổng cộng có gần 49.000 tỷ đồng được huy động thành công thông qua trái phiếu doanh nghiệp, đây là tháng có giá trị phát hành trái phiếu cao thứ hai kể từ đầu năm và cao thứ ba kể từ đầu năm 2022 đến nay.

Ngân hàng vẫn là nhóm có giá trị phát hành cao nhất từ đầu năm đến nay, với khoảng 159.200 tỷ đồng, tăng 163% so với cùng kỳ, và chiếm 72% tổng giá trị phát hành.

Trong tháng 8, các ngân hàng vẫn duy trì vị thế dẫn đầu trong cuộc đua huy động vốn khi có đến 42.000 tỷ đồng trái phiếu đã phát hành với những nhà băng huy động vốn gồm HDBank, VPBank, Agribank, BIDV, Baovietbank, Vietinbank, OCB, TPBank, VIB, LPBank, ACB, NamABank, MBBank, SHB... Đứng sau ngành ngân hàng trong cuộc đua phát hành trái phiếu là nhóm bất động sản khi huy động được gần 5.000 tỷ đồng thông qua 7 đợt phát hành trong tháng 8.

Trong đó, CTCP Đầu tư Xây dựng Thái Sơn có một đợt phát hành với giá trị 1.890 tỷ đồng; Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex - mã: BCM) có 3 đợt phát hành với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng; CTCP Đầu tư Nam Long (mã: NLG) có 2 đợt phát hành với tổng giá trị 900 tỷ đồng; Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã: KBC) có một đợt phát hành giá trị 1.000 tỷ đồng.

Tiếp đến là nhóm công ty tài chính gồm CTCP Tập đoàn Đầu tư I.P.A (mã: IPA) có 1 đợt phát hành với giá trị 1.096 tỷ đồng; CTCP Kinh doanh F88 có 2 đợt phát hành với tổng giá trị 150 tỷ đồng.

Trong khi, nhóm vận tải có CTCP Transimex có một đợt phát hành giá trị 100 tỷ đồng và nhóm năng lượng có CTCP Điện Gia Lai có một đợt phát hành giá trị 200 tỷ đồng.

BĐS đối mặt với áp lực trái phiếu đáo hạn

Báo cáo của VBMA cũng cho biết, trong tháng 8, các doanh nghiệp đã mua lại 11.023 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, thị trường cũng ghi nhận 10 mã trái phiếu chậm trả lãi với tổng giá trị 197,5 tỷ đồng và một mã trái phiếu chậm trả gốc trị giá 998 tỷ đồng.

Trong những tháng còn lại của năm nay, dự kiến sẽ có khoảng 105.945 tỷ đồng trái phiếu đến hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu thuộc lĩnh vực bất động sản, với tổng giá trị lên tới 43.352 tỷ đồng, chiếm 40,9%, VBMA ước tính.

Tại buổi hội thảo "Làm sao để biết một trái phiếu đắt hay rẻ" mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết, câu chuyện đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản có thể nói đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất (tháng 6 - 8/2023) từ sau khi có Nghị định 08 cho phép đàm phán giãn, hoãn nợ. Năm nay thị trường trái phiếu có 213.000 tỷ đáo hạn, riêng bất động sản chiếm 37% khoảng 70.000 tỷ đồng.

Về cơ bản, 60% doanh nghiệp đã gia hạn được 2 năm (điểm rơi tháng 6/2025), doanh nghiệp chủ động mua lại trái phiếu theo điều kiện phát hành và bắt đầu phát hành trở lại giảm áp lực vốn. Ngoài ra, thị trường bất động sản ấm lên, doanh nghiệp sẵn sàng bán tài sản để trích ra một phần trả nợ.

Do vậy, TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận hiện tượng vỡ nợ ít khả năng xảy ra vì khó khăn nhất đã qua, có nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết. Thực tế thì doanh nghiệp bất động sản không cần chiết khấu sản phẩm 40 - 50% như thời gian trước, chiết khấu khoảng 10% đã bán được rồi.

"Ở Việt Nam, doanh nghiệp bình thường phá sản đã khó thì doanh nghiệp có nợ trái phiếu phá sản càng khó vì đống nợ trái phiếu còn đó, câu chuyện giải quyết ra sao. Tuy nhiên, Nghị định 08 đã hết hiệu lực thì thực hiện Nghị định 65 có cho phép đàm phán, giãn, hoãn nợ không? Đây là điều cơ quan quản lý cần làm rõ", TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm.

Cùng nhìn nhận vấn đề, PGS.TS. Võ Đình Trí cho rằng, sau những sự kiện tiêu cực trên thị trường, các chính sách của Chính phủ đang hướng đến bảo vệ nhà đầu tư và khó có thể "giải cứu" ngay cho doanh nghiệp. Tuy vậy, vẫn cần ưu tiên xử lý những tồn đọng của thị trường trước. Trước hết, cần khoanh vùng và xem các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhiều rủi ro của các định chế tài chính là những khoản "nợ xấu" cần ưu tiên xử lý.

Thứ hai là theo dõi sát sao tỷ lệ nắm giữ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của các định chế tài chính, tránh trường hợp mức độ tập trung quá cao. Thực tế, rủi ro nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng hiện nay là không hề nhỏ, nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

"Có thể nghiên cứu đặt ra một tỷ lệ tối đa được đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với các ngân hàng, để tỷ trọng các nhà đầu tư chuyên nghiệp khác tăng lên", ông Trí đề xuất.

Đông Bắc

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nhom-ngan-hang-tang-toc-phat-hanh-trai-phieu-bo-xa-bat-dong-san.html
Zalo