Nhóm khoa học tuyên bố tìm thấy màu sắc chưa ai thấy

Khẳng định táo bạo và gây tranh cãi này xuất phát từ thí nghiệm trong đó các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã dùng xung laser bắn vào mắt, Guardian đưa tin.

 Nhóm nghiên cứu cho biết ô vuông này có màu sắc gần giống nhất với "olo" mà họ từng thấy. Ảnh: Guardian.

Nhóm nghiên cứu cho biết ô vuông này có màu sắc gần giống nhất với "olo" mà họ từng thấy. Ảnh: Guardian.

Bằng cách kích thích từng tế bào riêng lẻ trong võng mạc, họ cho biết tia laser đã đẩy nhận thức của họ vượt giới hạn tự nhiên

Mô tả của họ về màu sắc này không quá lạ. 5 người tham gia thí nghiệm đều gọi nó là màu xanh lục lam (blue-green). Nhưng họ khẳng định cách gọi đó hoàn toàn không lột tả được độ phong phú và mãnh liệt của trải nghiệm.

"Chúng tôi đã dự đoán ngay từ đầu rằng nó sẽ trông như một tín hiệu màu chưa từng có, nhưng không ai biết não bộ sẽ xử lý nó thế nào", Ren Ng, kỹ sư điện tại Đại học California, Berkeley cho biết. “Kết quả khiến chúng tôi sững sờ. Nó cực kỳ bão hòa".

Nhóm nghiên cứu đã chia sẻ hình ảnh ô vuông màu ngọc lam để giúp hình dung màu sắc mà họ đặt tên là "olo".

Tuy nhiên, họ nhấn mạnh màu sắc này chỉ có thể cảm nhận được qua việc kích thích võng mạc bằng laser.

“Không có cách nào để truyền tải màu sắc đó trong bài viết hoặc trên màn hình”, Austin Roorda, nhà khoa học về thị giác trong nhóm cho biết.

“Điều cốt lõi là đây không phải là màu chúng ta từng thấy. Màu chúng ta nhìn thấy là một phiên bản của nó, nhưng nó hoàn toàn nhạt nhòa khi so sánh với trải nghiệm của olo”.

Tuyên bố này khiến một số chuyên gia bối rối.

“Đây không phải là màu mới”, John Barbur, nhà khoa học về thị giác tại City St George’s, University of London, nói. “Đó chỉ là tông xanh lá cây bão hòa hơn, chỉ có thể tạo ra ở đối tượng có cơ chế cảm nhận sắc độ đỏ - xanh lá bình thường, và chỉ khi mắt họ nhận tín hiệu duy nhất từ tế bào M".

Con người cảm nhận màu sắc khi ánh sáng chiếu vào các tế bào hình nón trong võng mạc. Có ba loại tế bào hình nón nhạy cảm với bước sóng ánh sáng dài (L), trung bình (M) và ngắn (S).

Ông cho rằng nghiên cứu này có “giá trị hạn chế”.

Dù vậy, nhóm nghiên cứu tin rằng công cụ này sẽ mở ra hướng nghiên cứu mới cho các câu hỏi nền tảng về cách não bộ tạo ra nhận thức thị giác. Ngoài ra, thông qua kích thích tế bào võng mạc theo yêu cầu, các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu thêm về bệnh mù màu hoặc bệnh ảnh hưởng đến thị lực như viêm võng mạc sắc tố.

Minh An

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhom-khoa-hoc-tuyen-bo-tim-thay-mau-sac-chua-ai-thay-post1547176.html
Zalo