Nhóm học sinh lớp 6 làm cẩm nang hướng dẫn kỹ năng tự bảo vệ trên mạng
Cẩm nang An ninh mạng tháng 7/2025 của NCA cung cấp những kỹ năng cơ bản để học sinh tự bảo vệ mình trên mạng. Đặc biệt, đây là sản phẩm do nhóm 4 học sinh lớp 6 thực hiện với sự hỗ trợ của AI.
Cẩm nang An ninh mạng của Hiệp hội an ninh mạng quốc gia - NCA được phát hành hàng tháng tại địa chỉ ntrust.vn. Theo thống kê, các số trước của cẩm nang an ninh mạng đã thu hút được hơn 130.000 lượt tham gia của người dùng trên cả nước.
Cẩm nang tháng 7/2025 vừa được NCA phát hành, là một ấn phẩm rất đặc biệt. Bởi lẽ, cẩm nang này được chính các bạn học sinh lớp 6 thực hiện dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia đến từ Hiệp hội an ninh mạng quốc gia.

Cẩm nang An ninh mạng tháng 7/2025 truyền tải kỹ năng an ninh mạng an toàn cho học sinh khi tham gia môi trường số.
Theo chia sẻ của đại diện Ban Công nghệ của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, từ chính trải nghiệm thực tế của bản thân hoặc bạn bè, nhóm học sinh đã tìm hiểu, lựa chọn và xây dựng 5 tình huống phổ biến nhất mà học sinh thường gặp.
Qua các tình huống được nhóm học sinh lựa chọn, chuyên gia của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã phân tích, hướng dẫn, giúp các em tìm ra hướng giải quyết tốt nhất để tự bảo vệ mình. Đặc biệt, toàn bộ phần nội dung, hình ảnh, âm thanh, biên tập, chỉnh sửa của Cẩm nang An ninh mạng tháng 7 đều được thực hiện bởi các em học sinh, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo - AI.
Nhóm học sinh cho biết các em mất khoảng 2 tuần để lên ý tưởng cho cẩm nang và chỉnh sửa lại theo góp ý của chuyên gia Hiệp hội An ninh mạng quốc gia. Riêng với việc thực hiện các clip tình huống, kỹ năng làm clip tích lũy được khi tham gia dự án về biến đổi khí hậu trước đó cũng đã giúp nhóm có thể đẩy nhanh hơn tiến độ.

Toàn bộ phần nội dung, hình ảnh, âm thanh, biên tập, chỉnh sửa của Cẩm nang An ninh mạng tháng 7/2025 đều được thực hiện bởi các em học sinh, với sự hỗ trợ của AI.
Cẩm nang An ninh mạng tháng 7/2025 không chỉ truyền tải kỹ năng an ninh mạng an toàn cho học sinh trên môi trường mạng, mà còn là dịp để cha mẹ, thầy cô hiểu hơn về các tình huống mà các em có thể gặp phải. Từ đó, cha mẹ, thầy cô sẽ cùng đồng hành, lắng nghe và hướng dẫn các em bảo vệ mình.
Năm bài học đề cập đến những tình huống phổ biến bao gồm: chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội; nhận được hướng dẫn truy cập link để ‘hack game, nhận quà’; nhận được video từ tài khoản không rõ danh tính; nhận được cuộc gọi thông báo trúng thưởng, yêu cầu cung cấp thông tin; bị chê bai, nói xấu trên mạng xã hội.
Mỗi tình huống đều đi kèm hướng dẫn cụ thể theo ngôn ngữ "học sinh" rất dễ hiểu, giúp các em nhận biết dấu hiệu rủi ro, phản ứng phù hợp và biết cách tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần. Phần câu hỏi trắc nghiệm và tổng kết sau mỗi bài học giúp các em học sinh ghi nhớ nội dung, rèn luyện kỹ năng phản xạ và ứng xử an toàn khi gặp tình huống tương tự trong thực tế.
Chia sẻ với phóng viên VietNamNet, nhóm học sinh cho biết, sau khi hoàn thành Cẩm nang An ninh mạng tháng 7, nhóm đã học được nhiều kiến thức bổ ích về kỹ năng sử dụng AI và cách an toàn trên không gian mạng: Hiểu được cách bảo vệ thông tin cá nhân, tạo mật khẩu mạnh, nhận biết lừa đảo và xử lý các tình huống rủi ro trên mạng một cách thông minh, an toàn.
“Ngoài ra, nhóm em còn biết cách kiểm tra độ tin cậy của các trang web, không chia sẻ nội dung không phù hợp và luôn báo với người lớn khi gặp điều nghi ngờ. Trong quá trình làm cẩm nang, các thành viên trong nhóm còn được rèn luyện thêm kỹ năng sử dụng công nghệ như tạo ảnh minh họa bằng AI, trình bày nội dung sáng tạo, làm việc nhóm hiệu quả và sử dụng Internet một cách tích cực, có trách nhiệm”, đại diện nhóm học sinh cho hay.
Một mục tiêu của Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” là trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng, trong đó gồm: Sử dụng mạng lành mạnh, an toàn; tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.