Nhóm G7 đối phó các chính sách và hoạt động phi thị trường
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ lan rộng và căng thẳng địa chính trị gia tăng, các bộ trưởng tài chính G7 thể hiện sự đồng thuận hiếm hoi trong lập trường đối phó các chính sách thương mại phi thị trường - ám chỉ rõ ràng nhắm đến Trung Quốc.
Dù không nêu đích danh Bắc Kinh, tuyên bố chung của các bộ trưởng tài chính G7 phản ánh mối quan ngại ngày càng lớn về sự méo mó trong thương mại toàn cầu mà nhiều quốc gia cho là bắt nguồn từ chính sách trợ cấp và thao túng tiền tệ của Trung Quốc.
Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương thuộc Nhóm G7 đã đạt được đồng thuận về việc phối hợp xử lý các hoạt động gây “mất cân bằng kinh tế toàn cầu”, phát biểu được cho là gián tiếp nhắm tới các chính sách thương mại của Trung Quốc.

Một tàu container neo đậu tại cảng Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc ngày 21/5
Dù tồn tại bất đồng xoay quanh chính sách thuế của Mỹ và quan điểm về cuộc chiến Nga - Ukraine, các bên vẫn ký kết một thông cáo chung, thể hiện cam kết tăng cường ổn định kinh tế toàn cầu. Văn bản này, tuy không đề cập đích danh Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh việc theo dõi sát sao “các chính sách và hoạt động phi thị trường”, thuật ngữ được dùng để chỉ trợ cấp xuất khẩu và thao túng tỉ giá của Trung Quốc, từng bị chính quyền Tổng thống Donald Trump chỉ trích gay gắt.
Phát biểu tại phiên họp báo ngày 22/5, Bộ trưởng Tài chính Canada François-Philippe Champagne khẳng định: “Chúng tôi đã tìm được tiếng nói chung trước những thách thức toàn cầu cấp bách nhất. Điều này gửi đi thông điệp rõ ràng rằng G7 vẫn gắn kết về mục tiêu và hành động”.
Sự đồng thuận trong bất đồng
Tuyên bố chung không còn các ngôn từ mạnh mẽ từng được dùng để lên án chiến sự tại Ukraine là “bất hợp pháp và không thể biện minh” như trước đây. Thay vào đó, G7 gọi đây là “cuộc chiến tàn bạo kéo dài”, cho thấy xu hướng giảm nhẹ giọng điệu nhằm giữ vững đồng thuận nội khối khi Washington dưới thời Tổng thống Trump ngày càng thận trọng với các tuyên bố mang tính ràng buộc pháp lý.
Trước đó, dư luận hoài nghi liệu cuộc họp có thể kết thúc với một thông cáo thống nhất, do các nước châu Âu muốn duy trì lập trường cứng rắn đối với Nga, trong khi Mỹ lại lưỡng lự sử dụng các thuật ngữ pháp lý mạnh. Tuy vậy, cả Pháp, Đức và Nhật Bản đều khẳng định bầu không khí làm việc là “ấm áp” và “mang tính xây dựng”.
Bộ trưởng Tài chính Đức Lars Klingbeil nhấn mạnh: “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại. Cần phải chấm dứt các tranh chấp thương mại càng sớm càng tốt bởi hệ quả từ các hàng rào thuế quan là vô cùng nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu”.
Dù vậy, G7 tránh đề cập cụ thể đến mức thuế mà Mỹ đang áp dụng, bao gồm mức thuế 25% với thép và nhôm, chính sách mà Canada đang tìm cách thương lượng lại. Champagne xác nhận vấn đề thuế “không bị né tránh”, và nằm trong chương trình nghị sự với mục tiêu “thúc đẩy tăng trưởng và ổn định”.
Định hình chính sách trước thềm thượng đỉnh G7
Trong bối cảnh nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt chiến sự tại Ukraine đang được tái khởi động, G7 cũng tuyên bố sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh mẽ nếu đàm phán ngừng bắn thất bại. Trước đó, Nga và Ukraine đã tổ chức cuộc gặp trực tiếp đầu tiên sau hơn ba năm tại Istanbul, tuy nhiên phía Moskva tuyên bố hiện chưa có kế hoạch cụ thể cho vòng đàm phán kế tiếp.
Cuộc họp lần này là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra từ ngày 15-17/6 tại khu nghỉ dưỡng Kananaskis. Tổng thống Mỹ Donald Trump được xác nhận sẽ tham dự, một yếu tố được kỳ vọng sẽ tiếp tục định hình hướng đi của các chính sách thương mại và địa chính trị của G7 trong thời gian tới.