Nhóm đại gia nào đang sở hữu cổ phiếu nhiều nhất ở Vietbank?

Theo báo cáo quản trị mới công bố, tính đến hết quý II, vị Chủ tịch Dương Nhất Nguyên sở hữu tổng cộng 27,8 triệu cổ phiếu VBB của Vietbank, tương ứng tỷ lệ 4,88% vốn điều lệ.

Ông Dương Nhất Nguyên (bên trái), Chủ tịch HĐQT của Vietbank cùng cha là cựu Chủ tịch Dương Ngọc Hòa.

Ông Dương Nhất Nguyên (bên trái), Chủ tịch HĐQT của Vietbank cùng cha là cựu Chủ tịch Dương Ngọc Hòa.

Tính đến hết tháng 6/2023, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank – Mã: VBB) gồm 5 người, trong đó ông Dương Nhất Nguyên là Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Hữu Trung là Phó Chủ tịch kiêm Thành viên HĐQT độc lập.

Các thành viên còn lại trong HĐQT là bà Quách Tố Dung, bà Lê Thị Xuân Lan và bà Lương Thị Hương Giang. Các nhân sự này đều bắt đầu được bổ nhiệm/tái bổ nhiệm vào tháng 4/2021.

Ban điều hành cũng bao gồm 5 lãnh đạo, trong đó chức Tổng Giám đốc do bà Trần Tuấn Anh đảm nhiệm. Các nhân sự bà Ngô Trần Đoan Trinh, ông Phạm Danh, ông Nguyễn Tiến Sỹ và bà Phạm Thị Mỹ Chi cùng ngồi ghế Phó Tổng Giám đốc của Vietbank. 5 vị lãnh đạo này đều được bổ nhiệm/tái bổ nhiệm vào năm ngoái.

Theo báo cáo quản trị mới công bố, tính đến hết quý II, vị Chủ tịch Dương Nhất Nguyên sở hữu tổng cộng 27,8 triệu cổ phiếu VBB của Vietbank, tương ứng tỷ lệ 4,88% vốn điều lệ.

Nếu tính cả người thân, tỷ lệ sở hữu của nhóm Chủ tịch là 11,89%. Nói thêm, ông Dương Nhất Nguyên là con của ông Dương Ngọc Hòa – cổ đông sáng lập của Vietbank.

Ngoài ra, bà Lương Thị Hương Giang, thành viên HĐQT nắm 6,84 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,2% vốn điều lệ của ngân hàng này. Còn lại các lãnh đạo trong HĐQT và ban điều hành hầu như không nắm giữ cổ phiếu nào hoặc rất ít.

Được thành lập vào tháng 12/2006 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, Vietbank đi lên từ một ngân hàng nông thôn, với những cổ đông sáng lập liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty TNHH XD TM Diệu Hiền.

CTCP Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm (Tập đoàn Hoa Lâm), trước đây là CTCP Ô tô - Xe máy do cựu Chủ tịch Vietbank Dương Ngọc Hòa sáng lập. Ông Hòa từng là Giám đốc Hoa Lâm, hiện nay vợ ông - bà Trần Thị Lâm là người đứng đầu Tập đoàn.

Nhóm Ngân hàng ACB được biết đến với sự sở hữu của nhóm ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) – nguyên Phó Chủ tịch Ngân hàng ACB và vợ Đặng Ngọc Lan – nguyên Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng ACB.

Còn Công ty Diệu Hiền đình đám một thời khi gắn liền với tên tuổi của nữ đại gia thủy sản Diệu Hiền - “chúa chổm” với những khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng hơn 10 nhà băng, hàng chục người nông dân và đối tác vào những năm 2012.

Sau quãng thời gian, cả nhóm cổ đông của bầu Kiên và Công ty Diệu Hiền đều đã lần lượt rút hết vốn tại Vietbank, chỉ còn lại nhóm cổ đông của Tập đoàn Hoa Lâm với đại diện là Chủ tịch Dương Nhất Nguyên vẫn giữ vững động thái sở hữu lượng lớn cổ phiếu tại nhà băng này.

Quan hệ giữa Vietbank và Hoa Lâm còn được thể hiện rõ hơn thông qua loạt tài sản thế chấp của các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Hoa Lâm tại ngân hàng này.

Ngay từ đầu năm 2023, nhà băng đã thông qua việc cấp tín dụng đối với Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City và giao dịch với Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri La, đảm bảo bằng quyền sử dụng đất và toàn bộ công trình trên đất tại Thửa số 14, phường Bình Đông B, TP HCM của Bệnh viện Quốc tế City.

Thời điểm ngày 4/4/2023, HĐQT VietBank cũng thông qua giao dịch với Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri La đảm bảo cho khoản cấp tín dụng của Công ty TNHH Tân Dũng với tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất của 8 thửa đất bao gồm 1-10, 1-11, 1-12, 1-17,1-18,1-19,2-2,2-3 của Y tế Hoa Lâm Shangri La đảm bảo cho dư nợ trị giá 229 tỷ đồng.

Ngày 29/6/2023, VietBank tiếp tục thông qua việc cấp tín dụng cho Công ty TNHH TML Riverside, được đảm bảo bằng loạt quyền sử dụng đất và bất động sản của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri La. Theo đó, quyền sử dụng đất tại thửa đất số 1-15; tờ bản đồ số 108, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP HCM đảm bảo cho khoản tín dụng gần 492 tỷ đồng.

Bất động sản tại các thử đất số 1-10, 1-11, 1-12, 1-17, 1-18, 1-19, 2-2, 2-3 thuộc tờ bản đồ số 18, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP HCM thuộc sở hữu là Y tế Hoa Lâm Shangri La đảm bảo cho khoản tín dụng gần 1.665 tỷ đồng.

Ngày 20/7/2023, VietBank cũng đã chấp thuận thông qua giao dịch cấp tín dụng với tổng cấp 176 tỷ đồng giữa nhà băng với Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City và cam kết của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La.

Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La là liên doanh giữa Tập đoàn Hoa Lâm (Việt Nam) và Công ty Shangri-La Healthcare Invesment Pte. Ltd (Singapore) nhằm cung cấp các dịch vụ y tế cho người dân TP HCM và khu vực lân cận. Công ty này là chủ sở hữu của Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City.

Công ty TNHH TML Riverside được thành lập vào năm 2013, ngành nghề hoạt động chính của công ty này là bệnh viện, trạm y tế. Cả TML Riverside, Y tế Hoa Lâm Shangri-La đều là các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Hoa Lâm.

 Bệnh viện Quốc tế City thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Hoa Lâm - cổ đông lớn của Vietbank.

Bệnh viện Quốc tế City thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Hoa Lâm - cổ đông lớn của Vietbank.

Ngay sau khi nhóm vợ chồng bầu Kiên và Công ty Diệu Hiền rút lui khỏi Vietbank, chỉ còn nhóm cổ đông lớn Tập đoàn Hoa Lâm, Vietbank đưa hơn 419 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UPCOM từ ngày 30/7/2019 với giá tham chiếu 15.000 đồng/cp. Hiện tại, cổ phiếu của VBB giao dịch tại vùng dưới mệnh giá (9.900 đồng/cp chốt phiên sáng 5/8).

Như Vietnamdaily đã thông tin, trong quý 2/2024, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín ghi nhận nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần tăng mạnh 84% so cùng kỳ khi đạt 811 tỷ đồng do ngân hàng đẩy mạnh tín dụng và cải thiện huy động vốn.

Các nguồn thu ngoài lãi cũng ghi nhận sự biến động khác nhau. Trong đó thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 25,5% lên gần 30 tỷ đồng nhờ nguồn thu từ dịch vụ ngân hàng số.

Ngược lại, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối sụt giảm gần 19% về còn 15,4 tỷ đồng do tỷ giá thị trường biến động không thuận lơi. Hay mua bán chứng khoán đầu tư cũng lao dốc 96% về vỏn vẹn 958 triệu đồng do diễn biến lãi suất trên thị trường không thuận lời nên ngân hàng thực hiện giữ ổn định danh mục trong thời gian còn lại của năm; Hoạt động khác cũng tương tự khi còn 427 triệu đồng.

Đặc biệt kỳ này VietBank tăng vọt dự phòng rủi ro tín dụng gấp gần 3 lần cùng kỳ với 142 tỷ đồng... Dù vậy lợi nhuận sau thuế của VietBank vẫn tăng vọt gần gấp đôi lên 268,6 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, thu nhập lãi thuần của VietBank tăng khá 36% so cùng kỳ, lên mức 1.261 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng gần 11% lên mức 326 tỷ đồng.

Lợi nhuận VietBank tăng là vậy song kỳ này lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm nặng tới 8.112 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương hơn 7.209 tỷ đồng. Do đó, dòng tiền thuần trong kỳ âm 7.148 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng tài sản có của VietBank tăng 4,2% so đầu năm, lên mưúc 144.106 tỷ đồng. Trong đó cho vay khách hàng chiếm 88.999 tỷ đồng, tương ứng tăng 10,2% so đầu kỳ.

Bên kia bảng cân đối, tiền gửi của khách hàng cũng tăng nhẹ 3,9% so đầu kỳ với 93.581 tỷ đồng.

Về chất lượng nợ cho vay, tổng nợ xấu của VietBank tăng mạnh gần 48% so đầu kỳ, lên mức 3.063 tỷ đồng. Trong đó nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất tới 166% khi chiếm 669 tỷ đồng; Nợ dưới tiêu chuẩn cũng bật 82% lên 723 tỷ đồng; Còn nợ có khả năng mất vốn chỉ tăng 17% lên 1.671 tỷ đồng. Tương ứng tỷ lệ nợ xấu của VietBank tăng từ mức 2,56% của đầu năm lên 3,44% tại thời điểm 30/6/2024.

Diễm Phương

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/golf-doanh-nhan/nhom-dai-gia-nao-dang-so-huu-co-phieu-nhieu-nhat-o-vietbank-218718.html
Zalo