Nhóm cán bộ cấp phép cho nhà máy điện 'xây chui' của Lộc Ninh 3

Kết luận điều tra bổ sung liên quan đến dự án điện của Lộc Ninh 3 cho thấy dự án không được cấp phép xây dựng, không được chuyển mục đích sử dụng và ra quyết định chủ trương đầu tư...

Nhiều sai phạm về pháp lý dự án

Tại Kết luật điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Công Thương và 1 số tỉnh, thành phố" cho thấy, không chỉ có sai phạm của cựu Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng mà còn có nhóm cán bộ trong việc cấp phép hoạt động cho Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3.

Cụ thể, ngày 28/5/2018, UBND tỉnh Bình Phước có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét phê duyệt bổ sung Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Trên cơ sở báo cáo kết quả thẩm định, đề xuất của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 1546 phê duyệt bổ sung dự án trên vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.

Nội dung chính trong văn bản nêu, dự án Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh gồm 5 Nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 850 MWp (tại xã Lộc Thạnh và xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).

Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 tại tỉnh Bình Phước.

Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 tại tỉnh Bình Phước.

Căn cứ vào văn bản trên, UBND tỉnh Bình Phước ra các quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận cho Công ty Cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3 (Lộc Ninh 3) được xây dựng Dự án tại xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh với diện tích khoảng 1,6 triệu m2 đất trồng cao su thuộc quyền sử dụng của Công ty TNHH Tân Tiến.

Ngày 25/4/2019, UBND tỉnh Bình Phước ra Quyết định 805 về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3.

Dự án trên được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng.

Sau khi được phê duyệt, Lộc Ninh 3 có các văn bản báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước về việc không thực hiện được thỏa thuận đền bù với Công ty TNHH Tân Tiến.

Họ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận vị trí mới tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh với diện tích gần 1,5 triệu m2 đất rừng sản xuất thuộc quyền sử dụng của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh.

Tháng 10/2020, hai đơn vị trên đã tiến hành chặt cây và nhận bàn giao mặt bằng để xây dựng Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3. Sau đó, Lộc Ninh 3 đã tiến hành xây dựng, lắp đặt các hạng mục công trình và hoàn thành xây dựng vào ngày tháng 12/2020.

Tại Kết luận điều tra của Bộ Công an hồi tháng 5/2024, cho rằng việc cấp Giấy phép hoạt động điện lực nêu trên đã vi phạm quy định điều kiện cấp phép hoạt động điện lực.

Đến Kết luận điều tra bổ sung ban hành tháng 9/2024, tiếp tục cho thấy dự án điện của Lộc Ninh 3 không được các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang đất công trình năng lượng.

Ngoài ra, dự án cũng không được cấp phép xây dựng; không được ra quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, việc Lộc Ninh 3 đầu tư, xây dựng dự án Nhà máy điện mặt trời tại xã Lộc Tấn, đã vi phạm các quyđịnh pháp luật về đầu tư.

Gây thiệt hại hơn 200 tỷ đồng

Trở lại diễn biến vụ việc, sau khi hoàn thành xây dựng, Lộc Ninh 3 gửi văn bản, hồ sơ, tài liệu qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến đề nghị Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cấp phép hoạt động.

Hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động được ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực giao Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng đề xuất giải quyết.

Ngày 18/12/2020, Trịnh Văn Đoàn – Chuyên viên Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng đã lập, ký báo cáo thẩm định đề xuất Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực ký cấp Giấy phép hoạt động điện lực - lĩnh vực phát điện cho Lộc Ninh 3.

Bị can Trần Quốc Hùng (ảnh trái) và Trịnh Văn Đoàn.

Bị can Trần Quốc Hùng (ảnh trái) và Trịnh Văn Đoàn.

Cùng ngày, Trần Quốc Hùng - Phó Trưởng phòng Phòng Cấp phép và Quan hệ công chúng thẩm định lại, duyệt ký Báo cáo thẩm định đề xuất Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cấp Giấy phép hoạt động điện lực, ký nháy bản dự thảo Giấy phép hoạt động điện lực rồi gửi cùng hồ sơ đến Phòng Pháp chế, Cục Điều tiết điện lực.

Bà Phan Đỗ Thu Ngân - Phó trưởng phòng đã thẩm định, ký nháy vào bản dự thảo và chuyển lại Phòng Cấp phép; trong ngày 18/12/2020, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực duyệt, ký Giấy phép hoạt động điện lực số 341/GP-ĐTĐL.

Công ty Cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3 sử dụng Giấy phép trên và được công nhận, vận hành nhà máy, bán điện cho Công ty Mua bán điện và được hưởng giá theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, gây thiệt hại cho EVN.

Cụ thể, từ tháng 12/2020 đến hết tháng 11/2022, tổng số tiền Công ty Mua bán điện (thuộc EVN) đã trả cho Lộc Ninh 3 là 749 tỷ đồng.

So với giá bán điện thỏa thuận và thanh toán thực tế của EVN cho các Nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp bằng khung giá trần 1.184,90 đồng/kwh, thì việc thanh toán 7,09 UScent/kWh (tương đương 1.644 đồng/kWh) cho Lộc Ninh 3 có giá cao hơn là 459,1 đồng/kwh. Vì vậy, số tiền EVN bị thiệt làhơn 209 tỷ đồng.

Hành vi thẩm định, đề xuất cấp Giấy phép hoạt động điện lực số 341/GP- ĐTĐL ngày 18/12/2020 trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại hơn 209 tỷ đồng cho EVN.

Hành vi của Trịnh Văn Đoàn, Trần Quốc Hùng đã phạm vào tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Đặng Ngọc Thủy

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhom-can-bo-cap-phep-cho-nha-may-dien-xay-chui-cua-loc-ninh-3-204240914223502535.htm
Zalo