Nhóm các nước EU kêu gọi thắt chặt nhập khẩu khí đốt của Nga
Một nhóm các nước EU, bao gồm Pháp và các quốc gia vùng Baltic, đã kêu gọi Ủy ban châu Âu tăng cường các quy tắc báo cáo về việc nhập khẩu LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) của Nga trên toàn khối, theo Reuters.
"Chúng tôi coi việc đảm bảo tính minh bạch hoàn toàn về việc nhập khẩu khí thiên nhiên của Nga và làm sáng tỏ danh tính của các nhà cung cấp khí thiên nhiên nhập khẩu LNG của quốc gia này là điều quan trọng", tài liệu nêu rõ.
Ngoài ra, các quốc gia muốn Ủy ban thắt chặt "nghĩa vụ báo cáo về hoạt động dỡ hàng LNG của Nga" vì dữ liệu công khai không cung cấp toàn cảnh.
Các thành viên EU muốn Ủy ban đề xuất các quy tắc báo cáo chặt chẽ hơn nữa. Các quy tắc này bao gồm yêu cầu các nhà khai thác cảng LNG cung cấp thông tin về tỷ lệ LNG của Nga trong các lô hàng đang được dỡ hàng và yêu cầu các nhà khai thác kho lưu trữ theo dõi nguồn gốc của nhiên liệu này.
Tài liệu được ký bởi Litva, Áo, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Estonia, Latvia, Luxembourg và Thụy Điển.
Vào ngày 14/10, Đại diện cấp cao của EU Josep Borrell tuyên bố rằng các nước phương Tây, bao gồm các quốc gia EU, phải tăng cường giám sát các hoạt động xuất khẩu của các công ty sản xuất linh kiện điện tử nhạy cảm mà Nga sử dụng trong sản xuất vũ khí.
Chính phủ Ukraine đã tuyên bố rằng Ukraine sẽ không gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Nga sau khi thỏa thuận này hết hạn.
Theo giới phân tích, việc hết hạn thỏa thuận quá cảnh khí đốt giữa Nga và Ukraine làm nổi bật những thách thức về năng lượng và kinh tế đối với Liên minh châu Âu, Nga và Ukraine, đồng thời làm trầm trọng thêm sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga và căng thẳng địa chính trị.
Đối với Kiev, việc chấm dứt quá cảnh khí đốt có thể gây ra hậu quả kinh tế đáng kể. Hiện tại, đất nước thu về khoảng 714 triệu Euro doanh thu hàng năm từ quá cảnh khí đốt của Nga.
Trong khi đó, phía Moscow có thể bị mất từ 7-8 tỷ USD doanh thu hàng năm, chiếm khoảng 15% tổng doanh thu của "gã khổng lồ" khí đốt Gazprom.
Còn với EU, việc mất đi 15 tỷ m3 khí đốt được vận chuyển qua Ukraine mỗi năm sẽ là cú sốc đối với một số quốc gia Trung và Đông Âu.