Nhớ về 34 chiến sĩ ngày ấy

Sau 30 năm đi khắp năm châu, bốn biển tìm đường cứu nước, năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trở về nước không lâu, Người triệu tập Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ VIII (từ ngày 10 đến 19/5/1941).

Tại hội nghị này, Trung ương đã đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) và chỉ rõ: “Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự”.

Hội nghị nêu: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang”. Muốn có đấu tranh quân sự, muốn có khởi nghĩa vũ trang thì phải có lực lượng vũ trang.

 Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, ngày 22/12/1944. Ảnh tư liệu

Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, ngày 22/12/1944. Ảnh tư liệu

Theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, tại một khu rừng đại ngàn nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, thuộc châu Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức và lãnh đạo.

Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân có 34 chiến sĩ do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách kế hoạch - tình báo.

Đội biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Thu Sơn, Mậu (tức Bế Văn Sắt) và Xuân Trường làm Tiểu đội trưởng. Vũ khí gồm có 2 súng thất cửu, 17 súng trường, 14 súng kíp, 1 súng tiểu liên do Mỹ sản xuất. Số lượng đội viên tuy ít, vũ khí thô sơ, thiếu thốn nhưng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, xin giới thiệu đầy đủ tên tuổi, quê quán của 34 chiến sĩ ngày ấy (tư liệu từ cuốn sách 60 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội 2004).

Người được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao tổ chức thành lập và trực tiếp chỉ huy Đội Việt Nam tuyên truyên giải phóng quân là Võ Nguyên Giáp - tên thân mật là “Anh Văn”. Ông sinh ngày 25/8/1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà quân sự lỗi lạc, một nhà văn hóa, nhà khoa học uyên thâm, một hình mẫu về đạo đức và nhân cách sống, được suy tôn là “Anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông mất ngày 4/10/2013.

Liệt sĩ Trần Văn Kỳ, bí danh: Trần Sơn Hùng, Hoàng Sâm, sinh năm 1915, quê quán: Lệ Sơn, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Tháng 12/1968, Thiếu tướng Hoàng Sâm hy sinh tại mặt trận Bình- Trị- Thiên.

Đồng chí Dương Mạc Thạch (1915-1979), bí danh: Xích Thắng. Quê quán: Gia Bằng (nay là xã Minh Tâm), huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).

Đồng chí Hoàng Văn Xiêm (1915 - 1986), bí danh: Ngô Quốc Bình, Hoàng Văn Thái. Quê quán: Huyện Tiền Hải (Thái Bình). Khi mất ông là Đại tướng.

Đồng chí Hoàng Thế An (1922-1969), bí danh: Thế Hậu. Quê quán: Huyện Hà Quảng (Cao Bằng).

Đồng chí Bế Bằng (1920…), bí danh: Bế Kim Anh. Quê quán: Hồng Việt, huyện Hòa An (Cao Bằng).

Đồng chí Nông Văn Bát (1923-1990). Tên thường gọi: Đàm Quốc Chủng, Đàm Tịch. Quê quán: Bình Long, huyện Hòa An (Cao Bằng).

Đồng chí Bế Văn Bồn (1915-1987). Bí danh: Bế Văn Sắt, Hồng Quân, Mậu. Quê quán: Bình Long, huyện Hòa An (Cao Bằng).

Đồng chí Tô Văn Cắm (1922). Bí danh: Tô Tiến Lực, Tô Đình Lực. Quê quán: Tam Kim, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).

Đồng chí Nguyễn Văn Càng (1919-1998), bí danh: Thu Sơn. Quê quán: Hồng Việt, huyện Hòa An (Cao Bằng).

Đồng chí Nguyễn Văn Cơ (1920-1997), bí danh: Đức Cường. Quê quán: Đề Thám, huyện Hòa An (Cao Bằng).

Đồng chí Trương Văn Cù (1906-1956), bí danh: Đồng, Trương Đắc. Quê quán: Minh Tâm, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).

Đồng chí Hoàng Văn Củn (1919-1986), bí danh: Hoàng Quyền, Hoàng Thịnh. Quê quán: Tràng Xá, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên).

Đồng chí Võ Văn Dảnh (1905-1991), bí danh: Luận, Võ Văn Trung. Quê quán: Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình).

Đồng chí Tô Vũ Dâu (1922-2001), bí danh: Thịnh Nguyên. Quê quán: Vĩnh Quang, huyện Hòa An (Cao Bằng).

Đồng chí Dương Văn Dấu (1911-1971), bí danh: Đại Long. Quê quán: Pác Bó, Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng).

Đồng chí liệt sĩ Chu Văn Đế (1922-1948), bí danh: Nam, Bích Thông. Quê quán: Huyện Nguyên Bình (Cao Bằng). Hy sinh ngày 30/8/1948 tại Kon Tum.

Đồng chí liệt sĩ Nông Văn Kiếm (1924-1948), bí danh: Liên. Quê quán: Tam Kim, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng). Ông hy sinh năm 24 tuổi.

Đồng chí Đinh Văn Kính (1909-1999), bí danh: Đinh Trung Lương. Quê quán: Lê Lợi, huyện Thạch An (Cao Bằng).

Đồng chí Hà Hưng Long (1924-…). Quê quán: Nam Tuấn, huyện Hòa An (Cao Bằng).

Đồng chí Lộc Văn Lùng (1903-1969), bí danh: Văn Tiên. Quê quán: Mai Pha, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn).

Đồng chí Hoàng Văn Lường (1922-1996), bí danh Kinh Phát. Quê quán: Đức Vân, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn).

Đồng chí Hầu A Lý (1912-1952), bí danh Hồng Cô. Quê quán: Minh Tâm, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).

Liệt sĩ Long Văn Mần (1928-1949), bí danh Ngọc Trình. Quê quán: Bình Long, huyện Hòa An (Cao Bằng). Ông hy sinh ở Trung Quốc tháng 7/1949.

Đồng chí Lâm Cẩm Như (1920-1979), bí danh Kính. Quê quán: Đông Khê, huyện Thạch An (Cao Bằng). Dân tộc Kinh.

Liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng (?-1945), bí danh Xuân Trường. Quê quán: Sóc Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Ông hy sinh ngày 4/2/1945 khi đánh đồn Đồng Mu (Bảo Lạc).

Đồng chí Hoàng Văn Nình (1919-1996), bí danh Thái Sơn. Quê quán: Thượng Ân, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn).

Liệt sĩ Giáp Ngọ Páng (?-1945), bí danh Nông Văn Bê, Thân. Quê quán: Huyện Hòa An (Cao Bằng).

Đồng chí Nguyễn Văn Phán (1910-1947), bí danh Kế hoạch. Quê quán: Hồng Việt, huyện Hòa An (Cao Bằng).

Liệt sĩ Ma Văn Phiêu (1912-1945), bí danh: Bắc Hợp, Đường. Quê quán: Minh Tâm, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng). Ông hy sinh khi làm nhiệm vụ tháng 2/1845.

Đồng chí Đặng Tuần Quý (1925-1991), tên thường gọi Dần Quý. Quê quán: Tam Kim, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).

Đồng chí Lương Quý Sâm (1914-1990), bí danh: Lương Văn Ích, Nông Văn Ích. Quê quán: Nà Sắc, huyện Hà Quảng (Cao Bằng).

Đồng chí Hoàng Văn Súng (1916-1962), bí danh: La Thanh. Quê quán: Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng).

Đồng chí Bế Ích Nhân (1913-1983), bí danh: Bế Ích Vạn. Quê quán: Huyện Ngân Sơn (Bắc Cạn).

Liệt sĩ Mông Văn Vẩy (1916-1946), bí danh: Mông Phúc Thơ, Lương Văn Khâm. Quê quán: Tràng Xá, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên). Ngày 8/5/1946, ông bị địch bắt ở chiến khu Triềng (Nam Bộ) và bị địch xử bắn tại Ngã Bảy- thị xã Phan Thiết.

Trong ngày 22/12/1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc diễn từ tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và nêu rõ nhiệm vụ của Đội đối với Tổ quốc. Đồng chí Hoàng Sâm đọc Mười lời thề danh dự.

Buổi chiều cả Đội tổ chức ăn một bữa cơm nhạt, không rau, không muối để nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ của người chiến sĩ cách mạng. Và chỉ mấy ngày sau (25-26/12/1944), Đội đánh trận đầu tiêu diệt hai đồn Phai Khắt, Nà Ngần (Bắc Kạn), nêu cao truyền thống đã ra quân là đánh thắng.

Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.

Từ đội quân nhỏ bé ấy, đồng hành cùng dân tộc đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thống nhất non sông. Hiện nay Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng trưởng thành, lớn mạnh.

Đến nay, cả người chỉ huy Võ Nguyên Giáp và 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân không còn nữa nhưng tên tuổi của họ sống mãi với non sông đất nước, với nhân dân Việt Nam.

Đào Hồng (t/h)

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nho-ve-34-chien-si-ngay-ay-postid409773.bbg
Zalo