Nhớ thời quân ngũ: Nhớ năm tháng ở chiến trường miền Trung

Gặp Đại tá Đỗ Văn Khoa, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên tại nhà riêng ở thôn Trung Châu, xã Đông Kết (Khoái Châu, Hưng Yên), chúng tôi được ông kể về năm tháng công tác và chiến đấu tại các chiến trường Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, góp phần cùng đơn vị lập công xuất sắc.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, bố và chú ruột là bộ đội tham gia kháng chiến chống Pháp, năm 1966, Đỗ Văn Khoa xung phong nhập ngũ khi mới 17 tuổi. Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới ở Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Pháo binh 675 (nay là Lữ đoàn Pháo binh 675), Binh chủng Pháo binh, bằng sự nỗ lực phấn đấu, Đỗ Văn Khoa được cử làm Tiểu đội phó Tiểu đội Trinh sát của Đại đội chỉ huy Trung đoàn Pháo binh 675. Năm 1968, đơn vị nhận lệnh hành quân vào miền Nam chiến đấu.

 Đại tá Đỗ Văn Khoa chia sẻ kinh nghiệm công tác với các cán bộ trẻ Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên, tháng 10-2023.

Đại tá Đỗ Văn Khoa chia sẻ kinh nghiệm công tác với các cán bộ trẻ Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên, tháng 10-2023.

Ông Đỗ Văn Khoa kể: "Vào chiến trường Thừa Thiên Huế, ngày 29-3-1968, Trung đoàn Pháo binh 675 tách ra để thành lập Trung đoàn Pháo binh 675B. Hơn một năm sau, Trung đoàn Pháo binh 675B đổi phiên hiệu thành Trung đoàn Pháo binh 368 (nay là Lữ đoàn Pháo binh 368, Quân đoàn 12). Tôi là Tiểu đội phó Tiểu đội trinh sát thuộc Đại đội chỉ huy của Trung đoàn Pháo binh 368, tham gia cùng đơn vị đánh địch trên chiến trường Thừa Thiên Huế.

Thời gian này, sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhất là sau khi địch tái chiếm TP Huế, chúng tăng cường càn quét, phá vỡ các cơ sở cách mạng của ta và lập nhiều đồn bốt, cứ điểm quân sự hòng ngăn chặn bộ đội ta tiến công vào phía Nam. Tiểu đội trinh sát chúng tôi được đại đội giao nhiệm vụ nắm chắc địch, đánh dấu các mục tiêu để chỉ huy bắn cho đơn vị. Chúng tôi thường phải luồn rừng, hoặc băng qua các cánh đồng trống, hay ngụy trang vượt qua các chốt canh của địch để trinh sát mục tiêu. Bằng sự nỗ lực, chúng tôi đã góp phần vào việc chỉ huy bắn chính xác cho đơn vị, lập nên những chiến công trong các trận pháo kích vào sân bay A Lưới, các mục tiêu động Cô Tiên, Cô Ca Va, Tà Bạt, Tà Lương... ở Mặt trận Trị Thiên.

Năm 1970, tôi được đơn vị cử ra Bắc đào tạo sĩ quan pháo binh, song do yêu cầu chiến trường và nhiệm vụ của đơn vị, tôi được điều động trở lại Trung đoàn 368, tham gia Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971. Tiểu đội trinh sát do tôi phụ trách tiếp tục luồn sâu vào lòng địch trinh sát, nắm rõ mục tiêu, phục vụ chỉ huy bắn pháo binh kịp thời, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch. Tháng 5-1972, Trung đoàn Pháo binh 368 được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân".

Năm 1972, Trung đoàn Pháo binh 368 được Bộ Quốc phòng điều động Tiểu đoàn Pháo binh 130 tăng cường cho Quân khu 5. Đỗ Văn Khoa được bổ nhiệm Trung đội phó Trung đội chỉ huy pháo binh của Tiểu đoàn Pháo binh 130.

“Trong một lần đi trinh sát mục tiêu, chúng tôi bị máy bay Mỹ ném bom, khiến một đồng chí hy sinh, tôi và hai đồng chí cùng đơn vị bị thương. Sau khi điều trị, tôi lại trở về đơn vị tiếp tục công tác và chiến đấu. Năm 1973, trong đội hình Trung đoàn Pháo binh 572 (nay là Lữ đoàn Pháo binh 572, Quân khu 5), tôi chỉ huy đơn vị trinh sát, luồn sâu vào khu vực núi Quế Sơn, phục vụ chỉ huy bắn cho đơn vị, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Nông Sơn-Thượng Đức và sau này là giải phóng Quảng Nam, Đà Nẵng trong mùa xuân 1975”, Đại tá Đỗ Văn Khoa nhớ lại.

Sau ngày đất nước thống nhất, Đỗ Văn Khoa đảm nhiệm nhiều cương vị công tác, được đi đào tạo trở thành cán bộ cao cấp. Năm 2007, Đại tá Đỗ Văn Khoa nghỉ hưu. Với những đóng góp trong cuộc đời quân ngũ, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Bài và ảnh: HƯƠNG HỒNG THU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/vung-buoc-duoi-quan-ky-quyet-thang/nho-thoi-quan-ngu-nho-nam-thang-o-chien-truong-mien-trung-799292
Zalo