Nhớ Thác Mơ xưa

Thủy điện Thác Mơ khởi công xây dựng vào ngày 20-11-1991, đến ngày 6-1-1995, Tổ máy số 1 của Thủy điện Thác Mơ đã hòa lưới điện quốc gia đúng dịp kỷ niệm 20 năm Ngày chiến thắng Phước Long. Hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ đã là một trong những doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh trong lĩnh vực năng lượng.

Ngày 20-11-1991 chính thức khởi công xây dựng thủy điện Thác Mơ - Ảnh tư liệu

Thời gian trôi… Mới đó mà đã 30 năm.

Bước trên những phiến đá ven dòng thác Mơ bên cầu Thác Mẹ, tôi chợt nhớ chuyện xưa. Chuyện của những chàng trai lên đồi "giữ sóng" và những người ngăn dòng làm điện.

Tác giả trong dịp về lại Thác Mẹ năm 2024 - Ảnh: Hoàng Vũ

Ngày đó, huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé còn là vùng rừng núi, mênh mông đất đỏ...

Chuyến xe đò chở tôi từ Thủ Dầu Một đi Phước Long khởi hành từ 5 giờ sáng. Mang ba lô, xách theo cặp sách, giấy tờ... tôi lơ mơ nhìn qua ô cửa sổ để ngắm cảnh vật bên đường mà mường tượng nơi tôi đến sẽ rất xa, xa tít mù như cách ông Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình (PTTH) Sông Bé lúc bấy giờ chỉ tôi nhìn lên tấm bản đồ.

Từ Thủ Dầu Một lên Phước Long theo ĐT741 hơn 130km. Nhưng lúc đó, đoạn từ Phú Giáo lên Phước Long là đường cấp phối, rất xấu và đầy bụi đỏ nên phải mất gần cả ngày mới đến được Phước Long.

Núi Bà Rá và con đường đất cấp phối dẫn đến trụ sở UBND huyện Phước Long những năm 1990 - Ảnh tư liệu

Núi Bà Rá và con đường đất cấp phối dẫn đến trụ sở UBND huyện Phước Long những năm 1990 - Ảnh tư liệu

Khi đến Phước Long, hình ảnh ấn tượng đầu tiên chính là ngọn núi Bà Rá cao sừng sững, đầy mây và sương phủ...

Ngọn núi mà ngày nào tôi ngồi ăn sáng ở căn tin của Ban A - Thủy điện Thác Mơ và được ngắm nhìn mặt trời từ từ nhô cao, xuyên qua lớp sương mù lởn vởn quanh chân núi; hay đó là những buổi chiều tà se lạnh, rảo bước dọc triền núi xuống thác cùng các chú, các anh ở Đài Truyền thanh Phước Long. Tất cả ký ức xưa chợt ùa về với tôi khi được trở lại nơi này, để hôm nay tôi lại chứng kiến biết bao đổi thay của Phước Long.

Núi Bà Rá và hồ Long Thủy, thị xã Phước Long ngày nay - Ảnh: Phú Quý

Giai đoạn 1989-1991, Phước Long ngày càng nhộn nhịp với nhiều công trình khởi xây trên vùng đất này.

Những ngày cuối năm 1991, những chuyến xe chở người, chở hàng cứ rì rì đổ lên đồi Bằng Lăng để khẩn trương hoàn thiện các phần việc chuẩn bị cho ngày phát sóng đầu tiên trên đỉnh núi. Con đường đất đỏ mới mở, từ chân núi dẫn lên đồi Bằng Lăng hơn 1km, nhưng đã khiến mọi người ù tai mấy lần, khi áp suất không khí liên tục thay đổi...

Hàng trăm người "cõng" vật liệu xây dựng lên đỉnh núi Bà Rá để xây dựng Đài Phát sóng những năm 1991 - Ảnh tư liệu

Hàng trăm người "cõng" vật liệu xây dựng lên đỉnh núi Bà Rá để xây dựng Đài Phát sóng những năm 1991 - Ảnh tư liệu

Do phát dọn, mở đường thoáng rộng nên lúc bấy giờ, đứng trên đồi Bằng Lăng có thể nhìn khá rõ về phía công trình đang thi công của Thủy điện Thác Mơ. Từ đây, anh em kỹ thuật viên Đài tiếp vận PTTH Bà Rá đã nhìn thấy những cột đất đỏ tung cao trong ngày 20-11-1991 - để khởi nguồn dựng xây nên Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ hôm nay...

Đông đảo người dân chứng kiến lễ khởi công xây dựng Thủy điện Thác Mơ vào ngày 20-11-1991 - Ảnh tư liệu

Đông đảo người dân chứng kiến lễ khởi công xây dựng Thủy điện Thác Mơ vào ngày 20-11-1991 - Ảnh tư liệu

Gần 1 tháng sau, ngày 18-12-1991, núi Bà Rá lại tưng bừng mở hội khánh thành và chính thức chương trình phát sóng đầu tiên của Đài PTTH Sông Bé ngay chính trên ngọn núi này.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (áo trắng) cắt băng khánh thành Đài tiếp vận Phát thanh - Truyền hình Bà Rá, ngày 18-12-1991

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (áo trắng) cắt băng khánh thành Đài tiếp vận Phát thanh - Truyền hình Bà Rá, ngày 18-12-1991

Câu chuyện ngăn dòng làm điện và chuyện mở núi, xây đài giữ sóng cách đây 30 năm như vẫn còn đây…

Lượn quanh chân núi là dòng Thác Mơ, Thác Mẹ ngày đêm tuôn chảy rì rào hòa vào những cánh rừng với biết bao âm thanh sinh động của thiên nhiên tạo nên những giai điệu bổng trầm đầy thơ mộng. Thác Mơ khởi dòng từ thượng nguồn sông Bé, chảy qua địa phận 3 huyện, thị xã gồm: Bù Đăng, Bù Gia Mập và Phước Long. Trong đó, dòng chảy hạ du ven chân núi Bà Rá những năm trước khi xây dựng Thủy điện Thác Mơ có dòng chảy khá mạnh, xuyên qua nhiều triền đá kéo dài qua cầu Thác Mẹ, ven các cánh rừng bên núi Bà Rá đã từng là nơi đồng bào dân tộc thiểu số và người dân địa phương thả mình tắm mát sau mỗi chiều lên rẫy.

Vào những ngày lễ, tết, nơi đây còn là chốn hẹn hò của biết bao nam thanh, nữ tú từ khắp nơi về tham quan, thưởng ngoạn. Len lỏi vào những bìa rừng ven thác, người du ngoạn còn có thể bắt gặp những nhánh lan rừng khoe sắc trong làn sương khói lững lờ của mây trời và hơi nước tỏa lên từ dòng thác. Ở đây, ta còn được nghe những âm thanh reo vang của nước, của đá, của gió và tiếng chim rừng, côn trùng như hòa quyện nhau tạo nên một bản hợp xướng sống động của núi rừng...

Những dòng chảy giờ đã cạn khô, cũng là điều tiếc nuối của tôi cùng người dân nơi đây. Thiết nghĩ, trong tương lai, Phước Long có thể nghiên cứu khơi lại dòng chảy này thì nơi đây sẽ rất đẹp và tạo nên những điểm nhấn du lịch độc đáo thu hút du khách.

***

Nhìn từ trên cao, hình ảnh dòng Thác Mơ uốn lượn quanh vách núi Bà Rá như một bức tranh thủy mặc, khắc họa nên một tác phẩm nghệ thuật vô giá mà Phước Long may mắn có được, để dòng thác ấy hôm nay đã làm rực sáng thêm cho diện mạo xinh đẹp của Phước Long ngày nay.

Vì sao có tên gọi Thác Mơ, Thác Mẹ? Phải chăng đây là 2 dòng thác với tên gọi khác nhau? Qua tra cứu các dữ liệu, tôi không tìm thấy 2 dòng thác riêng biệt, có chăng chỉ là 2 tên gọi: Thác Mơ và Thác Mẹ.

Nhiều năm công tác và sống tại đây, tôi cũng chỉ nghe người dân quen gọi Thác Mơ khi nói về thác nước này. Nhưng khi muốn chỉ đến một đoạn thác nước cụ thể ngay cầu Thác Mẹ, ngay bên dưới tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm, sát rìa chân núi Bà Rá thì người ta lại gọi là Thác Mẹ. Vậy, phải chăng đoạn thác nước này được đặt tên theo tên cây cầu? Thực ra, cây cầu này chỉ có từ thời điểm xây dựng Thủy điện Thác Mơ vào cuối những năm 1980, đầu năm 1990.

Cái tên cầu Thác Mẹ cũng được đặt theo tên gọi của đoạn thác nước chảy ngang qua đây - nơi có tượng đài Đức Mẹ được đặt từ năm 1960, ngay sườn đồi bên chân núi Bà Rá, ven thác nước bên dưới.

Theo nguồn Wikipedia đã dẫn: "Tượng đài Đức Mẹ Thác Mơ được bao quanh bởi ngọn Bà Rá hùng vĩ và dòng sông Đắk R’lấp..." (Đắk R’lấp là tên một nhánh sông đầu nguồn đổ vào Sông Bé); "Đức Mẹ Thác Mơ là một trung tâm hành hương cấp giáo phận của người Công giáo dành kính Đức Mẹ Maria, tọa lạc trên một ngọn đồi dưới chân núi Bà Rá...".

Tượng đài Đức Mẹ Thác Mơ và ngọn núi Bà Rá hùng vĩ phía sau

Tượng đài Đức Mẹ Thác Mơ và ngọn núi Bà Rá hùng vĩ phía sau

Ở một nguồn dữ liệu khác, Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Thác Mơ này do Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi làm lễ đặt tượng vào ngày 8-12-1958 nhân dịp lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Sau ngày chia tách tỉnh, năm 2017, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã chấp thuận, cấp phép cho trùng tu và công nhận nơi này là Trung tâm Hành hương với tên gọi là "Đức Mẹ Vô Nhiễm Thác Mơ".

Nguồn dữ liệu này còn viết: "Theo thông lệ, vào ngày mồng ba tết Nguyên đán và ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8-12) hằng năm, Giáo hạt Phước Long tổ chức hành hương cho toàn giáo hạt. Từ đầu năm 2008 đến nay, vào ngày 13 hằng tháng, các giáo xứ trong 2 Giáo hạt Phước Long và Đồng Xoài luân phiên phụ trách dâng Thánh lễ kính Mẹ cho đoàn người hành hương trong và ngoài 2 giáo hạt tuôn về bên Mẹ...".

Như vậy, tên gọi Thác Mẹ có thể là cách gọi tắt của người dân địa phương để chỉ địa điểm cụ thể về một đoạn thác nước chảy ngang tượng Đức Mẹ. Đây cũng là cách đặt tên và cách gọi thường thấy của người dân khi lấy một đặc điểm nào đó để chỉ dẫn, chẳng hạn như tên gọi Suối Đá để chỉ 1 đoạn thác nước có nhiều bậc đá, phiến đá to nổi lên trên dòng Thác Mơ cách cầu Thác Mẹ khoảng 1km hướng về thượng nguồn; hay tên gọi đồi Bằng Lăng trên núi Bà Rá, để chỉ về một cánh đồi cao (452m so với mặt nước biển) - nơi trước đây có rất nhiều cây bằng lăng, được san ủi để xây dựng Đài tiếp vận PTTH Bà Rá những năm 1989-1990.

***

Vậy còn tên gọi Thác Mơ?

Một số dữ liệu được cập nhật trên internet đã viết: "Tên gọi Thác Mơ xuất phát từ dòng thác ở đây nay được ngăn thành Thủy điện Thác Mơ". Cách lý giải này, xem ra chưa thỏa về nguồn gốc tên gọi.

Đem câu hỏi này hỏi nhiều nơi và nhiều người dân Phước Long, tôi cũng chỉ được đáp lại bằng nụ cười với câu nói không rõ tự bao giờ, mọi người đã gọi là Thác Mơ...

Nếu tra Google, chúng ta sẽ thấy rất nhiều nơi trên cả nước như Quảng Ninh, Yên Bái, Phú Thọ, Huế, Gia Lai, Đồng Nai... đều có những thác nước mang tên gọi thác Mơ. Riêng từ khóa Thác Mơ ở Bình Phước không có thông tin gì về tên gọi mà có vẻ chỉ được mặc nhiên gắn liền với công trình Thủy điện Thác Mơ ngày nay. Tra cứu vào Địa chí Sông Bé trước đây và Địa chí Bình Phước hiện nay cũng khó tìm thấy thông tin gì giải thích rõ ràng về tên gọi Thác Mơ của Phước Long, Bình Phước.

Trong tập 1 của Địa chí Bình Phước, phần nói về các huyện, thị có viết: "Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, núi Bà Rá còn là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Dòng sông Bé uốn khúc quanh co dưới chân núi tạo nên nhiều cảnh quan hùng vĩ và nên thơ như: Thác Mẹ, Thác Mơ. Nơi đây có không khí trong lành, nước suối trong xanh cùng với những tia nắng len lỏi qua kẽ đá tạo nên một cảnh sắc vừa huyền ảo vừa yên bình...".

Quả thật, đó là những hình ảnh đẹp, được lưu giữ trong ký ức của người dân Phước Long qua nhiều thế hệ trước đây.

Những ai đã từng có dịp dạo bước bên dòng Thác Mơ, Thác Mẹ năm xưa có lẽ cũng khó quên được cảnh quan xinh đẹp, nên thơ nơi này.

Một cánh rừng in bóng bên dòng thác Mơ trước những năm 1990 - Ảnh tư liệu

Một cánh rừng in bóng bên dòng thác Mơ trước những năm 1990 - Ảnh tư liệu

Đó là một cánh rừng thoai thoải với nhiều tán cây, dây leo xanh mát bên cầu Thác Mẹ, ngay dưới chân núi Bà Rá, du khách có thể men theo từng phiến đá, nhìn những dòng thác đổ về từ xa xa với bọt tung trắng xóa, nước trên cao đổ xuống tràn qua từng bậc đá.

Có nơi dòng thác đổ mạnh trông thật hùng vĩ, nhưng cũng có nơi dòng chảy lăn tăn, nhẹ nhàng trong làn sương khói tạo thành một khung cảnh như mơ... để bao chàng trai, cô gái nắm tay nhau đến đây thả hồn vào những giấc mơ đẹp, dệt nên những câu chuyện tình thơ mộng.

Và có lẽ, cũng chính từ quang cảnh hùng vĩ cùng hình ảnh hữu tình này mà người dân Phước Long gọi đây là Thác Mơ!...

Một đoạn thác đứng của dòng thác Mơ gần chân núi Bà Rá trước 1991 - Ảnh tư liệu

Một đoạn thác đứng của dòng thác Mơ gần chân núi Bà Rá trước 1991 - Ảnh tư liệu

Điều này cũng phù hợp với cách gọi, cách đặt tên Thác Mơ cho nhiều thác nước ở các tỉnh, thành trên cả nước như đã nêu.

Cuối những năm 1980, đầu năm 1990, khi cùng Đài PTTH Sông Bé và nhiều lãnh đạo của tỉnh, huyện lúc bấy giờ đến nơi này, tôi đã từng men theo những cánh rừng ven dòng thác để thưởng ngoạn; đã có những tấm ảnh, đoạn phim với quang cảnh đẹp như mơ về dòng thác lúc bấy giờ...

Có lần, được tận hưởng khung cảnh nên thơ, huyền ảo, mơ mộng đó, chú Bảy Hiếu, nguyên Giám đốc Đài PTTH Sông Bé đã thốt lên mấy vần thơ khá thú vị: "Khen ai khéo gọi Thác Mơ/ Đây là thác thật, sao là thác mơ”.

Nhà máy Thủy điện Thác Mơ 2024 - Ảnh: Lê Thảo

Quả là như mơ và cũng không là mơ khi dòng thác này đã đem nguồn sáng đến cho người dân địa phương từ tổ máy phát điện đầu tiên vào năm 1995. Để sau hơn 30 năm, đến nay, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ là một trong những doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh Bình Phước trong lĩnh vực năng lượng. 30 năm "thắp sáng niềm tin" và 30 năm Thủy điện Thác Mơ là nguồn sáng tự hào của quốc gia!

Ký LÊ THẢO

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/167644/nho-thac-mo-xua
Zalo