Nhớ Tết xưa
Dịu dàng ký ức Tết sắp đến, gió quê chồng rít qua từng kẽ lá, mang theo cái lạnh lạ lùng, khác hẳn với cái lạnh tôi từng quen. Lạnh nơi đây không cắt da cắt thịt, không tê tái như cái lạnh ở phố núi Pleiku, Gia Lai, nhưng vẫn đủ để khiến lòng tôi xao xuyến khi chợt nhớ đến những ngày Tết xưa.
Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, ai cũng rạo rực trong lòng bởi nhiều cảm xúc khó tả, nhất là nỗi nhớ gia đình, người thân. Lúc tôi còn bé, khi cả gia đình còn quây quần bên nhau trong căn nhà nhỏ nơi lưng chừng con dốc. Những ngày cuối năm, mẹ luôn là người tất bật nhất.
Sáng - khi phố núi đang mơ màng ngủ trong cái lạnh se sắt cuối đông, mẹ đã dậy đi chợ Tết, tay xách nách mang nào thịt cá, nào rau củ, nào hoa trái để chuẩn bị mâm cúng ông bà.
Về đến nhà, mẹ lại vội vàng lau dọn từng góc nhỏ, cẩn thận chà từng viên gạch lát nền, bởi cả năm bận rộn, mẹ chẳng có thời gian chăm chút nhà cửa kỹ lưỡng như thế.
Ba thì tất bật sửa lại những món đồ cũ, đóng lại cái ghế xiêu vẹo, thay bản lề cánh cửa đã kêu cọt kẹt suốt một năm. Ba cũng không quên đi chợ hoa để chọn một cây quất thật đẹp hay một chậu mai vừa ý để đặt ngoài hiên, khiến góc sân nhỏ thêm sắc xuân rực rỡ.
Tôi và hai đứa em, như những chú chim non ríu rít trong tổ. Thương ba mẹ vất vả nên không ai bảo ai tự giác vào việc, đứa lau bàn, đứa quét sân, đứa giặt giày dép cũ đã lấm lem bụi đất. Tiếng cười đùa vang cả góc nhà. Khi xong việc, ba mẹ thường thưởng cho chúng tôi ít tiền để tiêu Tết.
Sung sướng làm sao, khi những tờ tiền mới cứng, thơm mùi giấy, khiến ba chị em cười vui tít mắt, rồi ôm chặt trong tay như sợ chúng biến mất. Niềm vui đơn giản ấy cứ theo chúng tôi cho mãi đến bây giờ. Để rồi giờ đây khi Tết đến, Xuân về ký ức tìm đến lại nhớ, lại xao xuyến rưng rưng.
Phố núi, khi làn sương mỏng manh vừa kịp tan, tôi thường theo mẹ đi tản bộ chầm chậm xuống chợ Tết. Dù chỉ mới sáng, nhưng từ khắp các ngả đường, rất đông người đem hàng dập dìu xuống chợ. Mấy cô gái, các em nhỏ người Giơ rai, Ba Nar xúng xính váy áo sặc sỡ sắc màu, háo hức rảo bước. Bà con dân tộc thiểu số ở đây dẫu nghèo khó đến đâu nhưng khi xuống chợ, xuống phố vẫn để dành những bộ váy áo đẹp nhất như để tự hào về nét văn hóa dân tộc mình.
Tôi cùng mẹ đi len lỏi khắp nơi trong chợ, ngang qua chỗ bán quần áo, bán bánh kẹo, hoa quả… hương Tết phảng phất, hấp dẫn, mời gọi.
Tha thẩn đi dạo giữa một dãy các loại cây cảnh, tôi dừng chân trước những chậu mai, chậu đào… chọn mua một chậu ưng ý nhất. Người bán cũng xởi lởi chia sẻ rằng đây là hai loại hoa tiêu biểu nhất, đẹp nhất để đón Tết, vui Xuân tại gia đình, hy vọng năm mới mọi sự tốt lành.
Đêm Giao thừa, nhà tôi thức trắng đêm, những câu chuyện về quê hương, gia đình, dòng họ rồi phong tục đón Tết cổ truyền của dân tộc được ba mẹ kể, giờ đây chúng tôi vẫn nhớ như in.
Khi thời gian nhích dần, nhích dẫn đến phút giao thừa thiêng liêng của dân tộc, cũng là lúc ba mẹ chuẩn bị xong và bày biện các lễ phẩm ra bàn trước hiên nhà để dâng cúng ông bà, trời đất đầu năm. Dưới ánh sáng của ngọn nến lung linh, đất trời nồng nàn mang Xuân đến, hương vị Tết đầm ấm, lan tỏa.
Tiếng chuông đồng hồ điểm 12 giờ như báo hiệu sự chuyển giao giữa thời khắc năm cũ và năm mới. Ba mẹ và cả ba chị em chúng tôi thành khẩn cầu nguyện một năm mới đến cho mọi người, mọi nhà được an vui, hạnh phúc.
Ba lấy phong bao lì xì, lần lượt trao cho từng người trong nhà kèm theo những lời chúc năm mới đầy yêu thương. Tiếng cười vui vang khắp căn nhà nhỏ.
Sau thời khắc Giao thừa, người dân phố núi đỗ ra đường hái lộc, chúc Tết, mừng Xuân rất đông vui. Những cung đường nhấp nhô cao thấp, uốn lượn ở phố núi như đông vui hơn, gặp nhau tay bắt mặt mừng và không quên gửi đến cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.
Phố núi đêm Giao thừa lạnh buốt. Nhưng với tôi không thấy lạnh, bởi hơi ấm từ những việc làm của ba, sự dịu dàng của mẹ, sự tinh khiết trong trắng của em nhỏ, sự thân thiện, gần gũi của bà con, anh chị em, bạn bè.
Giờ đây, mỗi mùa Tết, tôi lại ở bên gia đình chồng. Tôi yêu cái bình yên của làng quê nơi đây, yêu cây xoài trước sân, yêu sự chân chất trong cách nhà chồng tôi sửa soạn Tết. Nhưng đôi khi, khi bóng chiều đổ dài trên sân, lòng tôi không khỏi trôi ngược về phố núi, nơi tôi được sinh ra, đã lớn lên, nơi có ba mẹ và những mùa xuân trong trẻo. Nhớ phố núi, nhớ những cung đường theo triền dốc và nhớ Tết xưa đến lạ.
Đông dần tàn, Tết cổ truyền dân rạo rực khắp nơi. Đi trong ký ức, tôi chợt nhớ những câu thơ của Nguyễn Bính, mà sao nghe như chính nỗi lòng mình: “Xuân về trong những tiếng ca/Lòng quê vẫn nhớ quê nhà khôn nguôi/Nghe chim én liệng bên trời/ Cành đào trước ngõ bồi hồi nhớ ai...” .
Tết quê chồng cũng lạnh, nhưng không giống cái lạnh ở phố núi quê hương của tôi. Và cũng bởi thế, nỗi nhớ nhà lại càng da diết, như một ngọn gió ngược, cứ thổi về tim mãi chẳng dừng.
Xuân đến rồi, nhớ quá Tết xưa ơi!...