Nhớ những ngày chung một chiến hào
Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ nhưng hồi ức về cuộc chiến đấu anh dũng, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, kề vai sát cánh chung một chiến hào của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tỉnh Bắc Giang trên đất bạn Lào vẫn không phai mờ trong mỗi cựu chiến binh (CCB).
Tại buổi gặp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng tại Lào tổ chức mới đây tại TP Bắc Giang, tôi bắt gặp hình ảnh một người lính già chăm chú nhìn lên sân khấu, say sưa hát theo điệu múa của bài “Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp”. Ông chính là CCB Mạc Văn Xe (84 tuổi), Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Lào xã Đào Mỹ (Lạng Giang). Qua lời kể chân thành, mộc mạc của ông, một thời chiến đấu hào hùng trên xứ sở hoa Chăm-pa được tái hiện.
Ông Xe nhập ngũ vào đơn vị Quân khu Tây Bắc năm 1964 rồi hành quân sang đất Lào. 12 năm ở chiến trường nước bạn, cùng kề vai sát cánh chiến đấu, điều đọng lại trong ông chính là sự thương yêu, đùm bọc giúp đỡ của nhân dân các bộ tộc Lào. “Thời kỳ đầu mới sang, bộ đội gặp rất nhiều khó khăn do không biết ngôn ngữ, không thạo địa hình, chưa quen phong tục tập quán; lương thực thiếu thốn, bị sốt rét rừng giày vò. Củ mài và gạo cùng tấm lòng của nhân dân Lào đã giúp chúng tôi vượt qua gian nan".
Khi ông làm nhiệm vụ tại tổ đài 15W, tuy không đánh địch trực tiếp như các chiến sĩ bộ binh, đặc công, trinh sát nhưng nhiệm vụ dịch mật mã, chuyển thông tin cũng rất căng thẳng. Ông và đồng đội suốt ngày đêm làm việc dưới mưa bom, bão đạn của quân thù, bám máy bám đài, quyết tâm chuyển, nhận hết số điện khẩn và tín hiệu chiến đấu khẩn cấp, góp vào chiến công chung của đơn vị. Năm 1969, trong một lần đưa quân đi lấy gạo cho đơn vị, tại khu vực bản Gốc Chuối, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), nhóm của ông bị trúng bom từ máy bay địch. Ông Xe bị một mảnh bom ghim vào đầu nhưng vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Từng có mặt tại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, CCB Vũ Nhẻn (Tân Yên) kể: “Năm 1964, khi đi làm nhiệm vụ qua cổng một gia đình người Lào, tôi thấy có cháu bé dưới 10 tuổi đi theo. Ngoảnh lại kiểm tra thì nghe tiếng: “Cháu chào chú bộ đội Việt Nam”. Tôi hỏi tại sao cháu biết chú là bộ đội Việt Nam? Cháu trả lời: “Cháu biết vì dáng đi của các chú khác với các chú bộ đội Pa-thet (Lào). Hơn nữa, ông bà, bố mẹ cháu là người Việt Nam, quê cháu ở huyện Gia Viễn (Ninh Bình) chú ạ”. Lo sợ đứng giữa đường sẽ lộ mục tiêu, tôi kéo cháu vào rìa đường có cây che chắn rồi nhẹ nhàng hỏi: “Thế cháu có thích về Việt Nam với ông bà nội không?” Cháu bé trả lời: “Cháu thích lắm. Nhưng làm thế nào để về Việt Nam hả chú?”
Về đơn vị, ông Nhẻn cứ suy nghĩ mãi về cuộc gặp này. Tại sao cháu bé chưa đến 10 tuổi mà đã biết hướng về Tổ quốc Việt Nam, chắc chắn là được bố mẹ, ông bà kể lại. Sau đó, ông Nhẻn đã đề xuất với lãnh đạo để dàn dựng một chương trình có nội dung về tình cảm của người dân Lào với bộ đội Việt Nam, coi như một cuộc “chỉnh cán, chỉnh quân” truyền lửa cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 2 Pa-thét trước khi bước vào trận chiến ác liệt.
Tỉnh Bắc Giang có hơn 1.000 quân tình nguyện và chuyên gia giúp cách mạng Lào hy sinh, hàng nghìn thương binh đã để lại một phần xương máu trên chiến trường nước bạn. Hiện nay, cựu quân tình nguyện và chuyên gia giúp Lào tỉnh Bắc Giang còn hơn 3.000 người.
Sự giúp đỡ chân thành, tin cậy của cán bộ, chiến sĩ quân đội Lào, sự yêu thương đùm bọc, đoàn kết thủy chung của nhân dân Lào chính là nguồn động viên, cổ vũ to lớn giúp quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đạt được những thành tích, chiến công xuất sắc khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả. CCB Nguyễn Văn Du (Lục Nam) nhớ lại: “Năm 1963-1964, hàng nghìn thanh niên trai tráng tỉnh Hà Bắc lên đường nhập ngũ vào Quân khu Tây Bắc. Sau khi huấn luyện cơ bản, bộ đội được biên chế vào các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia quân sự Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Tôi về Trung đoàn 335 được 2 tháng là nhận nhiệm vụ chiến đấu ngay”.
Cuối tháng 10/1964, chiến dịch 74 mở ra, chúng ta đánh quân Hoàng Gia, Vàng Pao và quân Thái Lan. Kết thúc chiến dịch, quân đội ta làm tan rã 5 trung đoàn của địch, tiêu diệt, bắt sống hơn 1.000 tên, mở rộng vùng giải phóng Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng và Đông, Tây Viêng Chăn. Nhắc đến tình cảm của người dân Lào, ông Du kể có thời điểm, việc tiếp tế bảo đảm hậu cần gần như bị tê liệt, bộ đội thiếu gạo, thiếu muối, phải ăn rau rừng, củ mài cầm bữa. Mặc dù cũng đang trong nạn đói, nhân dân các bộ tộc Lào khó khăn đủ bề nhưng với tinh thần hạt gạo chia đôi, họ đã nhường cơm, sẻ áo, vét những bát gạo cuối cùng trong nhà để nuôi bộ đội Việt Nam.
Nhớ về những đồng đội cùng chung chiến hào năm xưa, CCB Hoàng Đình Tiến, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào, Trưởng Ban liên lạc Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Bắc Giang nghẹn ngào: “Trên khắp mọi miền của đất nước Lào, đâu đâu cũng có dấu chân của bộ đội, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam. Nhiều đồng chí hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Máu xương các anh đã hòa quyện, thấm đẫm vào đồng ruộng, bản làng và những khu rừng sa mu xanh tốt. Riêng tỉnh Bắc Giang có hơn 1.000 con em hy sinh ở đây. Hàng nghìn thương binh đã để lại một phần xương máu trên chiến trường Lào”.
Còn nhiều lắm những câu chuyện cảm động về mối tình quân dân Việt - Lào. Các bà mẹ Lào tận tình chăm sóc, cứu chữa những người chiến sĩ tình nguyện Việt Nam khi họ bị sốt rét rừng hành hạ. Giống như tình mẫu tử, họ sẵn sàng mang cả thóc giống ra để giã gạo nấu cháo cho bộ đội tình nguyện, ôm bộ đội tình nguyện vào lòng để truyền hơi ấm cho họ như cho con mình. Sự thương yêu, đùm bọc giúp đỡ của nhân dân các bộ tộc Lào, sự đoàn kết hiệp đồng chiến đấu của lực lượng vũ trang cách mạng Lào với quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng đã góp phần vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng Lào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Bài, ảnh: Thu Phong