Nhớ mãi chợ tết quê nhà
Những cánh én chao nghiêng trên bầu trời xanh thẳm. Từng búp mai trong vườn nhà thập thò hé nụ như chơi trò trốn tìm giữa mùa xuân. Cái lạnh vẫn mơn man se sắt trên da thịt. Ấy là những dấu hiệu chỉ xuất hiện mỗi năm một lần để tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới.
Sáng sớm 23 tháng Chạp, tôi theo mẹ ra chợ sắm tết.
Đã lâu lắm rồi tôi mới được cùng mẹ tản bộ trên con đường quen thuộc. Con đường này ngày bé tôi đã cùng mẹ gánh rau, bưng bí để đổi lấy từng bộ quần áo, miếng thịt hay bánh kẹo sặc sỡ mỗi bận tết đến. Vậy mà bấy lâu nay, mải chạy theo những phù phiếm giữa vòng xoay cuộc đời, đứa trẻ tôi ngày nào bỗng chốc quên lãng.
Chợ quê nhưng lúc nào cũng đủ đầy mỗi dịp tết đến. Từ ngoài cổng, đập vào mắt tôi là những sạp hàng bán quần áo tết. Gọi là sạp nhưng thực chất là những bộ quần áo rực rỡ mắc trên chiếc sào dài, bên trên căng một tấm bạt lớn. Ấn tượng nhất là những bộ quần áo được may đủ kiểu dành cho trẻ em.
Một vài em nhỏ nép sau lưng mẹ, đôi mắt long lanh nhìn những chiếc áo, chiếc quần đủ màu. Nhìn tụi nhỏ, tôi lại nhớ đến những lần được mẹ dẫn đi chợ mua đồ tết. Hồi ấy nhà còn nghèo, ngày tết mẹ phải chắt chiu dành dụm để vun vén cho đủ đầy. Ấy vậy, mỗi lần được ướm thử lên người bộ quần áo tết, lòng tôi lại tràn ngập niềm hạnh phúc. Mùi hương kỳ diệu của lớp vải mới bao giờ cũng vấn vương trong tâm trí những đứa trẻ.
Chợ tết luôn chật ních người qua lại. Nhớ có lần, trong một phiên chợ tết, vì mải mê nhìn ngắm những con búp bê với những bộ váy xinh xắn, bàn tay bé xíu của tôi đã vuột khỏi tay mẹ.
Khi tôi suýt khóc vì sợ hãi, giữa biển người mênh mông, mẹ hớt hải chạy đến ôm chặt tôi vào lòng. Kể từ đó, tôi chẳng bao giờ dám lơ đãng trước những điều hấp dẫn xung quanh. Bây giờ, dù không còn sợ lạc đường, tôi vẫn thích cảm giác được nắm chặt tay mẹ từ phía sau.
Mẹ dừng chân bên những chiếc bàn gỗ chứa đầy thịt heo, loại thịt được liệt kê vào danh sách thực phẩm quan trọng mỗi dịp tết đến. Mẹ nói, dẫu có cực khổ bao nhiêu, ngày tết cũng phải có miếng thịt trong nhà. Ấy thế, đó luôn là dấu gạch đầu tiên trong danh mục sắm tết của mẹ.
Chen chúc trong dòng người, mẹ và tôi ghé chân vào hàng rim mứt, bánh kẹo. Không chỉ có mứt bí, mứt gừng, mứt cà rốt thoảng hương thơm hấp dẫn, mà còn có những loại bánh kẹo mới mẻ trong những chiếc hộp bắt mắt.
Bên những chiếc bánh in khoác trên mình tờ giấy kiếng đủ sắc màu, tôi nghe râm ran tiếng chào mời, hỏi giá. Dù ngày thường hay tết đến, giá cả của những loại hàng hóa giữa chợ quê vẫn thuận mua vừa bán. Nhà đã có mứt gừng do chính tay mẹ canh lửa nên mẹ chỉ chọn thêm một ít mứt dừa và những chiếc bánh in để đĩa bánh ngày tết thêm sắc màu.
Rực rỡ nhất giữa chợ tết quê có lẽ là gian hàng hoa tết. Những chậu hoa vạn thọ vàng ươm khoe sắc. Nối tiếp là những cành hoa lay ơn khe khẽ hé nụ và bao loài hoa tươi tắn khác. Nếu như vạn thọ tỏa rực khắp hiên nhà, trước ngõ, thì lay ơn luôn là loài hoa túc trực trên bàn thờ tổ tiên những ngày tết đến, xuân về. Nhà tôi thường mua lay ơn độ chừng hăm bảy, hăm tám tháng Chạp. Đó cũng là lúc ba tôi bắt đầu sửa sang cổ bồng trên bàn thờ ông bà để chuẩn bị cúng tất niên.
Chiếc giỏ đi chợ đã đủ đầy những thức hàng ngày tết. Ánh mặt trời tròn trịa trên cao. Những tia nắng xuân ấm áp làm tan dần hạt sương đêm trên ngọn cỏ. Ra khỏi cổng chợ, tôi ngoái đầu nhìn lại, thu hết vẻ nhộn nhịp trong tầm mắt và hít một hơi thật sâu để dẫu mai này có đi đến phương trời nào, lòng vẫn nhớ hương sắc chợ tết quê nhà.