Nhớ Bác ngày này, năm xưa: 'Phê bình'

Ngày 12/7/1951, với bút danh C.B, Bác viết bài 'Phê bình'. Trước đó, ngày 20/5/1951, Bác viết bài 'Tự phê bình' đăng trên Báo Nhân Dân số 9. Người giải thích, bài trước nói về tự phê bình. Bài này nói về phê bình. Vì chúng ta phải 'Tiên trách kỷ, hậu trách nhân'.

“NÓI THẬT TỨC LÀ PHÊ BÌNH”

Vận dụng tục ngữ, Bác viết: “Thuốc đắng thì dã tật, nói thật thì được việc”. Người lý giải ngắn gọn: “Nói thật tức là phê bình”. Điều quan trọng mà Bác chỉ ra trong việc phê bình là phải nói thật. Trong thực tế, đâu đó chúng ta vẫn chưa nói thật trong công tác phê bình.

Bác cho rằng, khuyết điểm cũng như một chứng bệnh. Phê bình là thuốc để chữa các bệnh khuyết điểm. Người lấy hình ảnh của chính mình để ví dụ: “Tôi có vết nhọ ở trán, tự tôi không trông thấy. Đồng chí bảo cho tôi biết. Thế là đồng chí phê bình tôi. Mục đích của đồng chí là muốn cho mặt tôi sạch sẽ, chứ không phải để mỉa mai tôi. Vì vậy đồng chí phải nói cho rõ ràng, thiết thực: Vết nhọ to hay nhỏ? Nó ở phía nào? v.v..”. Đứng ở góc độ người phê bình, Bác mong muốn chúng ta phải có những ý kiến phê bình thật cụ thể, rõ ràng, không chung chung, đặc biệt là những hạn chế, khuyết điểm.

Từ trái sang: Tổng Bí thư Trường Chinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, tháng 9 năm 1954. Nguồn ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Theo Bác, khi nhận được ý kiến phê bình của tập thể về những khuyết điểm, hạn chế, nếu như người được phê bình không “vui lòng” đón nhận, thậm chí còn oán trách, điều này đồng nghĩa với việc những hạn chế, khuyết điểm suốt đời không được khắc phục. Như việc người ta chỉ cho mình vết nhọ trên mặt mà không chịu rửa sạch thì sẽ mang theo nó đến suốt đời.

Từ đó, Bác rút ra kết luận, ý nghĩa phê bình, giản đơn là như vậy.

“THUỐC PHẢI NHẰM ĐÚNG BỆNH”

Người nhấn mạnh, chúng ta vì dân, vì nước mà làm cách mạng. Muốn cách mạng thành công, ắt phải đoàn kết và tiến bộ. Muốn đoàn kết càng chặt chẽ, tiến bộ càng mau chóng, thì mọi người phải sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Mà muốn được như thế thì không có cách gì hơn là thật thà tự phê bình và phê bình.

Khi đề cập đến nguyên tắc phê bình, Bác nêu, phải nhằm vào tư tưởng và công tác. Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm. Thí dụ: Vì thiếu quan điểm quần chúng (tư tưởng), nên trong công tác mắc bệnh mệnh lệnh, quan liêu.

Bác cũng phân tích thêm, phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, cho nên thái độ của người phê bình phải thành khẩn, nghiêm trang, đúng mực. Phải vạch rõ vì sao có khuyết điểm ấy, nó sẽ có kết quả xấu thế nào, dùng phương pháp gì để sửa chữa. Thuốc phải nhằm đúng bệnh. Tuyệt đối không nên có ý mỉa mai, bới móc, báo thù. Không nên phê bình lấy lệ. Càng không nên “trước mặt không nói, xoi mói sau lưng”.

Khi nói về quyền lợinhiệm vụ của mọi người trong công tác phê bình, đó chính là việc thực hành dân chủ. Một trong những vấn đề mà Bác chỉ ra để chúng ta cần học tập để thực hiện, đó chính là, cấp dưới có quyền phê bình cấp trên. Nhân dân có quyền phê bình cán bộ, phê bình chính quyền, Đảng và các đoàn thể. Mọi người có quyền phê bình nhau để cùng nhau tiến bộ.

Để khẳng định về quyền của người phê bình, Bác viết, không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình. Theo Bác, người phê bình cũng cần phải có thái độ đường hoàng, chính đáng, quyết không nên “thầm thì thầm thụt”, viết thư giấu tên…

Người khuyên, đảng viên và cán bộ, Đảng, các đoàn thể nhân dân và chính quyền cần phải hoan nghênhkhuyến khích nhân dân phê bình. Nếu phê bình sai, thì phải giải thích. Phê bình đúng, thì phải công khai thừa nhận và sửa chữa. Điều này giúp mọi người nhận thức sâu sắc hơn trong công tác phê bình, đặc biệt là tạo điều kiện để người phê bình và người được phê bình thấu hiểu nhau hơn, tạo không khí dân chủ, khách quan, khoa học và công bằng trong công tác phê bình.

Ngược lại với những yếu tố tích cực của phê bình, theo Bác đó là dìm phê bình hoặc phớt phê bình là khinh rẻ ý kiến nhân dân, là trái với dân chủ, và rất có hại, cũng như có bệnh mà từ chối uống thuốc.

Bác xem phê bình như một quy luật khách quan và thường xuyên. Ngừng phê bình và tự phê bình tức là ngừng tiến bộ, tức là thoái bộ. Người cũng so sánh việc cần thiết của phê bình đối với người cách mạng và đoàn thể như người ta cần không khí để sống.

Người cũng chứng minh giá trị của công tác phê bình nói chung và cho rằng cách mạng sở dĩ phát triển mãi, tiến bộ mãi, càng gặp nhiều gian khổ càng mạnh mẽ thêm, là nhờ có phê bình và tự phê bình. Cho nên toàn thể đảng viên và cán bộ cần làm gương mẫu thật thà phê bình và tự phê bình để tự giáo dục mình và giáo dục nhân dân, để làm tròn sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.

NÊU CAO TINH THẦN TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Đảng ta luôn khẳng định là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: “Tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Từ đó, Điều lệ Đảng cũng quy định nhiệm vụ của đảng viên phải tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng; phục tùng kỷ luật, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng; thường xuyên tự phê bình và phê bình, trung thực với Đảng; làm công tác phát triển đảng viên; sinh hoạt đảng và đóng đảng phí đúng quy định”.

Cụ thể hóa Điều lệ Đảng, từ trước đến nay Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản quy định cụ thể về công tác xây dựng Đảng, trong đó có công tác tự phê bình và phê bình. Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới nhận định: “Phần lớn đội ngũ đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có ý thức rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình, tiên phong, gương mẫu, xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhân dân”. Tuy nhiên, “chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ cơ sở, sinh hoạt cấp ủy, tinh thần tự phê bình và phê bình, công tác đánh giá, xếp loại còn hạn chế”. Từ đó, nghị quyết nhấn mạnh: “thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết trong Đảng… bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, đoàn kết nội bộ”.

Bên cạnh đó, gần đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 4/10/2023 về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị. Quy định này thay thế Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 8/3/2018 của Bộ Chính trị về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại hằng năm đối với các tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị, trong đó, tiếp tục khẳng định về mục đích, yêu cầu và quan điểm, nguyên tắc gồm: Nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa, thấy được ưu điểm để phát huy, hạn chế, khuyết điểm để khắc phục; chủ động phát hiện, ngăn chặn biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, đúng thẩm quyền, trách nhiệm.

TRỌNG NHÂN

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

[1] Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19 tháng 1 năm 2011).

[2] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2016, tập 5, trang 53, 54.

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011: tập 7, trang 113, 114 và 115.

[4] Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

[5] Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 4/10/2023 của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

[6] Từ điển Hồ Chí Minh học, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2017, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, GS.TS Tạ Ngọc Tấn (Chủ biên), (Lưu hành Nội bộ), trang 570 - 574.

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/1029/nho-bac-ngay-nay-nam-xua-phe-binh-74735.html
Zalo