Nhớ anh Nguyễn Toàn

Tôi gặp anh Nguyễn Toàn ở hậu cứ rừng le thuộc chiến khu Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh). Dạo ấy đang là cuối mùa khô. Mùa mưa chưa về nhưng đã chớm những cơn mưa báo hiệu.

Anh Nguyễn Toàn có dáng người thấp bé, lưng hơi gù, trán dô một cách thô cứng, bướng bỉnh. Anh hơn cánh lính trẻ mới rời ghế nhà trường chúng tôi gần 10 tuổi. Nghe nói trước khi vào bộ đội, anh đã lập gia đình và đang làm công việc bàn giấy ở một cơ quan nào đó của tỉnh Nam Định.

Có lẽ bởi thế, khi về đây, anh được giao làm trợ lý tổ chức của Ban Chính trị, Phòng Vận tải, Cục Hậu cần, Bộ tư lệnh Miền. Anh Toàn thuộc dạng người ít nói, khi nói câu nào là chắc như đinh đóng cột. Cái chức trợ lý của anh chỉ ngang trung đội trưởng, nhưng với chúng tôi lúc đó đã là lớn lắm, nên rất nể phục và tất cả răm rắp nghe theo. Ngoài công việc, trong sinh hoạt, anh cũng coi mấy thằng “tép riu” chúng tôi như những đứa em, luôn gần gũi, nhắc nhở khi cần thiết. Với tôi, anh là một cán bộ sống và làm việc có nguyên tắc, thật phù hợp với công việc Trưởng ban Chính trị giao.

 Di tích lịch sử căn cứ Dương Minh Châu hôm nay.

Di tích lịch sử căn cứ Dương Minh Châu hôm nay.

Vào khoảng giữa tháng 9-1966, Mỹ-ngụy mở cuộc hành quân tìm diệt mang tên Attleboro với sự tham gia của khoảng 22.000 quân cùng hàng trăm máy bay, xe tăng, đại bác vào Chiến khu C (một tên gọi khác của Chiến khu Dương Minh Châu). Chúng có ý đồ triệt xóa các cơ quan đầu não của Quân Giải phóng. Tương quan lực lượng trên chiến trường giữa ta và địch lúc này là quá chênh lệch.

Trước sức càn quét của địch, cấp trên chủ trương bảo toàn lực lượng, tạm thời rút các cơ quan sang đất bạn Campuchia, chỉ để lại một lực lượng nhỏ quân chủ lực tiến hành những cuộc tập kích nhỏ lẻ vào sau lưng địch, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó. Đơn vị tôi là đơn vị cuối cùng nhận lệnh cắt rừng vượt Đường 7 để chuyển sang “Cánh 7”, một vùng đất thuộc tỉnh Kratie, Campuchia. Chúng tôi được lệnh bỏ lại tất cả, chỉ mang theo những thứ cần thiết cho sinh hoạt và công việc. Đây không phải lần đầu chạy càn, nhưng chuyến đi này thật gấp rút.

 Tác giả (bên trái) tại chiến trường miền Đông Nam Bộ năm 1970.

Tác giả (bên trái) tại chiến trường miền Đông Nam Bộ năm 1970.

Tôi và Mộc, hai thanh niên trẻ, khỏe, hai tay súng có kinh nghiệm của đơn vị được giao nhiệm vụ hộ tống anh Toàn đi sau cùng. Thời gian này, anh Toàn bị bệnh kiết lỵ, không ăn uống được gì chỉ ăn vài thìa cháo loãng mỗi bữa. Điều kiện ăn uống kham khổ, không có thuốc đặc trị, bệnh tình kéo dài, người anh chỉ còn da bọc xương, đi lại không vững, suốt ngày phải treo mình trên võng.

Tôi và Mộc có trách nhiệm đưa anh về tới nơi ở mới an toàn. Trong căn hầm, anh Toàn cương quyết không đồng ý để tôi và Mộc cõng anh rút theo đơn vị đã xuất phát trước với lý do anh không còn đủ sức và chúng tôi cần phải bám theo đoàn, đừng ai vì anh mà phải thương vong không cần thiết. Anh muốn một mình ở lại chặn địch cho đơn vị rút đi an toàn, đằng nào anh cũng chết nhưng anh không muốn chết vì bệnh tật.

Quả là bệnh tật đã làm anh kiệt sức và anh hiểu về tình trạng sức khỏe của mình. Thuyết phục kiểu gì anh cũng không chịu, cuối cùng anh đanh giọng: “Tôi là đảng viên, người có cấp bậc cao nhất ở đây. Tôi ra lệnh hai đồng chí phải rời đi ngay, nhớ bảo quản tài liệu, cho tôi gửi lời chào vĩnh biệt mọi người”. Đến nước ấy chúng tôi đành phải chấp hành. Để lại một mình anh trong hoàn cảnh bốn bề quân địch, chúng tôi sao đành lòng, nhưng anh đã phải thốt ra những lời nghiêm túc, hệ trọng như thế thì không thể làm khác. Trong sinh hoạt thường ngày, chưa khi nào tôi thấy anh nghiêm giọng như vậy. Mộc ở bên cạnh cũng sụt sùi xúc động, tôi dặn anh Toàn: “Từ lúc này sẽ không còn quân ta ở đây nữa, hễ có bóng người, đấy là địch”. Chúng tôi hiểu, từ đây chúng tôi sẽ không còn được gặp anh, chuyện trò đùa vui như bao ngày qua. Chúng tôi sẽ không còn được mang cái răng vàng đã xỉn màu của anh ra mà trêu nữa.

Sau khi để lại cho anh thêm một cơ số đạn, tôi mang tài liệu anh giao cùng Mộc gạt nước mắt, lẩn vào những cụm cây gò mối. Chỉ mấy phút sau, chúng tôi đã nghe tiếng súng rộ lên phía sau lưng mình. Đáp lại tiếng tiểu liên cực nhanh và tiếng AR-15 kéo dài như mưa rào là tiếng súng AK từng nhịp, từng nhịp dứt khoát, chắc nịch. Rồi cả tiếng nổ chát chúa của đạn M-79, hay tiếng bùng bùng của những quả thủ pháo chúng tôi vừa trao cho anh. Một trận đánh một chọi trăm, nhưng chúng tôi tin anh Toàn sẽ là người chiến thắng!

Một ngày sau, khi không còn bóng dáng những chiếc trực thăng quần thảo, tôi, Mộc và Tuất quay trở về căn cứ cũ tìm anh Toàn. Vượt chặng đường rừng gần 6 giờ, lòng hồi hộp âu lo, không ai bảo ai, cả ba lao tới chỗ hầm của anh. Khu rừng bị đạn bom tàn phá không thể nhận ra nữa. Cây đổ ngổn ngang, mặt đất bị băm nát, mùi thuốc súng còn chưa tan hết. Nhìn đâu cũng thấy cảnh hoang tàn. Anh Toàn nằm gục bên miệng hầm như đang ngủ, trên người nhiều vết máu, khẩu súng bắn hết đạn, bị mảnh pháo cắt đứt nòng. Gốc cây trước hầm chi chít vết đạn, những thân cây bị cắt, nóc hầm bị vạt hõm xuống...

Cách đó không xa có khá nhiều mẩu băng dính máu địch vứt lại. Nhìn quang cảnh, chúng tôi biết anh Toàn đã chiến đấu ngoan cường đến viên đạn cuối cùng. Nhưng điều khiến cả 3 ngạc nhiên đến sững sờ là cạnh anh Toàn còn có một chiếc bi đông nước và gói cơm sấy trang bị cho lính Mỹ. Ai đã làm việc ấy nếu không phải là người lính đối phương? Thế có nghĩa là anh Toàn không hy sinh ngay, anh chỉ bị thương nặng? Và tinh thần chiến đấu quả cảm của anh đã chạm vào lòng ngưỡng mộ, cảm phục của người lính phía bên kia và họ mong anh có thể sống sót để trở về với đồng đội của mình!

Nhà thơ LÊ VĂN VỌNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/nho-anh-nguyen-toan-785346
Zalo