Nhớ anh Nguyễn Đông Hải với những kỷ niệm ở Ban Dầu khí - Kỳ 2

Ngày 5-12-1971, Việt Nam và Trung Quốc ký kết Nghị định thư về hợp tác kinh tế, trong đó có đề cập Trung Quốc sẽ viện trợ cho Việt Nam xây dựng 1 nhà máy lọc dầu, 1 kho trung chuyển dầu thô, 1 đường ống dẫn dầu và 1 bến cảng phục vụ nhà máy lọc dầu. Ngày 29-12-1971, Phủ Thủ tướng chỉ thị cho Tổng cục Hóa chất nghiên cứu phương án xây dựng nhà máy lọc dầu do Trung Quốc viện trợ.

Quy hoạch và nhiều phương án

Đầu năm 1972, Tổng cục Hóa chất giao nhiệm vụ cho Ban Dầu khí nghiên cứu quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến dầu và hóa dầu ở miền Bắc tới năm 1985 và phương án xây dựng nhà máy chế biến dầu do Trung Quốc viện trợ. Tổng cục phó Nguyễn Văn Biên trực tiếp chỉ đạo Ban Dầu khí phối hợp với Vụ Kế hoạch và Cục Xây dựng cơ bản thực hiện nhiệm vụ nói trên. Anh Đông Hải phân công tôi phối hợp với anh Nguyễn Mạnh Hùng và chị Phạm Ngọc Bích là Tổ trưởng, Tổ phó Tổ Thông tin - Quy hoạch cùng một số anh em trong Tổ Lọc hóa dầu (các anh Phùng Văn Chiến, Phạm Ngọc Thường, Cao Tuấn Tú, năm 1973 bổ sung thêm Hoàng Chân, Lê Xuân Ba…) triển khai nhiệm vụ cụ thể.

Chúng tôi thường lên Vụ Kế hoạch và Cục Xây dựng cơ bản Tổng cục Hóa chất và Vụ Công nghiệp A của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Nội thương, Bộ Ngoại thương để cùng nhau lập Dự báo nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xăng dầu và sản phảm hóa dầu của miền Bắc tới năm 1985. Trên cơ sở dự báo tổng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, sẽ quy hoạch xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu. Ông Biên rất đam mê công tác dự báo và chiến lược phát triển. Với tầm hiểu biết rộng và ham học hỏi, ông luôn đòi hỏi chúng tôi phải có nhiều thông tin, tư liệu và tính toán, đối chứng để minh họa các kịch bản dự kiến đề xuất. Anh Đông Hải thường xuyên trao đổi với chúng tôi các phương án khác nhau, luôn khuyến khích mọi người đề xuất ý tưởng mới, giả thuyết mới, giải pháp mới, lật đi, lật lại, so sánh các phương án với nhau, và đặt nhiều câu hỏi mang tính phản biện, phải giải đáp.

Tổng Bí thư Lê Duẩn với các cán bộ Tổng cục Hóa chất tại Đồ Sơn, mùa hè năm 1974

Tổng Bí thư Lê Duẩn với các cán bộ Tổng cục Hóa chất tại Đồ Sơn, mùa hè năm 1974

Hồi đó, chúng tôi phải tính toán bằng tay hoặc rút thước logarit như thời sinh viên; các thuyết minh, báo cáo, tờ trình đều soạn thảo viết tay. Tôi nhớ, có lần anh Đông Hải dẫn chúng tôi sang Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, đến phòng máy tính điện tử để làm quen và học cách sử dụng máy tính điện tử. Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước được trang bị một máy tính điện tử Minsk-25 to đùng, do Liên Xô viện trợ. Ngoài việc phải dành thời gian làm quen máy còn phải xếp hàng chờ hằng tuần mới đến lượt nên chúng tôi đành trở về với tính tay và thước logarit, vẽ chì trên giấy croky!

Kết quả là, tháng 5-1973, Tổng cục Hóa chất trình Thủ tướng Chính phủ “Phương hướng xây dựng các nhà máy chế biến dầu mỏ và hóa dầu”. Trong đó dự báo nhu cầu dầu thô năm 1975 là 1,5 triệu tấn, năm 1985 là 7,5 triệu tấn; tới năm 1985 nên xây dựng 2 nhà máy lọc hóa dầu, một nhà máy hợp tác với Trung Quốc công suất 3 triệu tấn/năm và một nhà máy hợp tác với Liên Xô và các nước khác có công suất 4,5 triệu tấn/năm; tổng đầu tư khoảng 790 triệu USD.

Ngày 19-12-1973, Đoàn công tác do Tổng cục phó Nguyễn Văn Biên dẫn đầu sang Bắc Kinh đàm phán với Bộ Nhiên liệu và Hóa chất Trung Quốc về việc xây dựng nhà máy lọc dầu ở Việt Nam do Trung Quốc viện trợ. Đoàn gồm 36 cán bộ và chuyên gia từ Tổng cục Hóa chất, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Ngoại thương, Bộ Giao thông Vận tải. Xen giữa các ngày hai bên trao đổi, thảo luận về dự án, đoàn Việt Nam được phía bạn cho đi tham quan mỏ dầu Đại Khánh ở tỉnh Hắc Long Giang, cảng dầu và Nhà máy Lọc dầu Đại Liên, Khu lọc hóa dầu ở ngoại ô Bắc Kinh, Liên hợp sợi tổng hợp ở Thượng Hải. Đã hơn 1 tháng, cuộc đàm phán hầu như không tiến triển được. Trưởng đoàn của phía bạn thường có bài “giáo huấn” về chính trị. Mục tiêu hai bên xa nhau, chủ yếu trao đổi về đạo lý và nguyên tắc, có nguy cơ cuộc đàm phán không đi tới đích, không có kết quả cụ thể.

Ông Nguyễn Đông Hải trong buổi gặp mặt đồng nghiệp Ban Dầu khí

Ông Nguyễn Đông Hải trong buổi gặp mặt đồng nghiệp Ban Dầu khí

Tôi bàn riêng với anh Đông Hải về ý định đoàn Việt Nam nên chủ động đề xuất phương án hợp lý, không nên kéo dài tình trạng đang rất nhàm chán. Anh Hải ủng hộ ngay, rồi cùng nhau đến gặp ông Biên trình bày đề xuất phương án. Ông Biên đồng ý. Thế là hai anh em lặng lẽ chuẩn bị. Tôi tính toán cân đối nguyên liệu, sản phẩm, vẽ sơ đồ công nghệ và viết giải trình ngắn gọn bằng tiếng Việt. Anh Đông Hải viết ra bằng tiếng Hoa. Hai anh em hì hụi mấy đêm liền tới 2-3 giờ sáng mới xong. Ông Biên rà soát cẩn thận rồi chấp thuận sẽ đem ra thảo luận chung. Hôm Trưởng đoàn Việt Nam trình bày đề xuất, tôi thấy Trưởng đoàn Trung Quốc xem bản phương án, rút khăn lau mồ hôi trán, sau đó tuyên bố tạm nghỉ mấy hôm để phía bạn trao đổi nội bộ và báo cáo cấp trên. Bạn lại bố trí cho đoàn Việt Nam đi tham quan trong khi chờ đợi. Tôi thì lăn ra ốm vì lạnh và kiệt sức, phải đưa đi bệnh viện Nhân dân Bắc Kinh điều trị. Sau đó, hai đoàn tiếp tục làm việc cho tới khi ký được Biên bản thỏa thuận vào ngày 18-2-1974. Tôi nhớ mãi kỷ niệm về chuyến công tác ấy, càng quý trọng anh Đông Hải ở đức tính linh hoạt, nhạy bén và tin tưởng khích lệ sự tự tin, mạnh dạn đề xuất sáng kiến của cán bộ cấp dưới.

Mùa hè năm 1974, tôi lại được cùng anh Đông Hải và đoàn cán bộ quy hoạch của Tổng cục Hóa chất tháp tùng ông Nguyễn Văn Biên và lãnh đạo Tổng cục Hóa chất đi Đồ Sơn báo cáo Bộ Chính trị về kế hoạch phát triển ngành, trong đó có kế hoạch xây dựng 2 nhà máy lọc hóa dầu trong giai đoạn từ năm 1975-1985. Lần đó, tôi được gặp các vị lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam như các đồng chí Lê Duẩn, Trường Trinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh… Giữa buổi họp, tôi thấy đồng chí Lê Duẩn thân chinh ra tận cửa đón đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt từ miền Nam mới ra, với nụ cười hào sảng, thân tình.

Ông Biên báo cáo xong phần của mình, hội nghị giải lao. Khi tôi và anh Đông Hải đang thu xếp các biểu bảng, thì bất chợt Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến bên cạnh, cười hỏi: “Sao các cậu làm nhiều biểu bảng thế?”. Anh Đông Hải thật thà trả lời Đại tướng: “Chúng em chỉ sợ thiếu thông tin, không đầy đủ”.

Tối hôm đó anh còn kể chuyện, anh vừa cùng ông Biên đến thăm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thấy bữa tối của Thủ tướng chỉ có rau muống luộc, cá kho và bát canh. Cuộc sống đời thường của Thủ tướng thật là giản dị!

Ông Nguyễn Đông Hải chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng nghiệp tại buổi gặp mặt nhân Kỷ niệm 40 năm Thành lập Ban Dầu mỏ - Khí đốt Tổng cục Hóa chất (3-3-2012)

Ông Nguyễn Đông Hải chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng nghiệp tại buổi gặp mặt nhân Kỷ niệm 40 năm Thành lập Ban Dầu mỏ - Khí đốt Tổng cục Hóa chất (3-3-2012)

Năm 2010, tôi được mời tham gia nhóm tác giả viết “Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam”. Có lần tôi đến chơi nhà anh Đông Hải hỏi xem còn lưu tài liệu, hình ảnh trong thời gian ở Ban Dầu khí Tổng cục Hóa chất không. Anh hồ hởi: “Mình còn giữ mười mấy phương án lọc hóa dầu và các bản thảo tờ trình của cậu!”.

Đúng là hồi đó ông Nguyễn Văn Biên rèn chúng tôi viết đi, viết lại mười mấy lần dự thảo tờ trình. Ông nói ý định, nội dung văn bản cần trình bày để tôi chấp bút. Nhưng khi đem nộp, ông xem qua, khi thì bảo: “Thế này sơ sài quá, cần đầy đủ hơn”; khi lại nói: “Dài quá, các cụ làm gì có thời gian đọc”; lần khác lại nói: “Các cậu phải viết ngắn gọn, mà đầy đủ, dễ hiểu mới có sức thuyết phục!”. Phải mười mấy lần viết đi viết lại ông mới vừa ý. Nhưng từ đó, mỗi khi tôi mang bản thảo lên, ông xem qua rồi ký ngay không cần chỉnh sửa gì nữa.

Còn anh Đông Hải thì cực kỳ cẩn thận trong việc trình bày các phương án. Anh luôn đòi hỏi phải xem xét nhiều khía cạnh đa chiều, phản biện, lật đi lật lại vấn đề từ những chi tiết nhỏ. Tôi đã phải vẽ hàng chục phương án công nghệ của mỗi nhà máy lọc hóa dầu trong quy hoạch, rồi hai nhà máy kết hợp trong các kịch bản khác nhau. Tôi dần trở thành một cán bộ có tính kiên nhẫn, cẩn thận và tỉ mỉ hơn. Sau này, tuy đã trưởng thành, nhưng tôi không thể nào bắt chước được cách rèn quân của ông Nguyễn Văn Biên và anh Nguyễn Đông Hải. Nhưng tôi học được phương pháp tư duy và tính cẩn trọng của hai vị thủ trưởng đầu đời công tác của mình.

Song song với dự án lọc hóa dầu, anh Đông Hải tổ chức một loạt công việc trong khi xây dựng tổ chức và đội ngũ nhân lực của Ban Dầu khí, mà hồi đó hay nói theo thuật ngữ quân đội là “vừa chạy vừa xếp hàng”, như: Nghiên cứu khai thác và sử dụng khí tầng nông ở Giao Thủy, tham gia phục hồi Nhà máy Đạm Hà Bắc, sản xuất thử mỡ bôi trơn đang thiếu trầm trọng…

Chú trọng đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ

Trong hoàn cảnh mới thành lập của Ban Dầu khí, phần đông các kỹ sư, phó tiến sĩ của ban mới qua đào tạo cơ bản về lý thuyết và thực tập ở các cơ sở sản xuất ở các nước Đông Âu theo phương thức kiến tập, chưa kinh qua trực tiếp sản xuất, thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Đây là tình trạng chung của tất cả các ngành lúc đó.

Tháng 2-1972, Ban Dầu khí cử 2 kỹ sư công nghệ lọc hóa dầu (Nguyễn Văn Vượng, Ngô Dương Hùng) và 2 kỹ sư thiết bị dầu khí (Nguyễn Xuân Nhậm, Bùi Đức Chiêm) trở lại Rumani thực tập làm việc trong nhà máy lọc dầu và cơ sở khai thác dầu khí, nhà máy chế tạo thiết bị.

Đồng thời, cũng trong tháng 2-1972, Ban Dầu khí cử đoàn 5 kỹ sư (Lê Hữu Lạp, Vũ Trọng Đức, Đỗ Văn Hà, Lương Thanh Chúc, Lê Quang Vinh) đi học tiếng Pháp, rồi tháng 4-1972 sang Algieri thực tập, làm việc trong các cơ sở của Công ty Dầu khí Quốc gia Sonatrach. Ông Nguyễn Văn Biên và anh Đông Hải gặp mặt đoàn trước khi lên đường, dặn dò mọi người, ngoài việc thực tập chuyên môn nghiệp vụ, phải tìm hiểu, học hỏi, thu thập tài liệu về các mặt hoạt động của một công ty dầu lửa quốc gia để sau này rút kinh nghiệm thực tế. Lúc đó, anh Đông Hải có trong danh sách đi thực tập ở Algieri, tôi có trong danh sách đi thực tập ở Rumani, nhưng Tổng cục Hóa chất giữ hai chúng tôi lại để triển khai công việc ở trong nước.

Giai đoạn cuối những năm 70 của thế kỷ XX và những năm 80, Tổng cục Dầu khí cử nhiều cán bộ đi thực tập nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ ở nước ngoài, bổ sung cho kinh nghiệm thực tiễn ở trong nước. Chính vì vậy mà ngành Dầu khí nước ta có đội ngũ nhân lực có năng lực ngang tầm khu vực, tự đảm nhận được công việc, ít phải thuê chuyên gia và cố vấn nước ngoài.

Tôi luôn coi anh Đông Hải là người anh, người thầy đã truyền kiến thức nghề nghiệp và cuộc sống, truyền cảm hứng, động lực cho tôi vươn lên trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Ấm áp tình đồng nghiệp trong hoàn cảnh chiến tranh năm

1971-1972, anh Đông Hải vừa phải lo chiêu quân, tổ chức và hướng dẫn anh em triển khai công việc, vừa phải đôn đáo đi liên hệ, lo sắp xếp chỗ làm việc, ăn ở cho mọi người.

Từ tháng 10-1971, chúng tôi được Văn phòng bố trí ở tại cơ sở sơ tán của Nhà máy Cao su Sao Vàng tại số 3B Đặng Thái Thân, Hà Nội. Cái “chuồng cu” trên mái nhà xưởng vừa là chỗ ở, vừa là nơi làm việc ban đầu. Khi 2 đội thực tập sinh từ Rumani về nước, một số chị em ở tại Khu tập thể Hóa chất ở đường Hoàng Hoa Thám. Trong năm 1972, sau khi Ban Dầu khí được thành lập, lực lượng mà anh Hải tập hợp được đã lên tới gần 50 người. Văn phòng sắp xếp được một số phòng làm việc tại 1A Tràng Tiền. Không có đủ chỗ ở, một số anh em kỹ sư phải ngủ tạm ngay trên bàn làm việc. Anh Đông Hải vừa động viên mọi người khắc phục khó khăn, vừa tìm mọi cách vận động, thậm chí đấu tranh để có được diện tích làm việc phù hợp cho cơ quan mới, sinh sau đẻ muộn, trong khi các đơn vị lão làng cũng còn đang thiếu thốn.

Sự sôi nổi, nhiệt tình quan tâm tới mọi người của anh làm cho không khí và tình cảm đồng nghiệp trong tập thể thêm đầm ấm. Chị Trần Thị Hồng hay nhắc lại kỷ niệm được anh chị em trong Ban Dầu khí hết lòng giúp đỡ nơi ăn ở trong lúc mới sinh con mà chồng lại công tác ở xa. Các đồng nghiệp thỉnh thoảng gặp mặt, ai cũng hồ hởi và cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm thân thương của một thời xa nhớ.

Sau khi Tổng cục Dầu khí được thành lập tháng 9-1975, anh Nguyễn Đông Hải làm Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Kỹ thuật và Hợp tác quốc tế, tôi được phân công công tác ở Cục Xây dựng cơ bản. Các anh chị em khác làm việc trong các cơ quan và đơn vị trong Tổng cục Dầu khí, một số ở lại Tổng cục Hóa chất. Tuy làm việc ở lĩnh vực khác nhau và cả khi anh đã chuyển sang các cơ quan bên ngoài ngành Dầu khí, nhưng mỗi lần gặp nhau, lại có dịp tâm tình, anh em vẫn thân thiết như xưa.

Trong buổi gặp mặt năm 2012 nhân kỷ niệm 40 năm Ban Dầu khí của Tổng cục Hóa chất tại Hà Nội, anh Đông Hải rất xúc động mà vẫn sôi nổi như ngày nào làm việc cùng nhau ở 1A Tràng Tiền. Anh tự hào thấy đội ngũ cán bộ của mình, người đã trở thành Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, người đã kinh qua là giám đốc các công ty thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trưởng phó các ban cơ quan của Tập đoàn, các chuyên gia đầu ngành trong từng lĩnh vực. Mọi người đều đã nghỉ hưu, sinh sống ở mọi miền đất nước, nhưng vẫn giữ được tình cảm nồng ấm, thân thương, cùng với những kỷ niệm không bao giờ quên. Anh cảm tác mấy dòng thơ:

“Từ bốn phương về đây sum vầy,

Như đàn chim không mỏi cánh bay.

Ban ta đây, hào hùng một thuở,

Chung sức một đời cho dầu khí hôm nay”…

Khi đã nghỉ hưu, thỉnh thoảng ra Hà Nội, tôi thường đến thăm anh. Mỗi lần gặp nhau, anh lại hỏi han tình hình gia đình tôi, vợ con dạo này thế nào, có gì khó khăn không? Có lúc anh tâm sự về những khúc quanh của cuộc đời, động viên tôi cố gắng vượt qua thử thách và tin vào những điều tốt lành, sẽ có hậu.

Tôi luôn coi anh Đông Hải là người anh, người thầy đã truyền kiến thức nghề nghiệp và cuộc sống, truyền cảm hứng, động lực cho tôi vươn lên trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhớ về anh Đông Hải, tình cảm anh em thật ấm lòng.

Mọi người làm ở Ban Dầu khí của Tổng cục Hóa chất tại Hà Nội đều đã nghỉ hưu, sinh sống ở mọi miền đất nước, nhưng vẫn giữ được tình cảm nồng ấm, thân thương, cùng với những kỷ niệm không bao giờ quên.

Bỳ Văn Tứ

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/nho-anh-nguyen-dong-hai-voi-nhung-ky-niem-o-ban-dau-khi-ky-2-725578.html
Zalo