Nhịp đàn ở ghềnh Đá Đĩa
Những thanh âm trong vắt của đá được tấu lên rộn rã, hòa nhịp với tiếng sóng dội vào bờ từ biển cả. Sự hòa thanh của nhạc khí trong dòng bảo vật quốc gia với sóng biển ở danh thắng quốc gia càng làm tăng thêm giá trị hiện thực của các di sản.
Tiếng đàn đá triệu năm
Ghềnh Đá Đĩa là một danh thắng nổi tiếng ở Tuy An (Phú Yên), nơi mà tuyệt tác kỳ vĩ của đá mà tạo hóa ban tặng cho mảnh đất này và trở thành viên ngọc quý của ngành du lịch Phú Yên. Những khối đá bazan hình thành cách đây khoảng 200 triệu năm bên sóng biển rì rào suốt đêm ngày tạo nên một thế giới đá, mênh mang đá, điệp trùng đá, vĩ đại đá, dằng dặc đá với những khối vân đá kỳ lạ và tinh xảo như có bàn tay của con người sắp xếp cực kỳ hoành tráng.
Nhiều năm qua, Ghềnh Đá Đĩa là một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở Nam Trung Bộ, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến thăm. Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều người còn bất ngờ hơn khi được lắng nghe những tiếng đàn đá trên ghềnh đá triệu năm ở nơi này. Trong bóng mát của lối đi xuống Ghềnh Đá Đĩa di sản, văng vẳng tiếng đàn đá độc tấu hay hòa tấu ở nhiều thể loại nhạc khác nhau. Tiếng đàn đá lúc trầm bổng, lúc réo rắt mênh mang, khi rộn ràng náo động hòa cùng âm thanh hiện đại khiến người nghe thích thú đến mê mẩn.
Mỗi thanh đá phát ra các âm sắc, thang âm hòa trong giai điệu thánh thót, du dương. Âm thanh của đàn đá khi được gõ lên, người nghe cảm nhận được sự kết nối giữa hiện tại và quá khứ, của bản sắc và hiện đại, của tâm tình xứ Nẫu hòa cùng sự tuyệt vời của sóng, gió và đá. Những thanh âm trong vắt của đá được tấu lên rộn rã hòa nhịp với tiếng sóng dội vào bờ từ biển cả. Người biểu diễn không phải là nhạc sĩ, nhạc công hay nghệ nhân mà chính từ các cô gái là nhân viên phục vụ du khách ở không gian văn hóa Hồn Xưa. Những thanh đá được sắp xếp thứ tự theo đúng thang âm của một bộ đàn đá, du khách có thể trải nghiệm gõ đàn đá và tìm hiểu về văn hóa đá đặc trưng của vùng đất có bề dày trầm tích này.
Chị Trần Minh Ngọc, một du khách đến từ Hà Nội không khỏi ngỡ ngàng và thích thú khi lần đầu tiên được chứng kiến nghệ sĩ chơi đàn đá: “Lần đầu tiên tôi được thấy nghệ sĩ chơi đàn đá trực tiếp. Lâu nay tôi cứ nghĩ đàn đá chỉ có thể chơi được những bài nhạc cổ, nhạc lễ. Không ngờ có thể chơi được tất cả các bản nhạc và kết hợp với âm nhạc hiện đại. Lần đầu tiên tôi được cầm hai chiếc búa gõ vào đá, phát ra những âm thanh cảm thấy rất thú vị”.
Âm vang của đá đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Ghềnh Đá Đĩa ở Phú Yên.
Trong không gian trưng bày của không gian văn hóa Hồn Xưa, gần 20 bộ đàn đá được kỳ công xếp đặt, để tấu lên những vọng âm của đá gửi tới từng người khi đến với Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa này. Những cô gái trẻ mang trên mình trang phục của người Chăm Hroi, người Ba Na ở mảnh đất Phú Yên này biểu diễn một cách thuần thục những bản nhạc từ đàn đá theo yêu cầu của du khách.
Những bài hát truyền thống cách mạng như: Cô gái vót chông, Tiếng đàn Ta lư, Cô gái Pako, Bài ca nữ tự vệ Sài Gòn, Sông Đăkrông mùa xuân về, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh và những bài hát về quê hương Phú Yên được các cô gái biểu diễn một cách thuần thục. Phạm Thị Mỹ Linh, cô gái trẻ biểu diễn đàn đá tại đây cho biết, để biểu diễn được bộ đàn đá phải học và tập luyện nhiều tháng trời. Để biểu diễn hay và có hồn, cần đến 6 tháng học hỏi từ các nghệ sĩ đi trước. Ngoài ra, phải có đam mê và hòa mình vào âm thanh của đàn đá.
Tương tự như Mỹ Linh, một cô gái trẻ khác là Nguyễn Thị Ngọc Hiền cũng chia sẻ, đàn đá là nhạc cụ độc đáo không giống với bất cứ loại nhạc cụ cổ điển và hiện đại nào. Để chơi được đàn đá, ngoài việc có năng khiếu, được học tập bài bản thì cần có niềm yêu thích đặc biệt. Ngọc Hiền mong muốn ngày càng có nhiều du khách biết đến nghệ thuật đàn đá để những người trẻ như Hiền có thể biểu diễn phục vụ không chỉ tại Ghềnh Đá Đĩa mà còn ở nhiều địa điểm du lịch và không gian văn hóa nghệ thuật khác. Những người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tuy An, tỉnh Phú Yên đã và đang cố gắng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đá theo những cách riêng.
Qua bàn tay chế tác của con người, những thanh đá tưởng như vô tri đã ngân lên âm thanh trong trẻo; có bộ đủ 12 thanh, có bộ 20 thanh có quãng âm rộng, trầm bổng ở nhiều sắc thái khác nhau. Âm vang của đá đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Phú Yên. Giá trị văn hóa của đàn đá đã được khẳng định theo thời gian. Tiếng đàn đá Phú Yên đã được gần xa biết đến, không chỉ du khách đến tận mắt nghe xem, mà còn lan nhanh trong và ngoài nước. Những phiến đá huyền bí làm sống lại ký ức trong lòng mỗi người, trong bức tranh tuyệt vời của sóng, gió và đá.
Thanh âm từ quá khứ
Cũng giống như đàn đá Khánh Sơn (Khánh Hòa), đàn đá ở Ghềnh Đá Đĩa được gọi là đàn đá Tuy An. Năm 1990, ở huyện Tuy An, một người dân phát hiện một bộ đàn đá cổ được xác định niên đại khoảng 2.500 năm. Đến năm 1992, người dân này đã trao bộ đàn đá cổ cho Bảo tàng Phú Yên. Ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng Phú Yên cho biết, chính quyền tỉnh Phú Yên đã lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận bộ đàn đá cổ này là Bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, do thiếu tiêu chí về việc chứng minh chủ thể, bộ đàn đá chưa được công nhận.
Cùng với bộ đàn đá cổ có niên đại 2.500 năm này, ở Tuy An cũng xuất hiện nhiều bộ đàn đá với những thanh đá tự nhiên không qua chế tác. Các nhà nghiên cứu cũng đánh giá, đàn đá Tuy An là một bộ phận quan trọng trong bộ sưu tập đàn đá của Việt Nam. Đặc biệt, đàn đá Tuy An có tính vượt trội bởi còn đủ bộ nguyên vẹn và có thang âm hoàn chỉnh nhất từ khi công bố cho đến thời điểm hiện nay.
Đàn đá Tuy An có khả năng diễn tấu một số bài dân ca, dân nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, còn có thể phối hợp với các nhạc cụ khác trình diễn những ca khúc hiện đại. Hiện nay, nghệ thuật đàn đá được đưa vào biểu diễn tại các điểm di tích, du lịch tại Phú Yên như Ghềnh Đá Đĩa, Di tích Quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn, hay trong các chương trình nghệ thuật cộng đồng đã không chỉ thu hút du khách mà còn phát huy giá trị của đàn đá Tuy An. Tại không gian văn hóa hồn xưa ở Ghềnh Đá Đĩa, trong 20 bộ đàn đá thì có 2 bộ đàn đá mỗi bộ 19 thanh hoàn toàn bằng đá tự nhiên, không qua chế tác, ghè đẽo; có thể trình tấu được những giai điệu trong trẻo, du dương của đá.
Hơn 10 năm trước, anh Nguyễn Minh Nghiệp (sinh năm 1978, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) được coi như “vua đàn đá” ở địa phương này. Anh Nghiệp xuất phát từ niềm đam mê với đàn đá, đã dày công tìm kiếm, sưu tầm tại các vùng núi huyện Tuy An để tạo nên các bộ đàn đá với đầy đủ nốt nhạc. Sau đó, anh chế tác thêm để các viên đá tạo nên những âm thanh chuẩn nhất. Đến đầu năm 2017, anh Nghiệp đưa những bộ đàn đá vào các điểm du lịch nổi tiếng của Phú Yên như tại Ghềnh Đá Đĩa để du khách trải nghiệm. Sau đó, anh tiếp tục đào tạo, hướng dẫn cho các bạn trẻ có thể sử dụng thành thạo và biểu diễn đàn đá phục vụ du khách.
Anh Nghiệp cho biết: “Có rất nhiều người tìm đến và trả giá rất cao cho những bộ đàn đá này. Nhưng dù họ có trả giá cao bao nhiêu tôi cũng không bán vì bán đi thì đàn đá Phú Yên không còn đặc biệt nữa. Tôi muốn giữ nét đặc trưng và độc đáo của đàn đá Phú Yên với thanh âm chuẩn mà ít nơi có được”.
Dày công sưu tầm, đến nay anh Nghiệp đã có được hơn 20 bộ đàn đá, mỗi bộ có từ 19-42 thanh, kích cỡ khác nhau, được trưng bày để du khách trải nghiệm. Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên để nhiều người biết đến bộ đàn đá cổ Phú Yên thì sự tìm tòi học hỏi, tham gia biểu diễn đàn đá tại các điểm du lịch của các bạn trẻ cũng góp phần phát huy giá trị của đàn đá để nhiều người từ khắp nơi biết tới.
Ở không gian này không chỉ trưng bày và biểu diễn đàn đá, một nét văn hóa đặc sắc riêng có, mà còn giới thiệu đến du khách nhiều bộ sưu tập hiện vật với nhiều chủ đề khác nhau về văn hóa, lịch sử và văn hóa đời sống của vùng đất, con người Phú Yên. Nơi này lưu giữ và trưng bày những chiếc lu, chum ché, là sản phẩm độc bản của dòng gốm Quảng Đức nổi tiếng ở vùng đất Tuy An những thế kỷ trước. Cùng với đó là bộ sưu tập nhạc cụ của đồng bào các dân tộc anh em ở các huyện miền núi như: Trống đôi, cồng ba, chiêng năm (Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia), các vật dụng trong đời sống sinh hoạt của người đồng bào như nồi đồng, chảo đồng, chiêng, ché, gùi, cối giã hay những bộ trang phục truyền thống.
Những thanh đá được xếp thành dàn như những bộ đàn đá nổi tiếng. Những chum ché, cồng chiêng, bếp lửa được bố trí trong không gian nhà sàn truyền thống của người Ba Na, Êđê, Chăm, cả nghìn chiếc cối xay chất chồng thành núi... Các vật thể văn hóa của người xưa đang được lưu giữ, trưng bày mang đến nhiều thông điệp cho người xem. Nhiều du khách khi dừng chân tại không gian này như tìm về kỷ niệm xưa qua những vật dụng quen thuộc của làng quê bình yên đang mất dần trong đời sống hiện đại.
Những người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tuy An, tỉnh Phú Yên như anh Nghiệp, các bạn trẻ như Mỹ Linh, Ngọc Hiền và nhiều người khác đã và đang cố gắng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đá theo những cách riêng. Qua bàn tay con người, những thanh đá tưởng như vô tri đã ngân lên âm thanh trong trẻo. Âm vang của đá đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Phú Yên, văn hóa của đàn đá đã được khẳng định theo thời gian.