Nhìn trời thấy hiện dòng sông
Đọc thơ Quang Chuyền nhận ra ông là con người thủy chung. 'Nhìn trời thấy hiện dòng sông / Ngắm sao gặp dáng thần nông của làng', (Người quê)...
1.Mùa xuân này, nhà thơ Quang Chuyền (tên thật là Trần Quang Chuyền) bước vào tuổi tám mươi. Kỷ niệm bước vào bát thập, ông đã làm một “tổng duyệt” thơ, bằng việc ra tuyển tập có tên là Quang Chuyền, thơ và đời, gồm 279 bài thơ.
Như vậy, khi đã ngoài 60, Quang Chuyền sáng tác sung mãn nhất; hoặc những bài thơ ở giai đoạn này, ông ưng ý nhất. Tôi đã từng được Quang Chuyền tặng 5 tập thơ (trong đó có Viết vào năm tháng song ngữ Việt Anh), đều sáng tác vào giai đoạn này. Đúng là "gừng càng già càng cay".
Ngay từ những ngày học phổ thông Quang Chuyền đã có thơ in báo. Năm 1968 đã Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã đăng thơ ông. Thời đó, được đăng thơ trên tạp chí này thật “không phải dạng vừa đâu”.
Do sẵn năng khiếu thơ văn, năm 1966, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Việt Bắc, Quang Chuyền được nhận về làm phóng viên cho Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc. Thời điểm này, chiến tranh ngày càng diễn ra khốc liệt. Sau 7 lần viết đơn xin nhập ngũ, kể cả viết đơn bằng máu của mình, năm 1968, Quang Chuyền trở thành lính ở Trung đoàn thông tin 132, có nhiệm vụ xây dựng đường dây thông tin liên lạc từ Bắc vào Nam. 2 năm sau ông được điều về Phòng Chính trị Binh chủng Thông tin liên lạc làm công tác tuyên truyền và sáng tác.
Từ năm 1972, bàn chân người lính thông tin Trần Quang Chuyền đã xuyên Trường Sơn, tham gia đoàn quân cho đến ngày đất nước thống nhất. Những ngày “máu và hoa ấy”, tiếng thơ Quang Chuyền cất lên tinh thần chiến thắng. “Hóa ra, Trường Sơn là cái nôi dinh dưỡng tạo ra những nhà thơ, nhà văn”, (Nguyễn Thụy Kha). Quang Chuyền là nhà thơ thuộc thế hệ nhà thơ chống Mỹ.
Cho đến nay, nhà thơ Quang Chuyền đã xuất bản 17 tác phẩm, lâu nhất là “Khoảng cuối mùa thu”, (thơ, 1999). Ông cũng đã có nhiều thành tựu văn chương, có thể kể đến “Giải ba cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội”, “Giải Nhì thơ Binh chủng Thông tin Bộ Quốc phòng”; “Giải ba viết về Giao thông vận tải” do Hội nhà văn Việt Nam và Bộ GTVT đồng tổ chức năm 2015; Hội Nhà Văn TP. Hồ Chí Minh tặng thưởng cho tập thơ “Tiếng vọng dòng sông”, năm 2013.
Nhà thơ Quang Chuyền sinh vào mùa thu Cách mạng tháng Tám, tại xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay nhà thơ Quang Chuyền cùng gia đình sống tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
2.Trong tâm hồn bất cứ nhà thơ Việt Nam nào cũng vậy, quê là mẹ và ngược lại. “Tôi có một dòng trong kỷ niệm / Uống nước sông Lô từ lúc lọt lòng / Phù sa bến Tuần pha trong máu / Cho tôi một đời gạn đục khơi trong”. Đây là bốn câu thơ trong bài thơ tứ tuyệt Dòng sông kỷ niệm của nhà thơ Quang Chuyền. Đọc bài thơ, biết ông sinh ra và lớn lên bên dòng sông Lô.
Sông Lô, dòng sông của lịch sử và văn hóa. Con sông này, được ví như một “con rồng xanh” ưu tư. Nhắc đến Lô giang, hẳn ai cũng nhớ Trường ca sông Lô của cố nhạc sỹ Văn Cao. Quang Chuyền đã từng “Uống nước sông Lô từ lúc lọt lòng”.
Dẫu nửa thế kỷ lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng Quang Chuyền vẫn là con người “quê kiểng”. Chính ông tự họa: “Ta là một gã nhà quê / Bước đời không định lạc về phố đông / Bữa ăn thường thích cua đồng / Dưa chua, tương mặn, cải ngồng bãi soi”; “Chẳng phải núi, chẳng là sông / Tôi là gió thổi từ đồng đất quê”, (Tự họa). Chính vì thế, mảng thơ về quê hương Vĩnh Phúc, về người thân khá có “diện mạo”, cảm xúc lắng đọng.
Đọc thơ Quang Chuyền nhận ra ông là con người thủy chung. “Nhìn trời thấy hiện dòng sông / Ngắm sao gặp dáng thần nông của làng”, (Người quê). Quê hương, đúng là mỗi người chỉ một, dẫu bây giờ xã Sơn Động – nơi “chôn nhau cắt rốn” của ông đã khác xưa rất nhiều nó vẫn luôn là khoảng trời thương nhớ. “Quê nhà mỗi lúc khác quê / Chờ con, vuông đất, bờ tre, xóm giềng / Con đi gìn giữ đường biên / Núi sông lòng mẹ nối liền về con”, (Nhà mẹ có con đi xa)
Trong tâm hồn bất cứ nhà thơ Việt Nam nào cũng vậy, quê là mẹ và ngược lại. Mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi con lớn khôn. Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất của tình cảm con người. Quang Chuyền nhớ về quê, nhớ về mẹ với biết bao day dứt ân nghĩa sinh thành: “Mẹ ơi tết đến vui con cháu / Con ngước trời mây chợt lạnh lòng / Một đời sông mẹ trôi ghềnh thác / Chưa một mùa vui gặp khúc trong”, (Ngày xuân nhớ mẹ). Hẳn nhiên, day dứt nghĩa hiếu là tiếng lòng chung của mọi đứa con. Với người trọng tình nghĩa như Quang Chuyền, quê hương, bố mẹ luôn là cảm xúc ám ảnh: “Cha vác xá cày mẹ gồng gánh lúa / Trọn đời người hắt bóng lệch đường thôn”, (Từ đường làng bước sang đại lộ).
Là người lính đi qua chiến tranh, Quang Chuyền vẫn tiếp tục với đề tài hậu chiến. “Bạn bè khuất bóng chiến tranh / Người vào cõi lão, người thành dáng mây”…”, “Nhang trầm thơm thoảng tiếng ơi / Gọi nhau để nhớ cuộc đời còn nhau”, (Trong khói nhang bay). Bài thơ này, Quang Chuyền viết đúng vào ngày 30/4/2015, khi cả dân tộc kỷ niệm 40 năm Ngày Thống nhất non sông. Nhà thơ Quang Chuyền, không ít lần trở lại chiến trường xưa, tìm đồng đội.
“Ở đây chôn dấu tháng ngày / Chân dầm trong nước, mây bay trắng đầu / Ở đây vùi lấp niềm đau / Xác người, xác đất trong nhau ngập chìm", (Tìm trong rừng đước)
Hiểu được sự khốc liệt của chiến tranh, mới biết nâng niu những giá trị của hòa bình. Thơ của những nhà thơ từng mặc áo lính như nhà thơ Quang Chuyền luôn có ý nghĩa thông điệp.
Mặc dù tuổi đã cao, thế nhưng, với người làm thơ, cuộc đời luôn bám lấy họ, dằn vặt trái tim họ. Nhà thơ hơn ai hết được sở hữu sư cô đơn, kể cả nỗi đau. Quang Chuyền không ngoại lệ. Chính vì thế, ông vẫn tiếp tục viết mảng thơ thế sự. “Với tay vào nắng xế chiều / Chợt nghe trong nắng rất nhiều lạnh mưa”, (Chạm tay xé lịch).
Thơ Quang Chuyền dung dị, thủ thỉ đầy cảm thông, chia sẻ với thân phận người từ quê ra phố mưu sinh, lầm lụi. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng nhận xét những câu thơ của Quang Chuyền vang lên chứa đựng một vẻ đẹp u huyền.
3.Thơ Quang Chuyền đa dạng đề tài, bao trùm vẫn là thơ trữ tình, đằm thắm về quê hương đất nước. Ông viết nhiều thể loại, nhưng thành công nhất là lục bát, nhất là khi ông viết về quê hương. “Các bài thơ lục bát trong tuyển tập thơ như những cơn mơ đẹp đẽ, da diết và dày vò”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng nhận xét. Trong tuyển tập Quang Chuyền thơ và đời có 114 bài lục bát, chiếm gần 41%.
“Lắng vào ký ức nơi quê / Thẳm nghe tiếng cỏ nhắc về chuyện xưa / Bên sông khuất vắng người chờ / Dòng sông như thiếu một bờ… là tôi”, (Dòng sông một bờ). Bài thơ này nhà thơ Quang Chuyền sáng tác trong một lần trở lại quê nhà. Thường viết về quê hương, người thân, ông sử dụng thể thơ lục bát. Đó là một sự “khôn ngoan”.
Quang Chuyền kể rằng, mối tình đầu của ông chính là mối tình duy nhất. Thuở đi học Sư phạm, Quang Chuyền quen rồi yêu người bạn học, quê Tuyên Quang. Mối tình mơ mộng ấy kéo dài mấy năm. Oái oăm là gần đến ngày cưới thì chị chẳng may gặp tai biến, ảnh hưởng nặng đến sức khỏe. Nhiều người lo ngại cho Quang Chuyền, bản thân ông cũng suy nghĩ rất nhiều.
Sau nhiều thao thức, trăn trở, ông thuyết phục mẹ: “Con gái có thì, người ta đã bao năm chờ đợi, nay chẳng may gặp tai ương sao đành rời bỏ? Đạo lí, tình nghĩa để đâu, nếu bỏ họ?". Người mẹ ái ngại, cũng là vì tâm lý nước mắt chảy xuôi truyền thống. Quyết tâm của ông được đơn vị, gia đình, họ hàng ủng hộ. Đám cưới được tổ chức ngay khi sức khỏe người yêu dần dần hồi phục.
Sau khi xây dựng gia đình, sức khỏe của vợ ông khá lên. Bà đã sinh cho ông ba người con, hai trai một gái, các cháu trưởng thành có công ăn việc làm ổn định và hiện đã “con đàn cháu đống”. Ông trời luôn có mắt, như lời cổ nhân. Chuyện tình của ông bà, cho đến bây giờ vẫn là một giá trị, của đạo thủy chung.
Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh nhà thơ Quang Chuyền khi ông gặp ở TP. Hồ Chí Minh. Giữa phố xá gấp gáp ông an nhiên như lá, xanh đấy, nhưng khiêm nhường. Nhìn ông, cảm nhận bình yên của trung du.