Nhìn thẳng vấn đề sữa giả, thuốc giả

Ai cũng có thể phẫn nộ trước thuốc giả, sữa giả nhưng liệu chúng ta đã chung tay hành động để khắc phục hay chưa?

Báo Người Lao Động có cuộc trao đổi thẳng thắn với PGS-TS-DS Phạm Khánh Phong Lan - Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM - xung quanh vấn đề nóng hiện nay là các vụ thuốc giả, sữa giả hay thực phẩm giả khiến người dân hoang mang.

* Phóng viên: Thưa bà, vì sao những vụ việc gần đây đều do cơ quan công an phát hiện chứ không phải là lực lượng chuyên ngành?

- Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Thực sự những vụ việc gần đây là công bố bước đầu của công an, để vụ việc đi đến hồi kết còn trải qua quá trình dài, khi ra tòa nhiều khi vẫn còn tình tiết bất ngờ.

Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN

Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN

Tuy nhiên, nhìn nhận vào thực trạng 2 ngành thuốc, thực phẩm sẽ thấy rằng kiểm tra chuyên ngành có nhiều hạn chế. Ví dụ, kiểm tra định kỳ phải báo trước và như vậy cơ sở được kiểm tra sẽ có sự chuẩn bị để đối phó. Ngay cả kiểm tra đột xuất, các đoàn cũng chỉ được kiểm tra trong phạm vi đã cấp phép, không được kiểm tra nhà. Thường nhà thuốc sẽ kinh doanh bên dưới mặt tiền, thuốc giả giấu ở khu vực sinh hoạt của gia đình thì thanh tra chuyên ngành không làm gì được.

Thường các đối tượng làm hàng giả hoặc bỏ chất này, chất kia vào thực phẩm sẽ chủ động che giấu hành vi, sản xuất ở nơi kín đáo, bảo vệ nghiêm ngặt nên phải có nghiệp vụ mới phát hiện được.

Để bắt được những vụ này, thanh tra chuyên ngành cần có thông tin từ người dân hoặc chính nhân viên của cơ sở, thông tin từ điều tra của báo chí hỗ trợ. Còn cơ quan công an có nghiệp vụ điều tra nên thuận lợi hơn trong việc phát hiện những vụ việc có tính chất phức tạp như vậy.

* Theo bà, đâu là nguyên nhân khiến tình trạng thuốc giả, thực phẩm giả và mất an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp như vậy?

- Thực tế, Việt Nam có nền sản xuất nhỏ lẻ với số lượng người tham gia đông đảo, số lượng thực phẩm quá nhiều. Từ khi Nghị định 15/2018 có hiệu lực từ tháng 2-2018 chuyển đổi phương thức quản lý thực phẩm từ tiền kiểm sang hậu kiểm; điều này giúp đơn giản thủ tục cho các cơ sở sản xuất, bớt phiền hà thủ tục, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà sản xuất.

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống TP HCM. Ảnh: NGỌC ÁNH

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống TP HCM. Ảnh: NGỌC ÁNH

Ưu điểm của hình thức quản lý này thì ai cũng thấy rõ nhưng mặt trái ít người để ý. Theo thống kê của chúng tôi, từ tháng 2-2018 đến nay, TP HCM có gần 300.000 hồ sơ công bố thực phẩm. Đây là một con số khổng lồ nên xác suất để những hồ sơ này hậu kiểm là rất thấp. Đây có thể xem là một lỗ hổng, để các đối tượng làm ăn bất chính lợi dụng.

Ngay cả với thuốc, Việt Nam cấp phép khá dễ. Singapore có 1.200 hoạt chất dược học, có 10.000 số đăng ký thuốc; Việt Nam chỉ có 800 hoạt chất mà tới 22.000 số đăng ký thuốc. Với thuốc nhập khẩu, Việt Nam cho nhập dễ, không chỉ nhập từ những nước có nền y tế phát triển mà nhập khắp nơi và chỉ kiểm tra qua giấy tờ. Số lượng sản phẩm quá nhiều, thành phần na ná nhau sẽ gây khó khăn cho quản lý vì sẽ phải quản lý theo từng sản phẩm.

* Tình hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại TP HCM như thế nào, thưa bà?

- Chúng tôi cũng gặp những khó khăn chung như các địa phương khác nhưng lợi thế hơn vì chỉ có một đầu mối. Ví dụ như mặt hàng sữa, ở những nơi khác sữa nguyên liệu ngành nông nghiệp quản, sữa chế biến thông thường ngành công thương quản, sữa bổ sung vi chất thì y tế quản. Còn ở TP HCM, tất cả đều do Sở An toàn thực phẩm TP HCM quản lý.

Chúng tôi đang triển khai tổng kiểm tra ngành hàng sữa với các nội dung như: hồ sơ pháp lý, điều kiện cơ sở sản xuất, điều kiện con người, hồ sơ quảng cáo và sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu về chất lượng cũng như an toàn thực phẩm.

* Bà có cho rằng chế tài xử phạt với các hành vi sản xuất thực phẩm giả, kém chất lượng, mất an toàn thực phẩm đã đủ răn đe?

- Trước đây, xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm còn thấp nhưng hiện tại theo tôi đã đủ mạnh. Mới đây, chúng tôi phát hiện một vụ cơ sở dùng nguyên liệu là sô-cô-la hết hạn từ tháng 2-2025, giá trị lô hàng lớn nên đề xuất phạt đến 2 tỉ đồng.

Vấn đề là phải đầu tư cho công tác phát hiện, xử lý vi phạm nhưng nhân lực quản lý an toàn thực phẩm thì co dần. Ngoài ra, kinh phí cho công tác đánh giá nguy cơ và kiểm tra an toàn thực phẩm chưa đáp ứng nhu cầu. Chúng tôi vẫn nhớ có năm bắt được một lô hơn 20 tấn thực phẩm bẩn. Tuy nhiên, hồ sơ xử lý phức tạp, kéo dài và kinh phí lớn do chủ lô hàng bỏ trốn. Kết quả, chỉ riêng vụ này đã tiêu sạch toàn bộ số tiền dự toán cả năm nên phải đề xuất xin kinh phí bổ sung.

* Đâu là giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng thuốc và thực phẩm giả, dỏm trên thị trường?

- Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận đây là vấn đề khó, không thể giải quyết một sớm một chiều nhưng phải hành động ngay. Từ thực trạng như tôi đã nêu, các giải pháp sẽ chia 3 nhóm: quản lý nhà nước, người sản xuất - kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.

Chúng ta không cần học tập đâu xa, có thể học từ chính các chuỗi sản xuất thực phẩm xuất khẩu. Những năm gần đây, xuất khẩu nông sản - thực phẩm của Việt Nam tăng trưởng rất mạnh, trong đó bao gồm xuất khẩu sang những thị trường khó tính, đòi hỏi khắt khe cả về chất lượng và an toàn thực phẩm như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... Các nước nhập khẩu chỉ quản lý một đầu mối chịu trách nhiệm, còn đầu mối đó sẽ phải quản lý nội bộ. Thời gian đầu, các DN xuất khẩu kêu ca rất nhiều nhưng rồi hầu hết đều làm được, không chỉ giữ mà còn mở rộng thị trường.

Người sản xuất - kinh doanh thực phẩm cần được tạo điều kiện để sản xuất, kinh doanh lớn, hỗ trợ phát triển kênh phân phối hiện đại. Thực tế, việc quản lý một siêu thị hàng trăm ngàn sản phẩm sẽ dễ hơn nhiều so với quản lý 100 tiểu thương kinh doanh vài ngàn sản phẩm.

Về quản lý nhà nước, khi nói quan tâm đến an toàn thực phẩm cần phải đầu tư nhiều hơn về con người, phương tiện và kinh phí để thực hiện giám sát, nâng cao chất lượng thực phẩm.

Về phía người tiêu dùng, tôi đã nhiều lần kêu gọi sự chung tay hành động vì quyền lợi của chính bản thân. Người tiêu dùng muốn mua thực phẩm an toàn hãy mua ở những nơi có sự quản lý, kiểm soát; không thể bạ đâu mua đó. Giá thực phẩm ở siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống có thể cao hơn chợ chồm hổm nhưng an toàn hơn.

Các nước phạt nặng

Các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Đức và Singapore đã có biện pháp nghiêm ngặt và hệ thống quản lý chặt chẽ trong việc đối phó với thuốc giả và sữa giả.

Cụ thể, Trung Quốc từng đối mặt với vụ bê bối sữa nhiễm melamine năm 2008, khiến 6 trẻ tử vong và hàng trăm ngàn trẻ bị ảnh hưởng. Chính phủ Trung Quốc đã phản ứng nhanh bằng cách cấm nhập khẩu sữa nhiễm độc, truy tố các công ty liên quan và tăng cường kiểm tra thực phẩm. Theo tờ Guardian (Anh), Trung Quốc đã cải tổ hệ thống giám sát an toàn thực phẩm, áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và phạt nặng các nhà sản xuất vi phạm.

Trong khi đó, tại Mỹ, trang web của Công ty luật Shapiro Legal Group (Mỹ) cho biết bán thuốc giả là tội nghiêm trọng có thể dẫn đến cáo buộc hình sự ở cấp liên bang và cấp bang. Buôn bán thuốc giả lần đầu có thể bị phạt tới 3 năm tù và phạt tiền lên tới 10.000 USD. Những lần vi phạm tiếp theo có thể bị phạt tới 10 năm tù, với mức phạt dành cho các tập đoàn lên tới 200.000 USD cho mỗi tội danh. Nếu thuốc giả gây thương tích nghiêm trọng cho cơ thể, mức án tù có thể tăng lên tới 20 năm. Trong trường hợp tử vong do hàng giả, hình phạt có thể lên tới tù chung thân.

Pháp và Đức, thuộc Liên minh châu Âu (EU) thì từ năm 2019, EU yêu cầu mã hóa từng hộp thuốc để ngăn chặn hàng giả, giúp truy xuất nguồn gốc dễ dàng. Các nhà thuốc và nhà phân phối phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt, với hình phạt nặng nếu vi phạm.

Tại Singapore, nếu vi phạm luật về thuốc có thể bị phạt tiền tối đa 5.000 SGD (khoảng 99 triệu đồng) hoặc ngồi tù đến 2 năm, tương tự vi phạm luật về chất độc phạt tiền tối đa 10.000 SGD (khoảng 198 triệu đồng) hoặc ngồi tù đến 2 năm. Nếu có hành vi vi phạm luật về sản phẩm y tế có thể bị phạt tiền tối đa 100.000 SGD (gần 2 tỉ đồng) hoặc tù đến 3 năm.

Xuân Mai

NGỌC ÁNH thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhin-thang-van-de-sua-gia-thuoc-gia-196250427232253866.htm
Zalo