Nhìn thẳng sự thật để giải quyết thực tiễn
Bày tỏ vui mừng khi người đứng đầu Đảng trong bài viết 'Rạng rỡ Việt Nam' đã 'điểm trúng huyệt' các vấn đề tồn tại của Đảng, của đất nước, nhà giáo ưu tú, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nguyên ĐQBH Khóa VIII, Chủ tịch Hội đồng đại học - Đại học Duy Tân Lê Công Cơ nhấn mạnh: nhìn lại 7 nhóm giải pháp của Tổng Bí thư Tô Lâm, tôi cho rằng, người đứng đầu Đảng ta đã nhìn thẳng sự thật để giải quyết thực tiễn; đó mới thực sự là đổi mới để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Điểm trúng huyệt” các vấn đề tồn tại
Nhà giáo ưu tú, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nguyên ĐQBH Khóa VIII, Chủ tịch Hội đồng đại học - Đại học Duy Tân Lê Công Cơ chia sẻ: bài viết “Rạng rỡ Việt Nam” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã giúp tôi nhìn lại một quá trình hình thành, đấu tranh và phát triển của Đảng. Với tư cách là một Đảng viên, một biệt động thành, từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi rất vui mừng khi người đứng đầu Đảng ta đã “điểm trúng huyệt” các vấn đề tồn tại của Đảng, của đất nước.
Theo tôi, một trong những yếu tố làm nên thắng lợi của dân tộc là xây dựng Đảng. Chính từ những bài học trong chiến tranh đã giúp tôi nhận ra phải lấy “xây dựng Đảng để xây dựng Trường”. Do đó, ngay từ những ngày đầu thành lập Trường, tôi đã mời một số cán bộ về hưu, là đảng viên để lập nên Chi bộ đầu tiên do tôi là Bí thư, trực thuộc Đảng ủy Dân chính Đảng Quảng Nam - Đà Nẵng thời đấy. Cứ như vậy, Trường phát triển đến đâu thì Đảng phát triển theo đấy, lấy xây dựng Đảng là nòng cốt cho việc phát triển Trường. Đến nay, khi đã phát triển thành một trong 9 Đại học lớn của cả nước, chúng tôi đã có một Đảng bộ với gần 450 đảng viên đều là những người có trình độ từ Thạc sĩ đến các Phó Giáo sư đầu ngành.
![Nhà giáo ưu tú, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nguyên ĐQBH Khóa VIII, Chủ tịch Hội đồng đại học - Đại học Duy Tân Lê Công Cơ. Ảnh: T. Tài](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_592_51430352/12169420ae6e47301e7f.jpg)
Nhà giáo ưu tú, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nguyên ĐQBH Khóa VIII, Chủ tịch Hội đồng đại học - Đại học Duy Tân Lê Công Cơ. Ảnh: T. Tài
Trong bài viết, Tổng Bí thư đã đặt ra nhiệm vụ là phải tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"… Đó là vấn đề mà Đảng ta phải thường xuyên thực hiện và thực hiện liên tục để hình thành nên những Đảng bộ mạnh, Đảng bộ tiên phong. Như trong thời kỳ chiến tranh, cứ ở đâu gian khó, ở đâu hy sinh nhiều thì đảng viên phải có mặt và đi đầu, xông pha.
Nhìn lại 7 nhóm giải pháp của Tổng Bí thư, tôi cho rằng, người đứng đầu Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết thực tiễn; cái đó mới thực sự là đổi mới để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Về vấn đề tinh gọn bộ máy, tôi còn nhớ vào năm 1986, ngay tại Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội sau Đổi mới, tôi là ĐBQH tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) về dự họp. Lúc đó, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói cả nước có hơn nửa triệu biên chế, nếu tách tỉnh thì biên chế cũng không được vượt quá 1 triệu người, nếu không là nuôi không nổi. Thế nhưng, đến bây giờ, chúng ta có gần 11 triệu người đang hưởng lương từ ngân sách, 70% chi thường xuyên là để nuôi đội ngũ này. Quá nặng nề, không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy như vậy.
Nhận thấy thực tế như vậy, Đảng ta mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra quyết tâm “củng cố tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo”. Đó là con đường đúng, là con đường mà thời đại đang đi khi AI (trí tuệ nhân tạo) đã phát triển mạnh mẽ, vượt bậc. Tuy nhiên, tôi cũng có chút trăn trở khi nghị quyết, quyết tâm của Đảng là đúng thì việc thực hiện ở các ngành, các địa phương cũng phải trúng và chuẩn; phải làm sao sàng lọc được bộ máy, giữ chân người tài. Nếu làm tốt khâu tổ chức, gắn nó với công tác phòng chống tham nhũng, chính sách hỗ trợ cán bộ… thì sẽ “gạt” ra được những cán bộ không có năng lực trong bộ máy.
Bước đột phá nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng
Trong nhiệm vụ thứ 6 Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra cùng với Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ chính là động lực để đất nước phát triển, sẽ làm thay đổi bộ mặt đất nước. Hưởng ứng chủ trương của Tổng Bí thư, Đại học Duy Tân đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết về công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) để tổ chức Đại hội Đảng cơ sở sẽ diễn ra vào tháng 3. Trong đó, tất cả các quy trình từ bỏ phiếu, giới thiệu nhân sự… đều áp dụng AI. Những chủ trương, chính sách lớn về phát triển khoa học công nghệ của Đảng ta gần đây thực sự đã “cởi trói”, tạo điều kiện cho các Đại học phát triển công tác nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng vào đời sống thực tiễn.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với sự tham dự của nhiều Trường Đại học lớn trên cả nước, trong đó, xác định rõ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nghị quyết 57 “mở đường”, được xem là kim chỉ nam để các chính sách, quy định về khoa học công nghệ phát triển theo. Qua hợp tác quốc tế với các Đại học lớn trên thế giới, rồi nhìn lại mình mới thấy: nếu chúng ta không đổi mới, không phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ thì sẽ càng bị tụt hậu. Ngay trong bài viết của mình, Tổng Bí thư cũng đã nêu rõ việc ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào công tác xây dựng Đảng không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là một bước đột phá nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong tình hình mới.
Để thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng vào thực tiễn cuộc sống thì hệ thống cơ chế chính sách, pháp luật của chúng ta cũng phải được tiến hành đồng bộ. Trong đó, Quốc hội đóng vai trò lớn trong việc ban hành quy định pháp luật cũng như kịp thời điều chỉnh các chính sách.