Nhìn nhận về dạy thêm, học thêm
Là một giáo viên THPT, tôi luôn mong muốn học sinh có thể tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất, áp lực học tập không trở thành rào cản khả năng phát triển năng lực, phẩm chất ở các em.
Dạy thêm và học thêm không phải là vấn đề mới, nhưng mỗi lần nhắc đến lại trở thành một chủ đề nóng trong xã hội. Có hai luồng ý kiến chính: Một là ủng hộ việc cấm dạy thêm hoàn toàn, vì cho rằng điều này giúp giảm áp lực học tập, ngăn chặn tình trạng lạm dụng và tạo sự công bằng cho học sinh. Hai là học thêm là cần thiết, là nhu cầu có thật, vì học thêm giúp học sinh có cơ hội củng cố và nâng cao kiến thức, đặc biệt là với những em có nhu cầu học nâng cao hoặc cần hỗ trợ ngoài giờ.
Tôi rất ủng hộ việc kiểm soát chặt chẽ dạy thêm - học thêm để hạn chế tiêu cực. Với quy định mới, tôi lo ngại rằng khoảng cách giữa học sinh vùng thuận lợi và vùng khó khăn sẽ ngày càng lớn. Một thực tế nữa, đó là không phải học sinh nào cũng có thể tự học một cách hiệu quả. Nhiều em không đủ khả năng tập trung để tự học online ở nhà, không quen với việc học qua màn hình, không biết cách sắp xếp thời gian tự học. Một số em có thể tự học tốt, nhưng số này không nhiều.
Thêm vào đó, không phải học sinh nào cũng muốn thay đổi giáo viên dạy mình. Có những em đã quen với cách dạy của một thầy cô trong nhiều năm, đã xây dựng được sự tin tưởng và hiểu rõ phương pháp giảng dạy. Ở những vùng điều kiện học tập hạn chế, môn Tiếng Anh có những em theo một nhóm nhỏ học ở nhà một cô giáo không phải là cô giáo trên trường của các em từ khi học cấp THCS đến khi vào Đại học, và đỗ đại học khối có Tiếng Anh, liệu đó có phải là bị ép buộc đi học không?
Khi các em buộc phải thay đổi thầy cô, việc tiếp thu kiến thức có thể trở nên khó khăn hơn, nhất là với những em học sinh cuối cấp. Không phải cứ thầy cô giỏi là học sinh nào cũng học tốt, mà quan trọng là sự phù hợp giữa thầy và trò.
Nhưng có lẽ, điều làm tôi tâm tư nhất không phải là những tranh luận về chính sách, mà là cách xã hội phản ứng với nghề giáo trong thời gian gần đây.
Khi nhắc đến hai chữ "nghề giáo", tôi thật sự trân quý và biết ơn bao nhiêu. "Tôn sư trọng đạo" từ lâu đã trở thành một truyền thống, một nét đẹp của dân tộc Việt Nam chắc chắn không thể thay thế. Thế nhưng, trong cơn bão dư luận này, xuất hiện không ít người nhân cơ hội này thể hiện sự coi thường các nhà giáo bằng những bình luận tiêu cực.
Họ quên mất rằng, dù có những cá nhân vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nhưng phần lớn thầy cô vẫn đang ngày đêm miệt mài giảng dạy, chịu áp lực từ chương trình học, từ học sinh, từ phụ huynh và cả xã hội. Họ chắc chưa từng biết đến và cảm nhận hình ảnh nhiều thầy cô dành mỗi năm cả vài tháng lương để mua sách, tài liệu tham khảo, từ miền núi, nông thôn tự lo toàn bộ chi phí gồm học phí, ăn ở, đi lại về Hà Nội hoặc các thành phố lớn để học những khóa học đổi mới phương pháp giảng dạy, có những khóa học có 6 tiếng học phí đến gần hai triệu đồng.
Có nhiều thầy cô là đồng nghiệp thân thiết với tôi miệt mài dậy từ hơn 4 giờ sáng, thức đến 12 giờ đêm học đủ các khóa học nâng cao chuyên môn chỉ với mục đích soạn cho học sinh những chuyên đề học tập thú vị, học đủ kĩ năng rồi về dạy lại cho học sinh không một chút tính toán thiệt hơn, nhiều trường hợp học sinh ham học nhưng khó khăn thầy cô không những dạy miễn phí mà còn cho các em thêm sách vở để học, thật sự những thầy cô ấy yêu nghề bằng cả tấm lòng, lấy sự tiến bộ và trưởng thành của học sinh làm hạnh phúc ...
Chừng ấy sao đo nổi bằng tiền, tiền dạy thêm một vài lớp nhóm nhỏ lẻ thật sự không thể đủ… Còn những hy sinh thầm lặng hơn mà tôi biết, họ không thể chia sẻ được, vì tương lai của chính học trò. Họ quên mất rằng giáo viên là những người đang đóng góp trực tiếp vào việc tạo ra những thế hệ công dân tốt trong tương lai.
Những nhà giáo đích thực mà tôi định nghĩa, họ chưa từng nghĩ đến chuyện kiếm tiền bằng mọi giá từ nghề giáo. Hằng ngày, hằng đêm họ chỉ nghĩ rằng làm sao để truyền đạt đến học sinh của mình những giá trị tốt đẹp nhất, những bài học sâu sắc nhất, dạy cho trò của mình phẩm chất, kiến thức và những năng lực cần thiết để sau này các em trở thành những người có ích, những người tốt cho xã hội.
Quay trở lại câu chuyện chính của chủ đề học thêm và dạy thêm, tôi nhận thấy, nhiều phụ huynh không có trình độ chuyên môn để dạy con, đặc biệt là với các môn như Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên…
Không phải gia đình nào cũng có thời gian dành cho con, nhất là những người làm công nhân, nông dân, hoặc phải đi làm xa.
Ở nông thôn, miền núi, không có trung tâm học thêm như ở thành phố. Nếu giáo viên trong trường không thể dạy thêm, phụ huynh cũng không biết phải tìm nơi nào để con có thể học thêm kiến thức cần thiết.
Thực tế, giáo viên vẫn cần giúp đỡ học sinh yếu, ôn luyện cho học sinh giỏi, nhưng không được phép dạy thêm thu phí, dẫn đến tình trạng làm việc nhiều hơn ngoài thời gian quy định về chế độ làm việc của giáo viên nhưng không có chế độ đãi ngộ tương xứng. Không công bằng khi so sánh với tất cả các ngành nghề khác trong xã hội. Và khi đồng lương không đảm bảo đủ trang trải cuộc sống, nuôi con học hành với các loại chi phí cao như hiện nay, sẽ có không ít người phải tìm một nghề khác bên ngoài để làm thêm, thay vì thu nhập bằng chính trí tuệ và tâm huyết, đúng chuyên môn được đào tạo của mình.
Một trong những vấn đề khiến tôi trăn trở nữa là quy định không dạy thêm các môn văn hóa ở bậc tiểu học, bao gồm cả Tiếng Anh.
Ở địa phương tôi, nhiều học sinh tiểu học coi việc được học tiếng Anh là niềm hạnh phúc được học. Các em cả tuần chỉ mong chờ đến buổi học Tiếng Anh, háo hức như chờ Tết. Đối với các em, được học Tiếng Anh không phải là một áp lực mà là một niềm vui thực sự.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh cũng muốn con học Tiếng Anh vì hiểu rằng đây là giai đoạn vàng để tiếp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên, dễ dàng nhất.
Nhưng giờ đây, giáo viên Tiếng Anh tiểu học không thể tiếp tục dạy thêm cho những em có nhu cầu, dù các em hoàn toàn tự nguyện, dù phụ huynh tha thiết mong muốn con mình được học, và dù thầy cô đó không dạy các em trên lớp.
Nhiều giáo viên gặp khó khăn khi thực hiện theo thông tư, mặc dù họ sẵn sàng đăng kí kinh doanh, nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật, tuân thủ nghiêm túc các quy định của thông tư.
Không thể phủ nhận rằng có một số giáo viên đã lợi dụng việc dạy thêm để gây áp lực lên học sinh, ép các em học thêm để đạt điểm tốt hơn trên lớp. Đây là những hành vi sai trái cần bị xử lý nghiêm khắc.
Để quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm tôi thiết nghĩ, cần thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm những giáo viên ép buộc học sinh học thêm. Loại bỏ khỏi ngành những giáo viên có hành vi trù dập học sinh không học thêm, vi phạm nghiêm trọng các quy định về dạy thêm học thêm, gây ra bức xúc và dư luận xấu trong xã hội … để giữ gìn sự trong sạch của đội ngũ nhà giáo.
Ngoài ra, đảm bảo rằng các lớp học thêm chỉ phục vụ nhu cầu thực sự của học sinh, không phải là một gánh nặng bắt buộc.
Về việc dạy thêm ở trường, tôi cho rằng nên áp dụng mức học phí hợp lý, công khai và minh bạch, đảm bảo phụ huynh học sinh có nhu cầu thật sự cho con học không bị đặt dưới áp lực tài chính, đồng thời giáo viên cũng nhận được thu nhập xứng đáng với công sức giảng dạy.
Giáo dục là một lĩnh vực cần sự cân nhắc kỹ lưỡng. Một chính sách tốt không chỉ nằm ở ý định ban đầu, mà quan trọng hơn là cách thực hiện trong thực tế. Tôi mong rằng Bộ GD&ĐT sẽ lắng nghe phản hồi từ giáo viên, phụ huynh và học sinh để có những điều chỉnh hợp lý hơn.