Nhìn lại thế giới 2024: Hành động bắt buộc

Năm 2024 'chắc chắn' là năm nóng nhất từ trước đến nay và cũng là năm đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Đây là cảnh báo được Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra sau khi công bố các dữ liệu cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 10 tháng đầu năm nay cao hơn 0,71 độ C so với mức cơ sở 1991-2020, đánh dấu mức cao nhất từng được ghi nhận.

Cảnh đổ nát sau khi bão Chido quét qua lãnh thổ hải ngoại Mayotte của Pháp. Ảnh: AP/TTXVN

Cảnh đổ nát sau khi bão Chido quét qua lãnh thổ hải ngoại Mayotte của Pháp. Ảnh: AP/TTXVN

Trung tuần tháng 12, bão Chido, cơn bão mạnh nhất trong gần 1 thế kỷ qua đổ bộ vào quần đảo Mayotte, lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Ấn Độ Dương, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nhà chức trách lo ngại hàng trăm, có thể là hàng nghìn người đã thiệt mạng tại vùng lãnh thổ ngoài khơi bờ biển phía Đông châu Phi này. Các nhà khoa học nhận định biến đổi khí hậu đang khiến những cơn bão nhiệt đới nguy hiểm và có sức tàn phá mạnh mẽ hơn.

Cuối tháng 10, Tây Ban Nha trải qua những trận lũ quét khủng khiếp nhất trong lịch sử hiện đại nước này, khiến ít nhất 217 người tử vong. Giới khoa học đánh giá nhiệt độ tăng mạnh ở Địa Trung Hải và điều kiện không khí ấm hơn, ẩm hơn góp phần làm cho các hiện tượng cực đoan xảy ra thường xuyên hơn. Theo chuyên gia Hannah Cloke, Giáo sư thủy văn tại Đại học Reading (Anh), con người sẽ chứng kiến nhiều trận lũ quét như thế này trong tương lai, khi những trận mưa quá lớn và những trận lũ tàn phá như vậy mang dấu ấn của biến đổi khí hậu.

Năm 2024 còn chứng kiến những đợt sóng nhiệt và hạn hán kéo dài tại nhiều nơi, gây mất an ninh lương thực. Tại Ấn Độ và Bangladesh, nhiệt độ cao kỷ lục, với nhiều khu vực trải qua những đợt nóng kéo dài, làm tăng tần suất các vụ cháy rừng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Các đợt sóng nhiệt này đã khiến hàng nghìn người tử vong và gây ảnh hưởng nặng nề đến hệ thống y tế, giáo dục và giao thông. Ở Brazil, cháy rừng và lũ lụt đã tàn phá vùng rừng Amazon - “lá phổi xanh” của Trái Đất, khiến hệ sinh thái ở đây chịu thiệt hại nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người trong khu vực.

Năm nay, Việt Nam hứng chịu 21/22 loại hình thiên tai. Sau những tháng đầu năm hạn hán tại các tỉnh phía Nam do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino là bão mạnh, mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét trên diện rất rộng tại Bắc Bộ; mưa lũ lớn ở Trung Bộ. Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền; Bão và mưa lũ sau bão đã làm 345 người chết, mất tích (gấp 2 lần thiệt hại về người cả năm 2023); tổng thiệt hại vật chất gần 83.746 tỷ đồng (gấp 9 lần thiệt hại về vật chất do thiên tai cả năm 2023).

Nắng gay gắt tại thành phố Phoenix, Ariona, Mỹ ngày 7/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Nắng gay gắt tại thành phố Phoenix, Ariona, Mỹ ngày 7/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Có thể thấy từ đầu năm đến nay, khắp nơi trên thế giới chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng mạnh mẽ. Chuyên gia khí hậu Alvaro Silva của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết “gần như mọi khu vực trên thế giới đều chứng kiến các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan có tính chất khác nhau”. Khi xảy ra các thảm họa khí hậu, những nhóm dễ bị tổn thương bao gồm người nghèo, người sống ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai như vùng ven biển hoặc vùng cao. Đặc biệt, trẻ em và phụ nữ là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất do sức khỏe và cơ hội giáo dục của họ bị đe dọa nghiêm trọng.

Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan còn gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế. Các ngành công nghiệp chịu tác động nặng nề, mùa màng thất bát, cùng với hoạt động du lịch suy giảm, khiến hàng triệu người mất việc làm hoặc giảm thu nhập, làm gia tăng tình trạng nghèo đói và bất ổn xã hội.

Các thảm họa khí hậu cũng gây ra những thiệt hại lớn đối với cơ sở hạ tầng quốc gia. Hệ thống giao thông, lưới điện và các cơ sở y tế bị tàn phá nghiêm trọng trong các trận bão và lũ lụt, làm tăng chi phí tái thiết và phục hồi. Những khoản chi phí này đẩy các quốc gia nghèo vào tình trạng nợ nần, đồng thời tạo ra một chuỗi phản ứng tiêu cực trong nền kinh tế.

Ước tính, thiên tai đã gây thiệt hại kinh tế lên tới 310 tỷ USD trên thế giới trong năm nay, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu tác động tiêu cực. Theo đánh giá của Tập đoàn tái bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sĩ, tổng thiệt hại được bảo hiểm tăng 17% so với năm ngoái. Như vậy, năm 2024 là năm thứ năm liên tiếp thiệt hại được bảo hiểm vượt 100 tỷ USD. Tình trạng lũ lụt nặng nề tại châu Âu và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất cũng khiến các công ty bảo hiểm chi trả tới 13 tỷ USD. Các chuyên gia cho biết, biến đổi khí hậu cũng đóng vai trò gia tăng trong thiệt hại kinh tế do thiên tai..

Dù không phải tất cả các hiện tượng thời tiết cực đoan đều có thể được quy cho biến đổi khí hậu, nhưng theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu rõ ràng đang làm gia tăng tần suất và mức độ của các hiện tượng này. Các nhà khoa học cảnh báo thế giới có thể sẽ phải đối mặt với những tác động tồi tệ hơn trong tương lai nếu biến đổi khí hậu không được ngăn chặn. Các mô hình khí hậu dự báo rằng, nếu lượng khí thải nhà kính tiếp tục tăng như hiện nay, những hiện tượng như bão, sóng nhiệt, hạn hán và lũ lụt sẽ ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn, tần suất gia tăng và phạm vi ảnh hưởng rộng hơn. Những vùng đất trũng ven biển có thể bị nhấn chìm, nhiều quốc gia nghèo sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư khí hậu, và cuộc sống của hàng triệu người sẽ bị thay đổi vĩnh viễn.

Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị COP29 ở in Baku, Azerbaijan ngày 11/11/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị COP29 ở in Baku, Azerbaijan ngày 11/11/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra ở Baku (Azerbaijan), các nước đã đạt được thỏa thuận về các quy tắc cho một thị trường tín chỉ carbon toàn cầu, qua đó hình thành công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy đầu tư xanh, phát triển bền vững và bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai. Các quốc gia phát triển cũng cam kết chi ít nhất 300 tỷ USD mỗi năm, từ nay đến năm 2035, để giúp các nước đang phát triển “xanh hóa” nền kinh tế và nâng cao khả năng ứng phó với thảm họa khí hậu.

Cũng tại COP29, Việt Nam đã công bố Kế hoạch Quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phiên bản cập nhật, tiếp tục khẳng định nỗ lực xây dựng giải pháp nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội và con người. Theo bà Rohini Kohli, Cố vấn cấp cao của Chương trình phát triển LHQ (UNDP), NAP cập nhật là "tiến bộ đáng kể trong thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu", giúp Việt Nam khai thác hiệu quả các nguồn lực và hướng tới tương lai bền vững.

Như lời Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tại COP29, hành động vì khí hậu không phải là tùy chọn, mà là bắt buộc, bởi "thời gian đang đếm ngược". Các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra liên tục năm 2024 là lời cảnh tỉnh rõ ràng về mức độ nghiêm trọng của vấn đề và nhấn mạnh sự cấp thiết phải hành động. Đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng và quốc gia.

Phan An (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhin-lai-the-gioi-2024-hanh-dong-bat-buoc-20241218081232123.htm
Zalo