Nhìn lại một chu trình triển khai Chương trình mới: Hưởng lợi cuối cùng là người học

Tập trung nguồn lực triển khai Chương trình GDPT 2018 giai đoạn vừa qua đã mang lại hiệu quả, trong đó hưởng lợi cuối cùng là người học.

Cô và trò Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú

Cô và trò Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú

Kết quả đạt được, cùng nhận thức rõ khó khăn sau một giai đoạn triển khai, đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT) nói chung, chương trình, SGK nói riêng vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục giai đoạn tới.

Ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ: Quan tâm phát triển đội ngũ

 Ông Phùng Quốc Lập.

Ông Phùng Quốc Lập.

Giai đoạn vừa qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới Chương trình, SGK GDPT trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng lộ trình, nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả. Quá trình triển khai huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng thuận, ủng hộ, giúp đỡ của xã hội và nhân dân, phụ huynh.

Hiện nay, Sở GD&ĐT tích cực chuẩn bị tiến hành tổng kết đánh giá việc triển khai đổi mới Chương trình, SGK GDPT giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh, trước khi kết thúc năm học 2024 - 2025.

Trong số các công việc đã triển khai, mang lại hiệu quả, một trong những nội dung thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của tỉnh Phú Thọ là tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai đổi mới GDPT, đặc biệt điều kiện về con người.

Theo đó, công tác tuyển dụng, bố trí sử dụng viên chức ngành Giáo dục tỉnh được thực hiện theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ và các văn bản quy định hiện hành; đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, công khai, minh bạch. Thực hiện Quyết định 72-QĐ/TW ngày 17/8/2022 của Bộ Chính trị, năm 2023 sở GD&ĐT phối hợp với sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức tuyển dụng được 1.313 giáo viên, nhân viên các cấp học.

Để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nhu cầu giáo viên dạy những môn học mới trong Chương trình GDPT 2018, sở GD&ĐT đã phối hợp với UBND cấp huyện thực hiện linh hoạt, đồng bộ các giải pháp luân chuyển, điều động có thời hạn, bố trí giáo viên dạy liên cấp, liên trường. Đồng thời tiếp tục tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ và cấp có thẩm quyền giao bổ sung chỉ tiêu biên chế để được tuyển dụng giáo viên, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 1 trường THPT chuyên, 13 trường phổ thông dân tộc bán trú, 5 trường phổ thông dân tộc nội trú, 103 trường và 40 điểm trường đóng trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Các chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên công tác ở các trường này được thực hiện đúng quy định, đảm bảo đầy đủ các chế độ về tiền lương, phụ cấp ưu đãi thu hút, phụ cấp thâm niên nhà giáo… Đồng thời, cán bộ quản lý, giáo viên các trường chuyên biệt và trường ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn luôn được ưu tiên, hỗ trợ trong công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, công tác thi đua khen thưởng.

 Cô trò Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú

Cô trò Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú

Sở GD&ĐT luôn quan tâm công tác nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán phổ thông giai đoạn 2020 - 2025. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác tập huấn bồi dưỡng giáo viên đại trà của tỉnh.

Công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được thực hiện nghiêm túc, cơ bản phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, sở GD&ĐT luôn khuyến khích tạo điều kiện cho giáo viên đi học tập để nâng cao trình độ đào tạo theo quy định. Đến nay, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên theo quy định của Luật Giáo dục 2019 cấp tiểu học là 91%; THCS là 99,2%, cấp THPT là 100%.

Tuy nhiên, liên quan đến nội dung này, khó khăn là địa phương vẫn thừa, thiếu giáo viên cục bộ, chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn, việc tuyển dụng bổ sung gặp khó khăn do thiếu chỉ tiêu và nguồn tuyển. Nhiều trường tiểu học, THCS có quy mô nhỏ (dưới 10 lớp) nên gặp khó trong việc bố trí sắp xếp đội ngũ giáo viên. Đời sống nhà giáo nhìn chung còn khó khăn. Một bộ phận thầy cô chưa tâm huyết với nghề, năng lực chuyên môn hạn chế nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Trong nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đặt ra năm 2025, Phú Thọ tiếp tục quan tâm tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai đổi mới GDPT, trong đó có nguồn lực con người. Tỉnh tiếp tục tổ chức tuyển dụng giáo viên, nhân viên theo chỉ tiêu biên chế được giao; sắp xếp, điều tiết giáo viên giữa các cơ sở giáo dục bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ; ưu tiên bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Tiếng Anh, Tin học để triển khai Chương trình GDPT 2018.

Nghiên cứu tham mưu các chính sách của tỉnh để thu hút sinh viên học ngành sư phạm, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên; chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác. Tiếp tục triển khai lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên, tiểu học, THCS. Chú trọng bồi dưỡng thường xuyên nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Địa phương mong muốn Bộ GD&ĐT đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung 747 biên chế cho sự nghiệp giáo dục trong năm 2025 còn thiếu theo Quyết định 72-QĐ/TW về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022 - 2026. Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán cho các địa phương về đổi mới Chương trình, SGK GDPT.

Ông Lê Bá Cường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông: Có chính sách đặc thù đối với tuyển dụng giáo viên

 Ông Lê Bá Cường.

Ông Lê Bá Cường.

Sau hơn 8 năm triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông tiếp tục phát triển ổn định.

Chuyển biến rõ nét nhất khi triển khai Chương trình GDPT 2018 là chuyển từ giáo dục tập trung trang bị kiến thức sang tập trung dạy học, phát triển năng lực và phẩm chất học sinh; đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức dạy học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh; chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề, ý thức trách nhiệm xã hội của học sinh.

Công tác quản lý Nhà nước về giáo dục cũng được tăng cường và chuyển biến tích cực theo hướng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện đổi mới cơ chế quản lý tài chính của ngành; tăng cường phân cấp quản lý giáo dục; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục.

Đầu tư kinh phí cho giáo dục được ưu tiên, cơ sở vật chất nhà trường từng bước được cải thiện, nâng cấp theo hướng chuẩn hóa. Việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư theo quy định để bảo đảm điều kiện triển khai Chương trình, sách giáo khoa GDPT mới. Công tác lựa chọn sách giáo khoa, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương thực hiện kịp thời và đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Bên cạnh kết quả đạt được, một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên của tỉnh chưa theo kịp yêu cầu của chương trình, chưa thật sự chủ động trong nghiên cứu, tiếp cận với Chương trình GDPT 2018; còn lúng túng trong xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục môn học; chưa thực sự tích cực sắp xếp lại nội dung, xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với học sinh.

Chất lượng giáo dục tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng còn chậm nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của địa phương, nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở vật chất trang thiết bị vừa thiếu, vừa không đồng bộ. Chính sách huy động, phân bổ nguồn lực tài chính cho giáo dục chưa thực sự hợp lý, hiệu quả sử dụng nguồn lực chưa cao.

Số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh đang thiếu nhiều so với định mức, nhất là thiếu giáo viên tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học, thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT. Mặt khác, còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học, xảy ra ở một số trường, địa phương…

Để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, năm 2025, tỉnh tiếp tục các giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đổi mới chương trình GDPT và tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai đổi mới GDPT.

Từ đặc thù địa phương, kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về chính sách đặc thù đối với tuyển dụng giáo viên, cho phép Đắk Nông được tuyển dụng sinh viên/giáo viên có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm, hoặc bằng tốt nghiệp CĐ và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy các môn Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật theo Chương trình GDPT 2018.

Sau đó, có lộ trình nâng chuẩn theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ. Đề nghị Chính phủ xem xét, giao bổ sung số lượng người làm việc cho tỉnh Đắk Nông trong năm 2024 theo số biên chế đã được Bộ Chính trị giao giai đoạn 2022 - 2026 để tỉnh tuyển dụng giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Ngành GD tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tham mưu Chính phủ ưu tiên phân bổ kinh phí, trang thiết bị từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án,… cho ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông; phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo cấp thẩm quyền xem xét không cắt giảm 10% số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, không tinh giản biên chế 10% như nhau giữa các vùng, miền trong cả nước…

Ông Võ Văn Bé Hai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre: Phát triển năng lực tiếp cận tri thức mới

 Ông Võ Văn Bé Hai.

Ông Võ Văn Bé Hai.

Một trong những kết quả thấy rõ của giáo dục Bến Tre khi triển khai Chương trình GDPT 2018 giai đoạn vừa qua là chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn ngày càng được cải thiện; nhất là việc phát triển năng lực tiếp cận tri thức mới, khả năng sáng tạo, tự học của học sinh.

Từ năm học 2020 - 2021 đến hết năm học 2023 - 2024, các cơ sở GDPT vừa triển khai Chương trình GDPT 2018, vừa thực hiện Chương trình GDPT 2006 đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12.

Ngoài những khó khăn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, việc chuyển đổi từ dạy học theo hướng tiếp cận nội dung sang dạy học theo hướng tiếp cận năng lực cũng là những trở ngại lớn đối với giáo viên.

Tuy nhiên, qua triển khai Chương trình GDPT 2018 ở các lớp cho thấy, về cơ bản giáo viên đã tiếp cận và thực hiện tốt chương trình, chủ động tổ chức các hoạt động học tập phát triển năng lực cho học sinh đạt hiệu quả khá tốt. Chương trình GDPT 2018 giảng dạy không chỉ tập trung vào kiến thức mà còn chú trọng đến phát triển kỹ năng sống.

Đa số học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống, bước đầu biết định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp; biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, suy nghĩ tích cực cho sự phát triển của bản thân và xã hội.

Qua quá trình triển khai thực tế tại địa phương, đã có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra. Trong đó, trước hết là kịp thời đề xuất, kiến nghị Bộ GD&ĐT; tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh các chủ trương, chính sách liên quan đến GD&ĐT, tranh thủ sự hỗ trợ, phối hợp của các ngành, cấp. Chấp hành nghiêm túc việc thực hiện các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước và ngành để đội ngũ công chức, viên chức, người lao động an tâm công tác.

Đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng cường quyền tự chủ của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục. Đi đôi với đó là nâng cao năng lực quản trị nhà trường, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của đổi mới giáo dục. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Đầu tư đầy đủ, đồng bộ về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học khi triển khai Chương trình GDPT 2018; huy động nguồn lực, tăng cường đầu tư và phân bổ tài chính hợp lý để cải thiện điều kiện học tập, đặc biệt các trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy các môn học mới.

Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên được triển khai mạnh mẽ trong những năm qua. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức về chất lượng đào tạo và khả năng thích nghi của giáo viên, đặc biệt là giáo viên lớn tuổi, quen với phương pháp giảng dạy truyền thống. Bài học kinh nghiệm là bồi dưỡng thực tiễn, cụ thể hơn, giúp giáo viên nắm bắt được nội dung chương trình mới và các phương pháp giảng dạy tích cực, đồng thời tăng cường hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình thực hiện.

Cùng đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp quản lý. Các chính sách, chỉ đạo cần được thông suốt từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng không thống nhất trong việc triển khai. Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá thực tiễn để đảm bảo chương trình được thực hiện đúng kế hoạch và đạt hiệu quả cao.

Cuối cùng, làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cha mẹ học sinh và xã hội. Kịp thời biểu dương tập thể, cá nhân có nhiều đổi mới, sáng tạo trong quá trình chuẩn bị cũng như thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Ông Trịnh Văn Ngoãn.

“Một trong những nội dung địa phương làm tốt nhất khi triển khai Chương trình GDPT 2018 là quan tâm chuẩn bị đội ngũ. Theo đó, sở cử cán bộ quản lý, giáo viên đi đào tạo để đạt chuẩn; quan tâm tổ chức bồi dưỡng giúp giáo viên tiếp cận với nội dung, phương pháp và các yêu cầu cần thiết để triển khai các môn học, hoạt động giáo dục (các nội dung mới, khó sẽ được ưu tiên bồi dưỡng, tập huấn trước). Ngoài chuẩn bị đội ngũ, chúng tôi cũng quan tâm đến tâm thế cho học sinh, phụ huynh học sinh để mọi người đón nhận theo hướng tích cực. Quan điểm là vui vẻ làm, làm với tinh thần thoải mái sẽ có kết quả tốt hơn làm trong trạng thái tâm lý nặng nề. Có thể lúc đầu, có giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh còn lo lắng; nhưng dần dần trạng thái tâm lý, tinh thần tiếp nhận tốt hơn lên rất nhiều”. - Ông Trịnh Văn Ngoãn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhin-lai-mot-chu-trinh-trien-khai-chuong-trinh-moi-huong-loi-cuoi-cung-la-nguoi-hoc-post714239.html
Zalo