Nhìn lại 4 quy định mới về thẩm phán áp dụng từ năm 2025
Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã quy định nhiều điểm mới về ngạch, nhiệm kỳ, chế độ... đối với thẩm phán.
Luật Tổ chức TAND năm 2024 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025, mang tính đột phá lớn đối trong cải cách tư pháp với ngành TAND.
Trong đó, có 4 điểm mới nổi bật đối với chức danh thẩm phán nhận được nhiều sự quan tâm.
Thẩm phán chỉ 2 ngạch
Về phân ngạch thẩm phán, nếu như Luật Tổ chức TAND 2014 (Điều 66) quy định thẩm phán TAND gồm 4 ngạch là thẩm phán TAND Tối cao, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp. Nay Luật 2024 (Điều 90) quy định thẩm phán chỉ gồm 2 ngạch là thẩm phán TAND Tối cao và thẩm phán TAND.
Về nhiệm kỳ của thẩm phán, Điều 74 Luật Tổ chức TAND 2014 quy định nhiệm kỳ đầu của các thẩm phán là 5 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.
Thay vào đó, Điều 100 luật mới quy định nhiệm kỳ của thẩm phán TAND tối cao được tính từ khi được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Thẩm phán TAND được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 5 năm kể từ ngày được bổ nhiệm. Thẩm phán TAND được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
Thẩm phán TAND được điều động để làm nhiệm vụ khác trong hệ thống tòa án, khi được phân công lại làm thẩm phán TAND thì không phải trải qua kỳ thi tuyển chọn thẩm phán TAND và được xếp vào bậc tương ứng, trường hợp này nhiệm kỳ của thẩm phán TAND đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
Thẩm phán không đủ điều kiện để bổ nhiệm lại được bố trí công tác khác phù hợp. Khi đáp ứng đủ điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND và có nguyện vọng thì phải trải qua kỳ thi tuyển chọn thẩm phán TAND, trường hợp này nhiệm kỳ của thẩm phán TAND được tính là nhiệm kỳ đầu.
Như vậy, Luật 2024 quy định đối với thẩm phán TAND Tối cao nhiệm kỳ tính từ khi được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Còn thẩm phán TAND được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 5 năm. Sau đó, nếu được bổ nhiệm lại sẽ có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác chứ không phải 10 năm như Luật 2014.
Điều luật riêng về bảo vệ thẩm phán
Về bảo vệ thẩm phán, Luật Tổ chức TAND 2024 đã quy định riêng một điều luật về bảo vệ thẩm phán tại Điều 102 (Luật 2014 không có điều luật riêng về bảo vệ thẩm phán).
Theo Điều 102, thẩm phán được tôn trọng danh dự, uy tín, được bảo vệ khi thi hành công vụ và trong trường hợp cần thiết. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của thẩm phán, thân nhân của thẩm phán khi thẩm phán thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ.
Trường hợp an toàn cá nhân hoặc thân nhân của thẩm phán bị đe dọa do việc thực hiện nhiệm vụ của thẩm phán thì Chánh án tòa án nơi thẩm phán công tác đề nghị cơ quan công an có thẩm quyền tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ an toàn cá nhân hoặc thân nhân của thẩm phán. Cơ quan công an nhận được đề nghị có trách nhiệm xem xét tính chất, mức độ của hành vi đe dọa để có biện pháp bảo vệ phù hợp.
Cạnh đó, Luật Tổ chức TAND 2024 đã quy định một điều luật mới thông tin về thẩm phán vi phạm pháp luật tại Điều 105 (xuất phát từ đề xuất về quyền miễn trừ của thẩm phán).
Theo đó, trường hợp thẩm phán TAND Tối cao bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan ra quyết định tạm giữ phải báo cáo ngay Chủ tịch nước và thông báo cho Chánh án TAND Tối cao biết.
Trường hợp bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của thẩm phán TAND Tối cao thì CQĐT phải báo cáo ngay Chủ tịch nước và thông báo cho Chánh án TAND Tối cao biết.
Trường hợp thẩm phán TAND bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan ra quyết định tạm giữ phải thông báo ngay cho Chánh án TAND Tối cao biết.
Trường hợp bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của Thẩm phán TAND thì CQĐT phải thông báo ngay cho Chánh án TAND Tối cao biết.