Nhìn lại 100 năm phát hiện văn hóa Đông Sơn

Văn hóa Đông Sơn thuộc thời đại kim khí ở Việt Nam, được các nhà khảo cổ học đặt tên dựa vào sự phát hiện một nhóm đồ đồng cổ vào năm 1924.

Chiều 8/8, các nhà khoa học dự hội thảo “Văn hóa Đông Sơn - 100 năm phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị” đã có chuyến khảo sát thực tế tại các địa điểm di tích thuộc Văn hóa Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Tại chuyến đi thực tế này, các chuyên gia đã nghe giới thiệu về quá trình phát hiện, khai quật và công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di chỉ khảo cổ học Đông Sơn.

 Các đại biểu tham quan tại hố khai quật Di chỉ khảo cổ học Đông Sơn. Ảnh: N.Linh

Các đại biểu tham quan tại hố khai quật Di chỉ khảo cổ học Đông Sơn. Ảnh: N.Linh

Tại làng cổ Đông Sơn, đoàn công tác và các nhà khoa học đã tham quan chùa Phạm Thông (còn gọi là chùa Đông Sơn), hố khai quật di chỉ khảo cổ học Đông Sơn lần thứ 6.

Các di tích này đều mang đặc trưng tiêu biểu cho Văn hóa Đông Sơn, khẳng định quá trình ra đời, tồn tại và phát triển của Văn hóa Đông Sơn.

Theo kế hoạch, ngày mai 9/8, tại TP Thanh Hóa sẽ diễn ra hội thảo khoa học “Văn hóa Đông Sơn - 100 năm phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị”.

Hội thảo có sự góp mặt của gần 50 nhà khoa học, khảo cổ học và các nhà quản lý văn hóa đến từ các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý văn hóa, trường đại học… với những tham luận đề cập tới những phát hiện mới về văn hóa Đông Sơn.

Văn hóa Đông Sơn (khoảng từ thế kỷ VII trước Công nguyên đến thế kỷ I-II sau Công nguyên) là một nền văn hóa khảo cổ học thời đại kim khí ở Việt Nam, được các nhà khảo cổ học đặt tên dựa vào sự phát hiện ngẫu nhiên một nhóm đồ đồng cổ vào năm 1924 tại làng Đông Sơn ở ven Sông Mã, tỉnh Thanh Hóa.

100 năm qua, di chỉ khảo cổ Đông Sơn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với giới khảo cổ học, sử học. Khu di chỉ này có tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ hơn 45 ha, bao gồm khu vực núi Đông Sơn, từ núi ra đến bờ sông Mã và từ cầu Hàm Rồng vào thôn Đông Sơn (nay là phường Hàm Rồng).

Qua các đợt khai quật khảo cổ, đã thu được số lượng di vật đồ sộ, phong phú, gồm có công cụ sản xuất (lưỡi cày, liềm, đục, rìu...); vũ khí (dao găm, đoản kiếm, mũi tên...); đồ đựng (nồi, bình, chậu...); đồ trang sức (khuyên, vòng, chuỗi hạt...); các đồ vật khác (tượng, chuông, trống...).

 Các nhà chuyên gia khảo sát chùa Phạm Thông. Ảnh: T. Linh

Các nhà chuyên gia khảo sát chùa Phạm Thông. Ảnh: T. Linh

Trong số các di vật được tìm thấy, trống đồng là hiện vật giàu giá trị bậc nhất. Trống đồng Đông Sơn được xem là tinh hoa của văn minh Đông Sơn - văn minh dân tộc, bởi giá trị và tính thiêng của nó.

Tài liệu từ các cuộc điều tra, thám sát, khai quật hàng loạt di tích Đông Sơn ở Thanh Hóa và di chỉ khảo cổ Đông Sơn, đã khẳng định tầm vóc và vị thế của văn hóa Đông Sơn không chỉ ở Việt Nam, mà cả khu vực Đông Nam Á.

Di chỉ khảo cổ học Đông Sơn được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là di tích cấp Quốc gia từ năm 1962.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhin-lai-100-nam-phat-hien-van-hoa-dong-son-post306943.html
Zalo