Nhìn đời qua… 'con mắt' điện thoại

Điện thoại thông minh (smartphone) với chức năng quay chụp ngày càng hiện đại, đã trở thành người bạn đồng hành ghi lại mọi khoảnh khắc trong cuộc sống. Tuy nhiên, câu chuyện dùng thế nào cho hợp lý hay lạm dụng, lệ thuộc vào nó vẫn còn lắm nỗi trăn trở.

1. Có một câu chuyện thấm thía và rất đáng suy ngẫm từng được chia sẻ. Khi chứng kiến khoảnh khắc con mình chào đời trong bệnh viện, ông bố xin phép bác sĩ và bật chế độ quay phim để lưu giữ lại những hình ảnh đặc biệt để sau này cả nhà có thể cùng nhau xem. Thế nhưng, câu hỏi của bác sĩ: “Nhìn con trực tiếp chào đời không thích hơn nhìn qua màn hình điện thoại hay sao?” đã khiến anh ta lặng người đi và không biết trả lời thế nào.

Khoảnh khắc ấy, anh mới nhận ra mình đã đánh mất cơ hội được tận hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc làm cha. Câu hỏi ấy như một lời nhắc nhở sâu sắc về giá trị của những khoảnh khắc hiện tại và cách chúng ta ứng xử, lựa chọn. Chọn nhìn bằng mắt và lưu giữ trong con tim, khối óc hay qua ống kính smartphone?

Trong thời đại công nghệ số, việc ghi lại những khoảnh khắc đẹp bằng điện thoại là điều quá đỗi quen thuộc. Giơ điện thoại lên để quay phim, chụp hình trong bất cứ không gian, hoàn cảnh nào đã trở thành phản xạ tự nhiên của rất nhiều người dùng smartphone hiện nay. Tâm lý sợ bỏ lỡ khoảnh khắc đẹp, ý nghĩa và muốn lưu giữ mọi kỷ niệm vào điện thoại để xem lại và chia sẻ với bạn bè, người thân đã trở nên quá quen thuộc.

Tuy nhiên, đằng sau hành động này là một câu hỏi đáng suy ngẫm: Liệu chúng ta đang thực sự tận hưởng khoảnh khắc ấy, hay chỉ đang mải mê ghi lại để thỏa mãn nhu cầu chia sẻ trên mạng với cả thế giới và chờ đếm những lượt like, bình luận? Và liệu việc này có thực sự giúp chúng ta tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn? Cảm giác tiếc nuối, bực bội khi bỏ lỡ một khoảnh khắc đẹp có phải là do chúng ta quá phụ thuộc vào việc ghi hình, hay đơn giản chỉ là muốn lưu giữ những kỷ niệm đẹp để sau này có thể ôn lại?

 Ống kính điện thoại đua nhau xuất hiện trong một sự kiện

Ống kính điện thoại đua nhau xuất hiện trong một sự kiện

Mặc dù việc ghi lại những khoảnh khắc đẹp là điều dễ hiểu, nhưng việc lạm dụng hành vi này đã gây ra nhiều hệ lụy. Thực tế đáng báo động là, ngay cả ở những nơi có quy định nghiêm ngặt về việc cấm quay phim, chụp ảnh, nhưng nhiều người vẫn ngang nhiên vi phạm. Tại nhiều triển lãm nghệ thuật, hành động này không chỉ gây hại cho tác phẩm mà còn làm phiền đến trải nghiệm thưởng thức của những người khác. Ở các di tích lịch sử, việc không tuân thủ quy định có thể dẫn đến nhiều hệ lụy xấu như gây hư hỏng hiện vật trưng bày.

2. Các nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển đã tạo điều kiện cho nhiều người trở thành “nhà sáng tạo nội dung số”. Thực tế ấy ngày càng trở nên phổ biến. Nghề này cũng rất thời thượng. Họ trở thành những YouTuber, TikToker. Trong cuộc đua giành lượt xem, lượt thích, nhiều người sẵn sàng làm mọi cách, sẵn sàng hy sinh cả đạo đức để có được những thước phim độc đáo, thu hút.

Trước những sự kiện nóng, thậm chí trong đám tang nghệ sĩ, người nổi tiếng, không khó để bắt gặp những hình ảnh chen lấn, xô đẩy nhau để có những góc quay gần nhất. Hành vi này không chỉ thể hiện lối hành xử thiếu tôn trọng mà còn phản ánh một phần nào đó ý thức trách nhiệm và văn hóa của mỗi người.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt trái, không ít người đã tận dụng nền tảng số để chia sẻ những câu chuyện cuộc sống chân thật, gần gũi. Các kênh về đời sống, ẩm thực, văn hóa vùng miền ngày càng nở rộ, mang đến cho khán giả những góc nhìn đa dạng và thú vị. Thậm chí, những người nông dân ở vùng sâu, vùng xa cũng có thể tự tin giới thiệu về cuộc sống thường nhật của mình thông qua những thước phim đơn giản.

Các kênh này không chỉ giúp khán giả giải trí, hiểu hơn về cuộc sống, con người và văn hóa của các vùng miền mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Từ những video đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ, họ đã dần trưởng thành và tạo dựng được những kênh riêng, thu hút đông đảo người xem.

Công nghệ đã thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và tương tác với nhau. Nhưng đằng sau những tiện ích mà công nghệ mang lại là sự thiếu vắng những mối quan hệ chân thật. Dù mạng xã hội giúp chúng ta kết nối với nhau dễ dàng hơn, nhưng không gì có thể thay thế được những cuộc trò chuyện trực tiếp, camera điện thoại có hiện đại đến đâu, nó cũng không thể nào tái hiện lại trọn vẹn vẻ đẹp của thế giới xung quanh bằng đôi mắt của chúng ta.

Những kỷ niệm được ghi lại bằng hình ảnh có thể dễ dàng được lưu trữ nhưng cũng rất dễ bị lãng quên. Trong khi những trải nghiệm trực tiếp sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí bởi chúng ta đã thực sự sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc, dù là vui tươi hay đau buồn. Giá trị đó nằm ở sự chân thật vô giá, không thể thay thế.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhin-doi-qua-con-mat-dien-thoai-post753691.html
Zalo