Nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học gửi kỳ họp thứ 9 Quốc hội

Tại hội thảo 'Một số ý kiến của tri thức khoa học công nghệ gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15' ngày 9.4, các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến về phát triển kinh tế - xã hội.

Sáng 9.4, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức hội thảo “Một số ý kiến của tri thức khoa học công nghệ gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15”.

Hội thảo Một số ý kiến của tri thức khoa học công nghệ gửi kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15

Hội thảo Một số ý kiến của tri thức khoa học công nghệ gửi kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15

Các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến vào những nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 57.

Chủ tịch VUSTA, đại biểu Quốc hội khóa 15 Phan Xuân Dũng cho biết kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 15 dự kiến khai mạc ngày 5.5.2025, sớm hơn so với thông lệ. Do đây là kỳ họp với khối lượng lớn công việc trình Quốc hội ưu tiên xem xét, quyết định những nội dung cấp thiết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền; xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; xem xét sửa đổi 13 dự án luật để tiếp tục phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương; xem xét, thông qua 11 dự án, dự thảo và nội dung quan trọng khác, trong đó có việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo

Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo

Chủ tịch Phan Xuân Dũng khẳng định, với trí tuệ, sức sáng tạo và tinh thần xây dựng, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ của VUSTA thấy được trách nhiệm đóng góp ý kiến đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Việc báo cáo phản ánh, kiến nghị của nhân dân gửi tới các kỳ họp của Quốc hội, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một trong những kênh quan trọng để đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ phát huy vai trò, trách nhiệm tham gia cung cấp thêm cơ sở, luận cứ, góp phần hoàn thiện thể chế, tăng cường giám sát, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật, để chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.

Sau kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 tới nay, nhiều sự kiện chính trị - xã hội mà cử tri toàn quốc cũng như trí thức khoa học và công nghệ quan tâm, nổi lên đó là việc thực hiện Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57 ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; việc cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh… Gần đây nhất là việc áp thuế đối ứng lên tới 46% của Mỹ đối với hàng hóa của Việt Nam và những hành động phản ứng rất nhanh của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

"Với lực lượng 2,2 triệu trí thức, VUSTA tin tưởng sẽ thực hiện tốt việc lấy ý kiến, phản ánh, kiến nghị của trí thức khoa học và công nghệ đối với những vấn đề quan trọng nêu trên nhằm góp phần nâng cao chất lượng Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam", Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng nói.

Về việc thực hiện Nghị quyết số 18, nguyên Phó chủ tịch VUSTA Phạm Văn Tân cho rằng dư luận xã hội và người dân cả nước rất ủng hộ và kỳ vọng sự thành công của cuộc cách mạng đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Tân cũng đề nghị cuộc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nên có lộ trình phù hợp đảm bảo được hiệu quả của bộ máy nhà nước sau sắp xếp cũng như tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp giúp đất nước phát triển ổn định và bền vững.

Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam Lê Vân Trình khẳng định an toàn và vệ sinh lao động đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. Việc áp dụng khoa học công nghệ không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà còn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, cần có chính sách phát triển khoa học và công nghệ bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người lao động trên tinh thần Nghị quyết 57.

Theo ông Lê Vân Trình, để có được chính sách trên, cần hoàn thiện khung pháp lý về an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động; tăng cường giám sát và nâng cao chế tài xử phạt như áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm minh đối với doanh nghiệp vi phạm quy định về an toàn vệ sinh lao động. Song song đó, cần có chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nói chung và an toàn vệ sinh lao động nói riêng; hỗ trợ người lao động tiếp cận các khóa học trực tuyến về sức khỏe nghề nghiệp và công nghệ mới.

Trong quá trình thực hiện việc đổi mới tổ chức bộ máy nhà để tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cần bố trí, sắp xếp ngay những cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, có năng lực công tác tốt vào các vị trí việc làm phù hợp. Đối với các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không được bố trí, sắp xếp vào các vị trí việc làm trong bộ máy nhà nước thì cần có chính sách giải quyết hợp lý theo hướng: Giải quyết chế độ chính sách thỏa đáng cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động mất việc làm để họ được nghỉ hưu sớm hoặc tự tìm công việc phù với bản thân.

Nhà nước mở các lớp đào tạo nghề mới, chuyển đổi nghề nghiệp từ công việc hành chính sang công việc làm trực tiếp ở các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động mất việc làm mà có nguyện vọng để họ có việc làm mới ổn định, có nguồn thu nhập bảo đảm cuộc sống gia đình. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi (về giảm giá thuê đất, ưu đãi nguồn vốn vay, đơn giản thủ tục hành chính, miễn giảm thuế…) cho các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để tạo thêm việc làm nhằm thu hút những người mất việc làm do đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước.

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học còn đóng góp ý kiến vào các nội dung: Giải pháp nâng cao quản lý để bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai; đẩy mạnh chất lượng giáo dục đào tạo; quy hoạch sử dụng đất quốc gia; sắp xếp, tinh gọn bộ máy và quản trị ở địa phương...

Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng ghi nhận những ý kiến đóng góp chân thành, cởi mở, khoa học, đầy tính xây dựng của các chuyên gia, nhà khoa học vào nhiều vấn đề qua trọng của đất nước. Những ý kiến, đề xuất đều rất tâm huyết trên tinh thần trách nhiệm cao sẽ được VUSTA tổng hợp, gửi tới Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để được xem xét trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nhieu-y-kien-tam-huyet-cua-cac-nha-khoa-hoc-gui-ky-hop-thu-9-quoc-hoi-231383.html
Zalo