Nhiều ý kiến khác nhau về giấy phép hành nghề nhà giáo

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vừa tổ chức tọa đàm chuyên gia cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo. Nội dung cấp giấy phép hành nghề cho nhà giáo được quan tâm thảo luận.

Theo dự thảo Luật, nhà giáo là người “có giấy phép hành nghề và làm nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy”. Quy định này xuất phát từ thực tiễn các nhà giáo cần phải được công nhận hết tập sự và có quyết định tuyển dụng, thế nhưng khi thuyên chuyển đến cơ sở giáo dục khác thì các quyết định đó không có giá trị sử dụng. Tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng không có việc đánh giá hết tập sự hoặc cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Việc này có thể gây bất bình đẳng giữa người giảng dạy ở các cơ sở giáo dục khác nhau, đồng thời có thể ảnh hưởng đến quyền lợi người học. Vì vậy, quy định này nhận nhiều ý kiến khác nhau.

Trong bối cảnh tăng cường tự chủ, khuyến khích xã hội hóa giáo dục, việc quản lý bằng giấy phép hành nghề có thể gây phân biệt đối xử với đội ngũ thỉnh giảng, những người dạy học tự do, những người giảng dạy tình nguyện tại các khu vực vùng cao, vùng khó khăn… Cấp giấy phép hành nghề cũng gây lo ngại về việc phát sinh giấy phép con, gia tăng thủ tục hành chính, gây thêm sức ép giấy tờ cho giáo viên.

Phan Hằng - Đỗ Minh - Văn Thắng

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/nhieu-y-kien-khac-nhau-ve-giay-phep-hanh-nghe-nha-giao-233094.htm
Zalo