Nhiều ý kiến khác nhau liên quan đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường

Việc Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát có đường với hàm lượng từ 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với mức thuế suất 10% đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Mặc dù mục tiêu chính được nhấn mạnh là điều chỉnh hành vi tiêu dùng, cải thiện sức khỏe cộng đồng và tăng nguồn thu ngân sách, song vẫn có nhiều ý kiến chung quanh đề xuất này liên quan tác động kinh tế, xã hội và sức khỏe.

Mục tiêu thay đổi hành vi người tiêu dùng

Đề xuất bổ sung nước giải khát có đường với hàm lượng từ 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất là 10% hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Bộ Y tế cho rằng mức thuế 10% là chưa đủ để làm thay đổi hành vi tiêu dùng, giảm tỷ lệ thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm và đề xuất cần áp mức thuế cao hơn (40%).

Trong khi đó, Bộ Tài chính đề nghị vẫn giữ nguyên đề xuất chỉ áp dụng mức thuế suất 10% để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu loại đồ uống có lượng đường thấp, nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi người tiêu dùng.

Cũng có những ý kiến cho rằng cả kỳ vọng tăng doanh thu thuế hay nâng cao nhận thức và điều chỉnh hành vi người tiêu dùng đều không đạt được vì nhiều lý do, nên cần xem xét lại có nên bổ sung mặt hàng này vào dự thảo Luật Thuế TTĐB hay không.

Theo cơ quan soạn thảo, việc áp thuế TTĐB có thể mang lại nguồn thu ngân sách khoảng 2.400 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, con số này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng thu ngân sách và có thể không đạt được kỳ vọng nếu tiêu dùng nước giải khát có đường giảm do người tiêu dùng thay đổi hành vi.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Chuyên gia này phân tích, toàn bộ thuế TTĐB chiếm 8,8% tổng thu ngân sách nhà nước. Nếu tăng thu 2.400 tỷ đồng từ áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường cũng chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, chỉ dưới 2% trong tổng thu thuế mỗi năm.

Trong khi đó, giả sử việc đánh thuế sẽ điều chỉnh hành vi khiến tiêu thụ nước giải khát có đường giảm, như vậy số thu 2.400 tỷ đồng chắc chắn sẽ không đạt. Chưa kể, TS Lực cũng cảnh báo về khả năng lách thuế, khiến việc thu đúng, thu đủ trở nên phức tạp.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu quốc tế cho thấy, đánh thuế đường chưa chắc là giải pháp hữu hiệu để kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì. TS Lực dẫn chứng rằng, từ năm 2016 đến 2024, hơn 20 quốc gia đã áp thuế đường nhưng tỷ lệ thừa cân, béo phì vẫn tăng, như Mỹ (từ 42,1% lên 42,7%) và Brunei (từ 14,1% lên 23,2%). Trong khi đó, 65 quốc gia chưa đánh thuế đường lại ghi nhận xu hướng giảm, bao gồm Trung Quốc và Indonesia.

PGS, TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam nhấn mạnh, thừa cân, béo phì ở trẻ em không chỉ do tiêu thụ nước giải khát có đường mà còn liên quan đến khẩu phần ăn, hoạt động thể chất, yếu tố di truyền và kinh tế-xã hội.

"Nếu chỉ giảm tiêu thụ nước ngọt thì không thể giải quyết triệt để vấn đề thừa cân, béo phì hay các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường. Quan trọng hơn, cần truyền thông về dinh dưỡng, tăng cường hoạt động thể chất và sử dụng thực phẩm hợp lý", bà Lâm phân tích.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường có thể gây thiệt hại tới gần 28 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,5% GDP năm 2022, do giảm tiêu thụ và sản xuất. Thuế gián thu và trực thu dự kiến giảm lần lượt 5.400 tỷ đồng và 3.300 tỷ đồng mỗi năm.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng vì nước giải khát có đường liên quan đến chuỗi cung ứng từ sản xuất nguyên liệu đến bán lẻ, dịch vụ ăn uống.

Một chính sách thuế nếu không được tính toán kỹ sẽ ảnh hưởng tới doanh thu, việc làm của người lao động, từ đó làm suy giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, bà Cúc nhận định.

PGS, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

PGS, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

PGS, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh nguyên tắc của việc đánh thuế là phải bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và người nộp thuế.

Ông cảnh báo rằng tăng thuế đột ngột có thể gây "sốc" cho doanh nghiệp, xã hội và người lao động, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu ngân sách và nguy cơ trốn thuế tăng cao.

Tránh hệ lụy không mong muốn khi ban hành chính sách

Bà Trần Thị Nhị Hà, đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội nhận định, chính sách thuế cần tập trung vào điều chỉnh hành vi tiêu dùng hơn là tăng thu ngân sách.

Theo bà, việc đánh thuế cần dựa trên cơ sở khoa học và tiêu chuẩn cụ thể. Hiện tại, mức 5g đường/100ml vẫn chưa được giải thích thấu đáo. Do đó cần bổ sung thêm đánh giá tác động tới sức khỏe, bởi đây là vấn đề rất được quan tâm nhưng dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lại thiếu đánh giá về y tế, tác động tới sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cho rằng, nếu muốn cải thiện sức khỏe cộng đồng, chính sách cần đồng bộ hơn, từ giáo dục dinh dưỡng, kiểm soát các sản phẩm chế biến sẵn đến việc khuyến khích lối sống lành mạnh.

PGS, TS Vũ Sỹ Cường từ Học viện Tài chính lưu ý, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, chính sách thuế cần được thiết kế nhằm khuyến khích tiêu dùng nội địa và giảm rủi ro cho doanh nghiệp.

Theo ông Cường, từ tháng 1/2023 đến tháng 8/2024, tốc độ sản xuất công nghiệp chỉ tăng 5%, thấp hơn mức tăng GDP quý. Muốn thay đổi cơ cấu kinh tế phải khuyến khích tiêu dùng nội địa. Do đó, các chính sách thuế đối với tiêu dùng nội địa như thuế VAT, TTĐB cần phải tính toán cụ thể.

Theo các chuyên gia, với áp lực chi phí sản xuất, chi phí hoạt động tăng, trong khi nhu cầu tiêu dùng đang trên đà giảm, các doanh nghiệp ngành sản xuất đồ uống, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đã suy yếu nay lại phải chịu nhiều tổn thất hơn so với các ngành khác.

Do vậy, việc ban hành hay sửa đổi, bổ sung các chính sách hiện hành cần phải đánh giá tác động toàn diện, nhất là đối tượng chịu tác động của chính sách, để từ đó cân nhắc việc quy định cũng như thời điểm áp dụng chính sách cho phù hợp.

Đề xuất đánh thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường đòi hỏi phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích ngân sách, sức khỏe cộng đồng và tác động tới nền kinh tế. Các ý kiến đa chiều từ chuyên gia, nhà quản lý là cơ sở quan trọng để chính sách khi được ban hành vừa bảo đảm mục tiêu, vừa tránh những hệ lụy không mong muốn.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày hôm nay, 22/11, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Tiếp sau đó cùng ngày, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về nội dung này ngay trong phiên họp buổi sáng, trước khi tiếp tục tiến hành thảo luận ở hội trường vào chiều 27/11.

TRUNG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhieu-y-kien-khac-nhau-lien-quan-de-xuat-danh-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-nuoc-giai-khat-co-duong-post846262.html
Zalo