Nhiều tuyến đường ở Hà Nội không còn lộn xộn
Sáng 2-1, tại nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến không còn xảy ra tình trạng lộn xộn tại nút giao. Đáng chú ý, việc chấp hành luật giao thông đường bộ của người dân tốt lên rõ rệt.
Ngày 2-1, ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2025, khắp các ngả đường ở Hà Nội lại trở nên đông đúc. Đến gần 9 giờ sáng, nhiều tuyến đường như Khuất Duy Tiến, Láng, Phạm Hùng vẫn xảy ra ùn ứ tại một số điểm.
Tại nút giao nhiều tầng Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân), ngay từ sớm, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) đã bố trí lực lượng, phối hợp các lực lượng khác tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông.
Nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến thời gian qua "nổi tiếng" với tình trạng người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, đi ngược chiều...
Người dân chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông.
Người dân chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông.
Tuy nhiên, theo tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 7, sau khi ngày hôm qua (1-1-2025), lực lượng CSGT trên toàn địa bàn thành phố tăng cường xử lý vi phạm theo quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025), lượng vi phạm đã giảm rõ rệt.
Bên cạnh đó, quá trình xử lý vi phạm, lực lượng CSGT còn kết hợp tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân.
Như trường hợp anh N.C.N (sinh năm 2005, sinh viên) điều khiển xe mô tô đi ngược chiều trên đường Nguyễn Xiển hướng về nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến thì bị lực lượng chức năng phát hiện, dừng phương tiện để kiểm tra.
Trình bày với lực lượng chức năng, anh N. cho biết, anh đi theo chỉ dẫn của Google Maps rồi biết bị nhầm đường, định đi ngược chiều quay lại cho nhanh. "Tôi vừa đi làm thêm về, định về Trần Cung nhưng bị lạc sang đây, tôi cũng chủ quan, chỉ định đi ngược chiều một đoạn ngắn rồi rẽ ra đường Khuất Duy Tiến thôi", anh N.C.N chia sẻ.
Với lỗi đi ngược chiều của đường một chiều, anh N sẽ bị xử phạt 4 - 6 triệu đồng, trừ 2 điểm trong giấy phép lái xe (GPLX). Hầu hết các trường hợp vi phạm đều đã nhận thức được hành vi vi phạm của mình, hứa sẽ không tái phạm.
Theo Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội, việc tăng mức xử phạt không chỉ nhằm tăng tính răn đe mà còn để xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm, góp phần lập lại trật tự giao thông.
Cùng với việc tăng cường xử lý vi phạm, lực lượng CSGT Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân. Những biện pháp đồng bộ này không chỉ nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông mà còn hướng tới xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh.
Tin,ảnh: PHẠM HƯNG
* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.