Nhiều trường đại học đồng loạt mở ngành học mới đáp ứng nhu cầu tuyển dụng

Năm 2025, nhiều trường đại học đồng loạt mở thêm các ngành mới liên quan đến công nghệ kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo, luật,... để đáp ứng nhu cầu và thực tế của xã hội.

Năm 2025, Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến tuyển sinh 73 mã ngành/chương trình với 89 chương trình đào tạo, trong đó, 2 ngành/chương trình mở mới: Quan hệ lao động và Luật thương mại quốc tế. Các phương thức tuyển sinh cơ bản được giữ ổn định, gồm: xét tuyển thẳng; xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và xét tuyển kết hợp.

Đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp, về ngưỡng đầu vào trường dự kiến là 20 điểm, đã bao gồm điểm ưu tiên

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh mở 6 ngành mới: Dinh dưỡng và Khoa học thực phẩm, Quản lý tài nguyên và môi trường (chuyên ngành Môi trường và Phát triển bền vững), Công nghệ tài chính, Quản trị kinh doanh, Vật lý kỹ thuật (định hướng Công nghệ bán dẫn và cảm biến, đo lường), Công nghệ truyền thông (Truyền thông số và Công nghệ đa phương tiện).

Đồng thời, tại phân hiệu Bình Phước, Nhà trường dự kiến đào tạo 12 ngành: Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Quản lý xây dựng; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Công nghệ thông tin; Quản lý công nghiệp; Kế toán; Thương mại điện tử; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Kinh doanh quốc tế; Ngôn ngữ Anh. Những ngành này tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Bộ.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) mở ngành Công nghệ giáo dục trong mùa tuyển sinh 2025. Dự kiến, trường tuyển 70 chỉ tiêu cho ngành học này. Đây là ngành học kết hợp giữa công nghệ và giáo dục, phù hợp với xu hướng đổi mới phương pháp giảng dạy trong thời đại số.

 Sinh viên thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: Xuân Quý)

Sinh viên thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: Xuân Quý)

Để đáp ứng thực tế phát triển ngành công nghiệp ô tô và phần mềm dành cho ô tô, Đại học Bách Khoa Hà Nội mở chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô số đầu tiên tại Việt Nam. Đây là chương trình sau đại học, tương đương thạc sĩ, do đơn vị thành viên của Đại học Bách Khoa Hà Nội là Trường Cơ khí và Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông cùng xây dựng.

Sinh viên tốt nghiệp hệ cử nhân các ngành phù hợp được đăng ký xét tuyển như: Kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật cơ điện tử, Điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật điện tử, Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu, An toàn thông tin, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật cơ khí điện lực…

Đồng thời, chương trình cũng mở rộng cho cử nhân từ các trường đại học khác, với điều kiện đáp ứng các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng đầu vào.

Năm 2025, Trường Đại học Thương mại mở 7 chương trình mới, những chương trình này thuộc nhóm định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP), gồm Quản trị thương hiệu (ngành Marketing), Kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (Kiểm toán), Kinh tế và Quản lý đầu tư (Kinh tế), Luật kinh doanh (Luật kinh tế), Thương mại điện tử (Thương mại điện tử), Quản trị Hệ thống thông tin (Hệ thống thông tin quản lý), Tiếng Trung thương mại (Ngôn ngữ Trung Quốc).

Trường Đại học FPT dự kiến mở chuyên ngành đang khát nhân lực, có triển vọng trong tương lai như: Công nghệ tài chính (Fintech), Tài chính ngân hàng số (Digital Banking and Finance), Tài chính doanh nghiệp, Tài chính đầu tư, Luật kinh tế, Luật thương mại quốc tế được đưa vào đào tạo.

Trường Đại học Tài chính - Marketing mở thêm ngành Luật thương mại và Kỹ thuật phần mềm năm 2025. Chỉ tiêu của trường là 4.350 (tăng 50 chỉ tiêu so với năm 2024). Các phương thức xét tuyển được giữ ổn định như năm trước. Trường dự kiến chú trọng 2 môn chính là toán, ngữ văn. Các tổ hợp xét tuyển của trường sẽ hỗ trợ cho thí sinh, lấy trên tổng số 9 môn học thích ứng với các môn mà các học sinh đã lựa chọn để thi tốt nghiệp THPT.

Tương tự, Trường đại học Y Hà Nội dự kiến mở thêm 2 ngành đào tạo mới là ngành Công tác xã hội và ngành Kỹ thuật hình ảnh y học. Theo Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, PGS. TS Lê Đình Tùng, việc mở ngành Công tác xã hội dựa trên nhu cầu hoạt động công tác xã hội tại các bệnh viện, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang rất cần. Thu nhập của các ngành này cũng khá hấp dẫn.

Đồng thời từ năm 2025, với nhu cầu nhân lực y tế chất lượng cao, dựa vào cơ sở hạ tầng và khả năng đáp ứng đào tạo của Trường Đại học Y Hà Nội, trường dự kiến tuyển sinh thêm ngành Kỹ thuật hình ảnh y học. Trước đây, trường tập trung đào tạo bác sĩ và trình độ sau đại học.

Trang Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nhieu-truong-dai-hoc-dong-loat-mo-nganh-hoc-moi-dap-ung-nhu-cau-tuyen-dung-post402279.html
Zalo