Nhiều trường công bố phương thức mới tuyển sinh đại học năm 2025

Theo lộ trình, năm 2025, lứa học sinh đầu tiên của chương trình GDPT 2018 sẽ thi tốt nghiệp THPT với nhiều đổi mới. Một số trường đại học đã công bố định hướng tuyển sinh với nhiều thay đổi về tổ hợp môn.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM, ba phương thức tuyển sinh của năm tới gồm Xét tuyển thẳng; Xét điểm thi đánh giá năng lực do đại học này tổ chức; Xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Các trường thành viên được khuyến khích xét tuyển kết hợp.

PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền giảm bớt phương thức tuyển sinh và chỉ công bố kết quả xét tuyển đại học sau khi có điểm thi tốt nghiệp, kể từ năm 2025. Đại học này cũng dự kiến đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) chung. Lĩnh vực đào tạo và tuyển sinh then chốt là Công nghệ bán dẫn, Công nghệ sinh học, Trí tuệ nhân tạo và các chương trình đào tạo liên ngành, liên trường.

Với khối ngành Y Dược, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh một số ngành như Y học cổ truyền, tăng 20 %; Điều dưỡng, tăng 10%; Dược học, tăng 30% so với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024. Nhà trường thực hiện 6 phương thức xét tuyển bao gồm: Kết quả thi tốt nghiệp THPT; Tuyển thẳng theo quy định của quy chế tuyển sinh; Sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển; Chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Sử dụng phương thức khác. Trường này cũng cho hay sẽ không áp dụng môn ngoại ngữ trong tiêu chí phụ khi xét đồng điểm như 2024 trở về trước.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng đã ban hành thông báo các phương thức tuyển sinh ĐH chính quy năm 2025. Theo đó, trường đưa ra 6 phương thức xét, trong đó có phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Theo thống kê, cả nước có hơn 20 cách xét tuyển, chủ yếu là xét tuyển sớm (xét học bạ, chứng chỉ quốc tế, thi đánh giá năng lực, tư duy...).

Theo thống kê, cả nước có hơn 20 cách xét tuyển, chủ yếu là xét tuyển sớm (xét học bạ, chứng chỉ quốc tế, thi đánh giá năng lực, tư duy...).

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến công bố phương hướng tuyển sinh ĐH năm 2025 vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, theo ThS. Lê Phan Quốc - Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, định hướng của trường là nghiên cứu, rà soát lại các phương thức cho phù hợp, trong đó phù hợp với từng ngành chứ không áp đặt giống nhau cho tất cả các ngành. Việc này đã có những điều chỉnh trong kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường từ năm 2024 để làm căn cứ. Quan trọng không kém là việc rà soát, điều chỉnh các tổ hợp trong các phương thức có sử dụng tổ hợp để phù hợp với các môn học trong chương trình THPT học sinh đang theo học và các môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo phương án thi mà Bộ GD&ĐT đã ban hành. "Ngoài các tổ hợp truyền thống, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ bổ sung các tổ hợp phù hợp với các bài thi tự chọn mới như: tin học, công nghệ. Tinh thần chung mỗi tổ hợp xét tuyển vẫn gồm 3 môn, trong đó bắt buộc có toán hoặc ngữ văn".

Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng là một trong những trường công bố sớm nhất phương hướng tuyển sinh đại học năm 2025. Theo đó, trường giữ ổn định phương thức xét tuyển nhưng điều chỉnh chỉ tiêu từng phương thức. Trong đó, điểm thi tốt nghiệp THPT được sử dụng trong 2 phương thức: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025; kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của môn toán và 1 môn khác không phải tiếng Anh (thuộc phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh).

Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2025, chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT dự kiến cũng được nhà trường giảm từ 50% của năm 2024 xuống còn 40%, tăng chỉ tiêu xét tuyển các phương thức còn lại.

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM thông tin, năm 2025, phương án tuyển sinh kết hợp của trường gồm một số tiêu chí. Trong đó, tiêu chí học lực bao gồm 3 thành phần là: điểm học tập ở bậc THPT (gồm 6 học kỳ ứng với tổ hợp đăng ký xét tuyển); điểm thi tốt nghiệp THPT (gồm các môn trong tổ hợp xét tuyển); điểm thi đánh giá năng lực. Thành phần học lực của thí sinh được tính dựa vào điểm học tập 3 năm THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực.

Tiêu chí thành tích cá nhân là học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải thi khoa học kỹ thuật, trình độ ngoại ngữ, chứng chỉ tuyển sinh quốc tế, thành viên trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, tỉnh/thành phố, và các giải thưởng học thuật khác cũng được đưa vào. Ngoài ra còn có tiêu chí hoạt động xã hội, văn thể mỹ.

Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo dự kiến thời gian tổ chức 6 đợt thi năm 2025, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 5. Thí sinh có thể đăng ký tham gia kỳ thi vào tháng 2-2025.

Với Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, chia sẻ về định hướng năm tới, TS. Phạm Tấn Hạ cho biết, nhà trường sẽ cân nhắc việc xây dựng các tổ hợp xét tuyển phù hợp với lựa chọn môn học của học sinh năm học tới. "Nhà trường sẽ cố gắng giữ các tổ hợp môn truyền thống để không xáo trộn nhiều tới lựa chọn môn học của thí sinh từ cách đó 3 năm trước, ví dụ như: C00; D01; D14. Ba tổ hợp này được sử dụng để xét tuyển nhiều nhất vào các ngành của trường, dự kiến sẽ có trong tổ hợp môn xét tuyển năm 2025".

Trường ĐH Việt Đức cũng dự kiến cho phép thí sinh tự do lựa chọn các môn học trong các nhóm ngành để đăng ký xét tuyển. thí sinh không bị giới hạn trong việc chọn lựa các môn học, mà có thể linh hoạt tùy theo định hướng và sở thích của bản thân. Ví dụ, phương thức xét điểm học tập THPT, trường xét tuyển dựa trên điểm trung bình của 6 môn theo kết quả 3 năm THPT.

Dựa theo môn học ở THPT, Trường ĐH Nha Trang công bố danh mục 36 tổ hợp môn học tương ứng. Theo đó, tùy ngành học sẽ ứng với nhóm môn học khác nhau từ 2-5 môn học. Tương tự, với hình thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, trường cũng công bố phạm vi các lĩnh vực tương ứng cho mỗi ngành học. Trên cơ sở nhóm môn học và phạm vi đánh giá năng lực định hướng này, trường sẽ xây dựng các tổ hợp xét tuyển cụ thể trong phương án tuyển sinh chi tiết.

2025 là năm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình GDPT mới thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi diễn ra với hai môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn), hai môn lựa chọn trong số các môn mà học sinh được học ở trường.

Hiện các trường được tự chủ tuyển sinh theo Luật giáo dục đại học. Theo thống kê, cả nước có hơn 20 cách xét tuyển, chủ yếu là xét tuyển sớm (xét học bạ, chứng chỉ quốc tế, thi đánh giá năng lực, tư duy...).

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-truong-cong-bo-phuong-thuc-moi-tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2025-169241015131345209.htm
Zalo